“Phù phép” bán nhà sở hữu nhà nước

04/04/2013 02:36 GMT+7

Trong vòng 15 năm, Hội đồng bán nhà ở của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bán 1.958 ngôi nhà, đất cho cán bộ và nhiều đối tượng khác, trong đó đa phần các thủ tục mua bán đều trái pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản công.

Ngày 5.7.1994, Chính phủ ban hành Nghị định 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở. Theo quy định của Nghị định 61/CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, về nguyên tắc chỉ có đối tượng là CB-CNV được bố trí nhà ở trước 1.11.1992 mới được mua chính ngôi nhà đã phân trước đó, những trường hợp bố trí sau thời điểm này chưa được mua.

Thất thoát khổng lồ

Thế nhưng tại Thừa Thiên-Huế, trong số 1.958 hộ được mua nhà theo Nghị định 61/CP, Hội đồng của tỉnh đã tham mưu bán cho 782 hộ gia đình được bố trí nhà sau mốc thời gian trên, có 45 trường hợp không phải CB-CNV và 48 trường hợp khác không xác định được đối tượng. Bên cạnh đó, có 16 trường hợp đã có nhà, đất ở nhưng vẫn được ưu ái bán thêm.

Đáng nói là với 1.958 ngôi nhà, trong đó rất nhiều khu nhà, đất thuộc TP.Huế với các vị trí tốt trên những tuyến đường và khu dân cư trung tâm, thuận lợi, nhưng số tiền thu về cho ngân sách chỉ hơn 55,5 tỉ đồng! Số tiền thu được này quá bé nhỏ so khối tài sản công khổng lồ được bán.

Bên cạnh đó, Nghị định 61/CP quy định: “Nhà nước thực hiện bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê phần diện tích đang được thuê để có điều kiện cải thiện chỗ ở…”. Thế nhưng có tới 116 trường hợp trên hồ sơ không thể hiện diện tích, giá trị nhà ở mà chỉ thể hiện diện tích và giá trị đất, với tổng diện tích đã bán lên đến hơn 9.502 m2, số tiền thu được cũng chỉ 1,5 tỉ đồng.

Các thủ thuật “phù phép” để bán đất trên danh nghĩa bán nhà được thực hiện vô cùng tinh vi. Cụ thể, có 26 trường hợp tùy tiện bố trí đất trống để cá nhân tự làm nhà ở với tổng diện tích hơn 2.800 m2. Sau đó, làm thủ tục bán nhà do các hộ tự xây dựng nhưng thực chất là bán đất. Trong số 26 trường hợp này, chỉ có 10 trường hợp có thu tiền sử dụng đất 100%, còn lại 16 trường hợp chỉ thu tiền sử dụng đất 40%. Có 8 trường hợp không có tên trong danh sách chuyển giao, nhưng lại được bố trí đất với tổng diện tích hơn 700 m2. Trong đó, chỉ có 1 trường hợp thu tiền sử dụng đất 100%, còn lại 7 trường hợp chỉ thu 40%.

Ngoài ra, có 74 trường hợp được mua phần diện tích đất trống, do phân lô, quy hoạch lại để phù hợp với cảnh quan đô thị trước khi bán nhà theo Nghị định 61 với tổng diện tích lên tới hơn 5.000 m2, nhưng cũng chỉ thu 40% tiền sử dụng đất; có 8 trường hợp được mua đất trên danh nghĩa mua nhà thuộc Nghị định 61/CP sau khi giải tỏa các hộ gia đình, cá nhân từ nơi khác chuyển đến tại khu nhà số 29 Tôn Thất Thiệp (TP.Huế) với diện tích hơn 886 m2.

Đặc biệt, tại khu nhà đất số 15, 17 (số 7 cũ) Bến Nghé (P.Phú Hội), trước đây là khu tập thể Công an tỉnh, sau đó chuyển giao cho Công ty xây lắp Thừa Thiên- Huế thì được san bằng và phân lô bán cho 9 hộ cán bộ công an tỉnh. Thực chất, 9 hộ này mua đất với danh nghĩa mua nhà theo Nghị định 61/CP và chỉ nộp 40% tiền sử dụng đất.

