Băn khoăn

04/04/2013 02:14 GMT+7

Thông tin Bộ GD-ĐT dự kiến có 2 mức điểm sàn (điểm sàn trên như lâu nay và điểm sàn dưới, có thể thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn của từng năm) trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay gây nhiều lo âu. Băn khoăn lớn nhất của xã hội chính là chất lượng.

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) diễn ra hơn 10 năm và cũng gần 10 năm Bộ định ra điểm sàn chung theo từng khối thi. Trong từng ấy thời gian, ai cũng hiểu rằng điểm sàn là mức điểm tối thiểu để các trường xét tuyển thí sinh vào học.

Một trong những chủ trương của Bộ khi định ra điểm sàn là nhằm phân luồng  thí sinh có điểm thi thấp vào các bậc học và ngành nghề khác phù hợp hơn với năng lực, tránh tốn kém, lãng phí. Điểm sàn trong các năm qua luôn ở mức 13 - 14. Với 3 môn thi, mức điểm sàn như thế rõ ràng quá thấp, chưa đạt đến điểm trung bình cho mỗi môn thi.

Thế nhưng giờ đây Bộ lại dự kiến có cả loại điểm dưới sàn, nghĩa là thấp hơn cả mức tối thiểu. Khó lòng chấp nhận điều này nếu vẫn còn giữ lại khái niệm gọi là “điểm sàn”. Việc định ra điểm sàn dưới như lời lãnh đạo Bộ giải thích - thật ra là để giúp cho các trường ngoài công lập có thể lấy được người học. Nếu không cân nhắc kỹ chỉ e rơi vào viễn cảnh “tiền mất tật mang”.

Đầu tháng 8 năm ngoái, trước khi công bố điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định khi tính toán điểm sàn, Bộ đã để số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu. Có khối thi đã dư hàng chục lần, thấp nhất cũng 1,7 lần, trường công lập không thể tuyển hết nguồn thí sinh. Như vậy các trường ngoài công lập không lo không đủ nguồn tuyển. Điều quan trọng là các trường có đủ chất lượng và uy tín để thu hút học sinh hay không.

Khi nói về tình trạng khó tuyển sinh ở hệ thống trường này, ông Ga từng lý giải: “Không hẳn trường ngoài công lập nào cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhiều trường vẫn tuyển sinh đủ thậm chí là vượt hơn so với chỉ tiêu đăng ký. Qua đó cho thấy, nếu trường nào quan tâm phát triển để nâng cao chất lượng thì thí sinh sẽ tin tưởng đầu đơn vào học. Chính vì thế, để có thể tuyển sinh được, các trường cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng. Mục tiêu của ngành trong giai đoạn này sẽ tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Bộ luôn sẵn sàng tạo cơ chế để cho các trường phát triển nhưng phải đảm bảo yếu tố chất lượng”.

Vậy nếu đồng ý có điểm sàn dưới, thấp hơn điểm sàn trên hiện nay khoảng 2 điểm, liệu Bộ chắc chắn sẽ giúp các trường ngoài công lập tuyển được sinh viên? Đừng giống tình trạng như năm qua, Bộ đồng ý với đề xuất của các trường ngoài công lập kéo dài thời gian xét tuyển đến hơn một tháng so với mọi năm. Thế nhưng cuối cùng các trường này lại cho rằng khó tuyển sinh hơn bao giờ hết! Thêm nữa, quan trọng hơn cả, điểm sàn kiểu này liệu có mâu thuẫn với quan điểm “tập trung nâng cao chất lượng” như Bộ đã khẳng định?

Có ý kiến cho rằng, nhiều năm nay, các trường công lập lấy bằng điểm sàn khiến cho các trường ngoài công lập khó tuyển sinh. Nên chăng, Bộ quy định các trường công lập (sinh viên được đào tạo một phần bằng ngân sách nhà nước) phải lấy điểm trên điểm sàn 0,5 hoặc 1 điểm, có như thế mới hài hòa và ổn định trong tuyển sinh.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.