Tuyển sinh đại học 2013: 2 mức điểm sàn ?

03/04/2013 03:20 GMT+7

Bộ Giáo dục - Đào tạo dự kiến sẽ có điểm sàn trên và điểm sàn dưới trong kỳ thi đại học sắp tới. Dựa vào thống kê kết quả thi những năm gần đây, điểm sàn dưới sẽ thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn trên.

Sau thời gian ghi nhận các ý kiến đóng góp thay đổi cách xác định điểm sàn cho phù hợp hơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) trao đổi dự kiến về cách xác định điểm sàn năm nay.

Sẽ có 2 mức điểm sàn ?
Học sinh xem thông tin về ngành học, khối thi của các trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Xin ông cho biết những ý kiến mà Bộ GD-ĐT ghi nhận được thông qua các diễn đàn về điểm sàn trong thời gian qua?

Sẽ có 2 mức điểm sàn ?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga 

Hầu hết các ý kiến đều thấy cần thiết phải duy trì điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cách xác định điểm sàn hợp lý sao cho một mặt đảm bảo chất lượng, mặt khác không gây khó khăn về nguồn tuyển sinh cho các nhà trường.

Vậy Bộ đã có chủ trương gì về việc thay đổi cách xác định điểm sàn để đảm bảo tính hợp lý như ông vừa nói chưa?

Trên cơ sở phân tích ý kiến đóng góp ở hội nghị tuyển sinh, qua diễn đàn điểm sàn và đề xuất của các trường ngoài công lập, Bộ dự kiến phương án điểm sàn 2 mức.

Thứ nhất, vẫn duy trì điểm sàn dựa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng và tổng chỉ tiêu xác định như hiện nay. Thứ hai, sau khi thực hiện nguyên tắc này mà vẫn còn thiếu chỉ tiêu do các nguyên nhân khách quan thì thực hiện việc mở rộng nguồn tuyển đến ngưỡng giới hạn mà chất lượng đầu vào có thể chấp nhận được, kèm theo xét kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án dự kiến. Bộ rất mong tiếp tục góp ý kiến cho phương án này. Nếu được sự đồng tình đông đảo thì có thể sẽ áp dụng ngay năm nay.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về cách xác định 2 mức điểm sàn?

Đó là điểm sàn trên và điểm sàn dưới. Điểm sàn trên được xác định theo chỉ tiêu như cách đã làm lâu nay. Điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi tương ứng. Đây được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào. Thống kê kết quả thi những năm gần đây cho thấy tổng điểm bình quân này của các khối thi (điểm sàn dưới) thường nằm trong khoảng từ 11 đến 12, nghĩa là thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn của từng năm (điểm sàn trên).

 

Điểm sàn trên được xác định theo chỉ tiêu như cách đã làm lâu nay. Điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi tương ứng... Thống kê kết quả thi những năm gần đây cho thấy tổng điểm bình quân này của các khối thi (điểm sàn dưới) thường nằm trong khoảng từ 11 đến 12, nghĩa là thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn của từng năm (điểm sàn trên)

Đối với thí sinh đạt kết quả thi trên điểm sàn trên thì các trường xét trúng tuyển như đã làm lâu nay. Đối với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới, các trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh.

Nếu phương án xác định điểm sàn này được áp dụng, việc tuyển sinh có gì thay đổi hay không, thưa ông?

Những trường lâu nay tuyển đủ thí sinh trên điểm sàn thì hoàn toàn không có gì thay đổi nếu phương án này được áp dụng. Phương án điểm sàn dự kiến có lợi cho những trường tốp dưới gặp khó khăn trong tuyển sinh. Để ưu tiên cho những thí sinh đạt điểm trên sàn trên thì trong 2 đợt xét tuyển đầu tiên, các trường chưa nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh dưới mức sàn này. Kể từ đợt xét tuyển thứ ba trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ thì các trường được xét tuyển những thí sinh có điểm thi đến điểm sàn dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Trong tất cả các đợt xét tuyển, những thí sinh đạt trên điểm sàn trên được ưu tiên xét trước.

Việc cho phép có thêm mức điểm sàn dưới liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng đầu vào không?

Dù có 2 mức điểm sàn thì Bộ GD-ĐT vẫn lấy yếu tố chất lượng làm mục tiêu số một, điểm sàn trên như lâu nay vẫn được duy trì và đảm bảo tuyển ít nhất 90% tổng chỉ tiêu. Mức điểm sàn dưới tạo cơ hội cho những thí sinh có năng lực thật sự nhưng không may đạt kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ thấp được xét tuyển kèm theo kết quả thi phổ thông. Phương án này tạo điều kiện sử dụng hết công suất hiện có của hệ thống giáo dục ĐH, tránh lãng phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Tuệ Nguyễn

>> Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Không hạ điểm sàn quá thấp
>> Bộ GD-ĐT: Không thể bỏ điểm sàn
>> Đề nghị có nhiều mức điểm sàn trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013
>> Điểm sàn phụ thuộc vào đề thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.