Nâng tầm quan hệ Việt - Pháp

03/04/2013 17:48 GMT+7

(TNO) Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (1973-2013), hai nước sẽ tổ chức nhiều sự kiện để tăng cường mối quan hệ song phương.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại Paris vào ngày 27.3.

Theo thông cáo chung, hai bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “Năm Việt Nam - Pháp”. Mùa Pháp tại Việt Nam sẽ chính thức được khai mạc tại Hà Nội vào ngày 9.4 và kéo dài đến hết năm 2013 và tiếp sau đó là mùa Việt Nam tại Pháp, từ tháng 1 - 9.2014.

Đây là dịp để thắt chặt sự hợp tác giữa 2 nước trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, công nghiệp, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và giảng dạy ngôn ngữ.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Pháp và Việt Nam nhất trí đã đến lúc cần phối hợp chặt chẽ nhằm nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược.


Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trong cuộc gặp tại Paris vào ngày 27.3 - Ảnh: Đại sứ quán Pháp cung cấp

PV Thanh Niên Online đã trao đổi với Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Fabrice Mauriès để nhìn lại quá trình hợp tác giữa hai nước trong suốt 4 thập niên qua.


Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Fabrice Mauriès - Ảnh: Lan Chi

* Ông nhìn nhận thế nào về thành quả đạt được của 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp?

- Kể từ năm 1973 và đặc biệt là từ giai đoạn đầu thập niên 1990, hai nước đã thúc đẩy quan hệ ở mọi lĩnh vực, và tất cả đều mang lại kết quả khả quan. Điều dễ nhận thấy là chúng tôi tập trung rất nhiều vào các hoạt động văn hóa nhưng đây không phải là lĩnh vực duy nhất mà Pháp và Việt Nam tăng cường hợp tác.

Một ví dụ điển hình là về y khoa. Tại TP.HCM, nơi tôi có điều kiện tìm hiểu nhiều nhất, hầu hết các bệnh viện lớn đều có bác sĩ hoặc nhân viên y tế từng được đào tạo tại Pháp. Họ chính là minh chứng rõ ràng cho mối giao hảo giữa 2 nước. Việt Nam quan tâm đầu tư phát triển y khoa, Pháp có nền tảng vững vàng ở lĩnh vực này nên sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, còn rất nhiều ví dụ khác về kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học… Chẳng hạn như Trung tâm Đào tạo Pháp - Việt về quản lý (CFVG), được mở từ năm 1992, đến nay đã đào tạo hàng ngàn học viên tại 2 cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, nhiều công ty Pháp đang góp phần vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Tại TP.HCM, một số văn phòng kiến trúc Pháp sẽ tham gia vào dự án quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.

Việt Nam là quốc gia chiến lược tại khu vực Đông Nam Á đối với Pháp. Chúng tôi luôn dành nhiều phương tiện, tâm sức để quan hệ song phương được bền vững và phát triển không ngừng. Hiện nay, Pháp gặp không ít sự “cạnh tranh lành mạnh” vì nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia châu Á, đang rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Đây là điều dễ hiểu vì đất nước các bạn thuộc Đông Nam Á và là thành viên của ASEAN. Dù gặp khó khăn nhưng Pháp vẫn giữ vị trí quan trọng về đối ngoại đối với Việt Nam.

* Quan hệ Việt - Pháp đã phát triển không ngừng trong 4 thập niên qua và liệu sẽ được “cụ thể hóa” bằng việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược?

- Thông cáo chung trong cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước ngày 27.3 đã thể hiện rõ triển vọng về đối tác chiến lược. Đối với Pháp, từ lâu, quan hệ với Việt Nam đã chuyển từ hỗ trợ, giúp đỡ đơn thuần thành hợp tác song phương. Hai nước là đối tác bền vững, luôn tôn trọng và học hỏi lẫn nhau.

* Những sự kiện nhằm kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Pháp được thực hiện trên tiêu chí nào?

- Chúng tôi muốn nhân chuỗi sự kiện này để tạo đà cho các hoạt động trao đổi song phương, đồng thời giúp công chúng hai nước có cái nhìn toàn diện hơn về quan hệ lâu năm giữa Pháp và Việt Nam. Đất nước các bạn rất trẻ trung nên không ngừng đổi mới, phát triển. Công chúng Pháp sẽ thấy được điều này qua các hoạt động trong mùa Việt Nam tại Pháp. Ngược lại, từ tháng 4, công chúng Việt Nam có cơ hội tìm hiểu nhiều về văn hóa Pháp đương đại chứ không chỉ qua những giai điệu của quá khứ.

Việt Nam thu hút doanh nghiệp Pháp


Guillaume Crouzet - Ảnh: CCIFV

Trao đổi với PV Thanh Niên Online về triển vọng hợp tác kinh tế giữa 2 nước, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại VN (CCIFV) Guillaume Crouzet cho biết: “Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt từ ngày 7 - 9.4 tại TP.HCM là sự kiện mở đầu cho chương trình kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Diễn đàn sẽ do Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq khai mạc vào ngày 8.4. Đáng chú ý là sự kiện lần này có sự góp mặt của khoảng 100 doanh nghiệp đến từ Pháp. Họ sẽ được tạo điều kiện để tham dự hơn 1.000 cuộc gặp gỡ với các đối tác Việt Nam. Sự hưởng ứng nhiệt tình cho thấy với các doanh nghiệp Pháp, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng: dân số trẻ, năng động, nhu cầu phát triển kinh tế cao… Chúng tôi mong muốn qua diễn đàn doanh nghiệp, các công ty Pháp và Việt Nam sẽ có cơ hội “kết nối” và giữ mối quan hệ lâu dài, từ đó có thể cùng hợp tác kinh doanh.

Qua 40 năm, sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam phát triển mạnh ở mọi lĩnh vực, kinh tế cũng không ngoại lệ. Cụ thể là kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2012 đạt 3,3 tỉ EUR, tăng 22% so với năm 2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp lên đến 2,69 tỉ EUR, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức kỷ lục kể từ năm 2000, dù năm 2011, tỉ lệ này cũng ở mức rất cao (+ 34%). Những số liệu kể trên cho thấy thị trường Pháp vẫn đang mở rộng cửa với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay chỉ có trên dưới 10 công ty Việt Nam hoạt động tại đất nước chúng tôi, chủ yếu ở các ngành hàng không, du lịch, ngân hàng... Do đó, tại diễn đàn lần này, CCIFV sẽ mở một hội thảo nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về việc kinh doanh tại Pháp cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(thực hiện)

 >> Hợp tác kinh doanh ẩm thực Việt - Pháp
>> Xác nhận 8 kỷ lục thư pháp Việt Nam
>> Hợp tác kinh doanh ẩm thực Việt - Pháp
>> Hội thảo về biển Đông tại Pháp
>> Giải pháp thay thế tàu sân bay của Mỹ
>> Liên hoan phim Pháp ngữ tại 4 thành phố
>> Cơ hội thực tập tại Singapore và Pháp
 >> Bệnh viện FV (Pháp Việt) cho tôi niềm tin và hy vọng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.