Sức mạnh tàu ngầm Nhật Bản

04/04/2013 03:20 GMT+7

Nhật Bản đang ra sức tăng cường sức mạnh tàu ngầm để đối phó với những thách thức trong khu vực cũng như khẳng định ưu thế công nghệ.

Nhật Bản đang ra sức tăng cường sức mạnh tàu ngầm để đối phó với những thách thức trong khu vực cũng như khẳng định ưu thế công nghệ. 

Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) vừa triển khai một tàu ngầm mới tại căn cứ ở Yokosuka, phía nam thủ đô Tokyo. Đài NHK hôm qua đưa tin tàu Zuiryu thuộc lớp Soryu đã vào căn cứ Yokosuka vào ngày 2.4. Việc triển khai tàu ngầm mới này là một phần nỗ lực của Nhật nhằm tăng cường sức mạnh phòng vệ biển trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có những diễn biến đáng quan ngại, đặc biệt là tranh chấp với Trung Quốc đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhỏ nhưng tinh nhuệ

Theo trang tin Heritage.org, JMSDF hiện có 16 tàu ngầm, tương đối khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, lực lượng tàu ngầm nước này được đánh giá là có năng lực chiến đấu mạnh mẽ với những tàu hiện đại bậc nhất và phù hợp với địa chiến lược trong khu vực.

 Sức mạnh tàu ngầm Nhật Bản
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật - Ảnh: Military Today

Nhật có thói quen thay mới tàu thuộc loại nhanh nhất thế giới, bình quân là 16 năm. Đây là “vòng đời” ngắn hơn đáng kể so với tàu ngầm của nhiều nước khác. Nhờ đó, đội tàu ngầm nước này liên tục được đổi mới, nâng cấp và bổ sung các công nghệ tiên tiến nhất. Bên cạnh đó, theo Chương trình Quốc phòng Cơ bản được chính phủ Nhật công bố hồi năm 2010, Tokyo đặt mục tiêu tới năm 2021 sẽ tăng số tàu ngầm lên 22 chiếc. Kyodo News dẫn lời các chuyên gia cho rằng mục tiêu chính là nhằm tăng cường phòng thủ xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa lúc Trung Quốc có nhiều động thái gây quan ngại trên biển.

 

Khả năng xuất khẩu công nghệ

Quyết định hồi năm ngoái của chính phủ Nhật nới lỏng các biện pháp cấm vận xuất khẩu vũ khí đang mở ra khả năng chia sẻ công nghệ tàu ngầm và Úc có thể là nước tiếp nhận đầu tiên. Theo tờ Asahi Shimbun, Bộ Quốc phòng Nhật đang cân nhắc mức độ thông tin có thể chia sẻ theo yêu cầu của Hải quân Úc. Giới chức Canberra đã đưa ra yêu cầu trên sau khi đến thăm căn cứ Kure của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật hồi tháng 12.2012. Bên cạnh đó, tờ The New York Times dẫn nguồn giấu tên cho hay Indonesia và một nước Đông Nam Á khác có thể xem xét mua tàu ngầm Nhật.

Khang Huy

Tàu ngầm lớp Soryu là loại tàu ngầm lớn nhất của Nhật từ sau Thế chiến 2 và là tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại nhất thế giới hiện nay. Theo website của Bộ Quốc phòng Nhật, tàu Zuiryu, chiếc thứ 5 của lớp Soryu, có chiều dài 84 m, rộng 9,1 m với độ choán nước 4.200 tấn. Tàu có thể chở theo thủy thủ đoàn 65 người, được trang bị hệ thống sonar hiệu suất cao và khả năng tàng hình. Về vũ khí, tàu Zuiryu có 6 ống phóng dành cho ngư lôi Type 89 và tên lửa đối hạm Harpoon UGM-84. Tên lửa Harpoon có tầm bắn 124 km và tốc độ 864 km/giờ. Đặc điểm kỹ thuật vượt trội của lớp Soryu là mức tự động hóa cao của hệ thống chiến đấu và động cơ AIP tối tân. Được sản xuất theo sự nhượng quyền của Thụy Điển, AIP chuyển hóa khí CO2 thải ra thành ô xy hóa lỏng để bổ sung cho động cơ điện -diesel, giúp tàu có thể lặn sâu và dài ngày hơn.

Bên cạnh Soryu, lớp tàu ngầm chủ lực của JMSDF hiện nay là Oyashio. Theo website Military Today, tàu lớp này dài 81,7 m với độ choán nước dao động từ 2.750-4.000 tấn. Tàu Oyashio được trang bị radar và thiết bị điện tử hiện đại sản xuất nội địa còn hệ thống sonar dựa trên thiết kế của Mỹ. Tàu Oyashio có khoảng 20 ngư lôi Type 89 và tên lửa đối hạm Harpoon UGM-84.

Ngoài ra, những loại tàu ngầm đáng kể khác của Nhật còn có Yuushio và Harushio, sở hữu những đặc điểm kỹ, chiến thuật ưu việt cùng những loại vũ khí hiện đại nhưng các tàu này đang dần được thay thế bằng các lớp tàu tối tân kể trên.

Phần lớn biển Hoa Đông, đặc biệt là xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, tương đối cạn. Vùng sâu nhất cũng chưa đến 200 m và rất ít nơi vượt qua 100 m. Vùng biển này là khu vực hoạt động lý tưởng của tàu ngầm Nhật, vốn linh hoạt và không cần phải nổi lên thường xuyên nhờ hệ thống AIP. Do đó, theo các chuyên gia, hạm đội tàu ngầm Nhật tuy không phô trương ồn ào với những tàu ngầm hạt nhân kềnh càng nhưng vẫn thừa sức tung hoành trên biển Hoa Đông và đối phó hiệu quả những nguy cơ có thể xảy ra.

Trùng Quang

>> Tàu ngầm Borey thứ 3 của Nga sắp chạy thử nghiệm
>> Nga đóng tàu ngầm siêu nhỏ
>> Nga bác tin bán chiến đấu cơ và tàu ngầm cho Trung Quốc
>> Nga bắt tay xây dựng tàu ngầm thế hệ thứ 5
>> Tham vọng tàu ngầm nội địa của Đài Loan
>> Mỹ điều thêm tàu ngầm đến vùng Vịnh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.