Giành nhau dạy trẻ: Ăn cũng khổ

03/04/2013 03:20 GMT+7

Nói đến chuyện nuôi con, kinh nghiệm xưa nay cứ đụng nhau chan chát giữa các thế hệ trong gia đình, và nội chuyện cơ bản nhất là ăn cũng đủ sự nhức đầu.

>> Giành nhau dạy trẻ

Lúc nuôi con bằng sữa mẹ, mọi chuyện đều khá êm xuôi. Nàng dâu tân kỳ cứ thoải mái cho con bú bất cứ giờ giấc nào bé thích. Ban đêm bé bú bình, có bà nội lo chuyện bú mớm nên Phương cũng ngủ được thẳng giấc. Mẹ chồng nấu gì Phương đều ráng ăn hết, dù nhiều món béo vô cùng, nhất là giò heo hầm đu đủ, chủ yếu là làm hài lòng bà, đồng thời cô cũng uống thêm thực phẩm chức năng để có sữa đều đặn và chất lượng. Tuy nhiên, đến khi cho ăn dặm bằng thức ăn đặc, vấn đề lập tức phát sinh.

 
Minh họa: DAD

Ăn, không ăn ?

Bé mới được 2 tháng tuổi, bà đã xăng xái đi khắp xóm dọ xem con nít nhà người khác ăn uống ra sao, nào thì đứa này mẹ nó đã đút bột lúc mới 2 tháng rưỡi, đằng xóm trên bé 3 tháng cũng tập tành ăn dặm. Thấy nhà nào cũng cho ăn sớm, bà sốt ruột nhìn thằng cháu mình tối ngày cứ tù tì vú mẹ và bình sữa làm tới. Trộm vía, thế mà cháu cũng bụ sữa ra phết, tăng cân hết sức đều đặn, 2 tháng đầu cứ lên 1,8 kg mỗi tháng, tháng sau giảm xuống còn 1,6 kg. Nhưng lo vẫn lo chứ, thiên hạ cứ cho con ăn tràn đó thôi.

Về nhà, bà bảo với con dâu: “Con này, khi nào định cho bé ăn dặm đây? Mẹ thấy có nhà con nít mới 2 tháng rưỡi đã cho ăn rồi đấy”. Phương nghe vậy liền cười bảo: “Con tính gần 6 tháng mới cho bé ăn mẹ ạ”. “Chết, sao trễ thế con? Hồi xưa mẹ nuôi hai anh nhà này đều cho ăn lúc 3 tháng hết!”, giọng bà bắt đầu hơi bực. Phương cười giả lả: “Mẹ ạ, con mới đọc báo thấy chuyên gia bảo không nên cho bé ăn dặm sớm, để bé tránh nguy cơ mắc các bệnh kinh niên sau này”. Nghe chưa hết câu bà giật mình: “Gì mà ghê thế con”. Cái này sao lạ quá, sao bà chưa bao giờ nghe đến nhỉ?”.

Phương không nói ngoa để dọa mẹ chồng. Chuyên san American Academy of Pediatrics vừa đăng kết quả khảo sát mới cho thấy không chỉ ở Việt Nam, nhiều bà mẹ trẻ tại Mỹ cho con ăn dặm quá sớm, khiến trẻ đối mặt với nguy cơ mắc những căn bệnh mãn tính. Theo báo cáo, đến 40% số trường hợp các bà mẹ cho trẻ dùng thức ăn đặc trước 4 tháng tuổi. Y tá Sidney Harper của Tổ chức Y tế Fraser (Mỹ) cho biết tình trạng trên có thể khiến trẻ mắc chứng dị ứng hoặc hen suyễn và thậm chí bị mẫn cảm với thực phẩm suốt đời. “Càng cho trẻ ăn đặc sớm, càng có hại cho sức khỏe bé sau này”, theo kênh truyền hình CBC (Canada) dẫn lời y tá Harper. Điều này do ruột của trẻ sơ sinh có những lỗ nhỏ li ti, nơi các protein ngoại lai có thể thấm qua, dẫn đến đủ loại tình trạng bệnh, từ dị ứng, phản ứng đặc dị, chàm, hen suyễn…Các chuyên gia thế giới về nhi khoa đều khuyên chỉ nên cho trẻ ăn đặc từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6, và càng gần ngưỡng 6 tháng tuổi càng tốt.

Đến cách ăn

Sau khi đạt được thỏa thuận với mẹ chồng là đến khi bé gần 6 tháng tuổi mới ăn bột, Phương thở phào nhẹ nhõm. Gì thì gì chứ cô biết cũng dễ thuyết phục được bà, miễn là phải đưa ra lập luận vững vàng, có ý kiến chuyên gia đầy đủ. Kết quả là đến khi bé được 9 tháng tuổi, bà hào hứng khoe: “Cái nhà cho con ăn lúc 2 tháng rưỡi, đứa bé cứ đẹt ngắt con ạ, không như thằng cu nhà mình. Bé mình to cao nhất xóm”, rồi cười hỉ hả.

Nhưng mà cứ xong được một chuyện là chuyện khác đến ngay. Lúc mới cho bé ăn, bà cứ giành đút cho cháu. Ngay muỗng đầu tiên là bà cho ngay vào miệng mình chép chép, cho nguội ấy mà, bà giải thích. Phương giật mình, hấp tấp cản bà cho cháu ăn kiểu đó. “Mẹ ơi, mẹ cứ cho bé ăn luôn đi, chứ miệng mình nhiều khi có vi trùng, vi khuẩn, tội bé…”, Phương nhẹ giọng.

“Thế con bảo mẹ già nên dơ dáy chứ gì?”, bà nói giọng hết sức tủi thân. Cô phải phân bua: “Dạ không ạ, ngay cả con cũng không được làm như vậy nữa mẹ. Không ngậm trước thức ăn của bé, không nhai, bón và cả thổi cũng không nên mẹ ơi”. Cũng may là bà nguôi nguôi, nhưng động tác cứ lóng ngóng vì quên lại đưa muỗng lên miệng mình.

Khi bé đã ăn rành, Phương vận động gia đình cùng ăn cơm chung, và kê ghế riêng cho bé ngồi cùng mâm. Dù không ăn được các thức ăn của người lớn, bé vẫn rất hào hứng và giành muỗng tự mình xúc. Tất nhiên bé ăn còn vãi lung tung, nhưng bà mẹ trẻ cứ để kệ cho bé tự phục vụ, rồi dọn dẹp sau. Lúc đầu bà còn nhấp nhỏm mỗi khi bé tự đút thìa vào miệng, cứ sợ dơ, nhưng nhờ lời giải thích của con dâu, bà cũng bớt đi phần nào. Trẻ con nên biết cách tự phục vụ mình dần, cho quen tính, không được ỷ lại vào bà và mẹ.

Tụ Yên

>> Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình
>> Thầy nuôi dạy trẻ
>> Đẩy trẻ vào đời sớm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.