Những trường hợp bán nhà nhưng trên đất không có nhà mà chỉ bán đất là trái với quy định của Nghị định 61/CP.

“Phù phép” bán nhà sở hữu nhà nước
Khu nhà 46 Hùng Vương (số mới từ 68-76) nằm trên tuyến đường có khả năng sinh lợi cao đã được bán trái quy định theo Nghị định 61/CP, sau khi mua các hộ đã xây dựng nhà cao tầng kiên cố - Ảnh: Gia Tân

Bán tháo… đất vàng

Ở Huế, có những tuyến đường thuận lợi cho việc làm ăn, kinh doanh như Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu, Mai Thúc Loan, Nguyễn Huệ… Thế nhưng, vẫn có nhiều khu nhà đất ở các tuyến đường này đã bị bán tháo theo Nghị định 61/CP.

Điển hình như khu nhà đất số 46 Hùng Vương (số mới từ số 68-76) với diện tích 709,5 m2. Trước đó, khu đất này được UBND tỉnh giao cho chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Thừa Thiên-Huế xây dựng cửa hàng kinh doanh vàng, bạc, đá quý… Quá trình đầu tư, chi nhánh Agribank Thừa Thiên-Huế xây dựng thành 6 gian nhà, trong đó 2 gian được sử dụng làm chi nhánh Agribank Nam sông Hương, 4 gian còn lại được bố trí cho 4 hộ cán bộ của ngân hàng là ông Lê Độ, Ngô Thanh Việt, Nguyễn Thị Hóa và Nguyễn Văn Cung.

Theo quy định, không sử dụng đúng mục đích và chủ trương đầu tư, khu đất phải bị thu hồi để kêu gọi nhà đầu tư khác hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất, thì Sở Xây dựng Thừa Thiên-Huế lại tham mưu cho UBND tỉnh bán lại cho chính các hộ trên theo Nghị định 61/CP vào tháng 7.2004.

Thủ thuật để bán 4 lô đất vàng này được thực hiện bằng cách, chi nhánh Agribank Thừa Thiên-Huế bàn giao 4 gian nhà trên sang Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, sau đó Sở Xây dựng tham mưu cho Hội đồng bán nhà ở của tỉnh bán lại cho 4 hộ trên. Cụ thể, hộ ông Lê Độ được mua nhà số 68 Hùng Vương, diện tích đất 118.2 m2, với tổng số tiền 110.697.101 đồng; ông Ngô Thanh Việt mua nhà ở số 70, diện tích nhà 78 m2, diện tích đất 112,9 m2, tổng số tiền 105.744.877 đồng; bà Nguyễn Thị Xem mua nhà số 74, diện tích nhà 86,35 m2, diện tích đất 112,9 m2, tổng số tiền 105.744.877 đồng; ông Nguyễn Văn Cung mua nhà số 76, diện tích nhà 87,92 m2, diện tích đất 119,2 m2, tổng số tiền 111.716.787 đồng...

Có nhà rồi vẫn được mua thêm

Đáng nói là trong số những hộ mua nhà trên, hộ ông Nguyễn Văn Cung (nguyên Giám đốc chi nhánh Agribank) đã có nhà ở tại 116 Ngô Đức Kế (TP.Huế). Bà Xem là mẹ chồng bà Nguyễn Thị Hóa, Phó giám đốc chi nhánh Agribank Thừa Thiên-Huế, nhưng bà Hóa chỉ mới đến ở tại đây ngày 1.11.1992, và cũng không thuộc đối tượng được mua nhà theo Nghị định 61/CP.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh (số 1189/KL-TTr ngày 25.12.2012), đã có 22 trường hợp nhà thuộc các tuyến đường có khả năng sinh lợi cao (đường loại 1, 2 theo quy định của UBND tỉnh) đã được bán theo Nghị định 61/CP.

(Còn tiếp)

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.