Lạ đời

02/04/2013 03:15 GMT+7

Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, có nhiều chuyện lạ nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại nhiều năm.

Năm nào cũng vậy, khi công bố các môn thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đều khẳng định rằng các trường phải dạy đầy đủ chương trình, không được bớt xén trong khi tổ chức ôn tập cho học sinh. Thế nhưng, như các năm trước, báo chí năm nay lại phản ảnh thực trạng hầu hết các trường THPT đã kết thúc chương trình. Thậm chí thi xong học kỳ các môn không thi tốt nghiệp từ hơn nửa tháng trước khi Bộ công bố môn thi tốt nghiệp. Đây là hiện tượng chung, diễn ra từ nhiều năm nay. Ngay trong ngày Bộ công bố các môn thi tốt nghiệp (ngày 29.3) không có môn sử, theo ghi nhận của Thanh Niên, học sinh một trường THPT tại TP.HCM cho biết đầu tuần này (ngày 1.4) sẽ thi môn phụ cuối cùng là lịch sử!

Cũng tương tự như vậy với trường hợp dạy thêm, học thêm. Năm 2012, Bộ GD-ĐT quyết liệt giải quyết vấn nạn này khi ra Thông tư 17 với những quy định hết sức khắt khe. Dù một số địa phương triển khai thông tư này triệt để đến mức có người ví bắt giáo viên dạy thêm như bắt trộm, thế nhưng cho đến nay trên thực tế tình trạng dạy thêm - học thêm vẫn không thay đổi, thậm chí còn nặng nề hơn do có nhiều biến tướng!

Trở lại với việc thi tốt nghiệp THPT. Trong khi chờ đợi đến sau năm 2015, theo lời lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ cải tiến mạnh về chương trình - sách giáo khoa phổ thông, hy vọng học sinh sẽ học ít môn hơn, thi cử đỡ nặng nề hơn, sao Bộ không làm một việc dễ hơn: thay đổi việc công bố môn thi tốt nghiệp một cách hợp lý? Hằng năm cứ vào tháng 3, học sinh, phụ huynh và cả giáo viên lại phập phồng chờ đợi không biết đến ngày nào Bộ công bố môn thi nào. Hiện tại Bộ quy định mỗi năm sẽ công bố trước ngày 31.3 nhưng cụ thể là trước bao nhiêu ngày thì không rõ? Có năm mới 24 đã công bố, có năm đến ngày sát nút mới công bố. Tình trạng này tạo điều kiện cho những tin đồn thất thiệt tồn tại nên nhiều học sinh cuối cấp bất an với những thông tin thất thiệt.

Một chuyện khác cũng liên quan đến thi cử đó là hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ. Theo dõi lĩnh vực tuyển sinh nhiều năm, tiếp xúc với chuyên gia của nhiều trường ĐH-CĐ, cập nhật liên tục những thông tin nhưng người viết đôi khi cũng phải bối rối trước một số tình huống mà thí sinh hỏi khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Vì thế, chẳng có gì lạ khi các thí sinh lần đầu tiên thi ĐH gặp lúng túng. Bởi vậy, năm nào cũng có rất nhiều hồ sơ không chính xác, thí sinh mất quyền dự thi oan uổng. Phải chăng, thiết kế một bộ hồ sơ đăng ký rõ ràng, dễ hiểu, hợp lý là rất khó hay sao?

Những “chuyện lạ” như trên còn rất nhiều. Đáng buồn ở chỗ chúng chẳng phải chuyện lớn mà cũng không mới nhưng lại ảnh hưởng thiết thân đến từng người học. Một lãnh đạo có tài, có tâm chắc phải nhận thấy điều không hợp lý từ những  chuyện nhỏ bé này mới hy vọng làm được được những việc lớn lao hơn.

Thùy Ngân

>> Không làm học sinh quá tải vì ôn thi tốt nghiệp THPT
>> Công bố môn thi tốt nghiệp THPT: Có lợi cho số đông học sinh
>> Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.