Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn

01/04/2013 03:10 GMT+7

Tiếng máy xe, tiếng những đoạn sắt dài va nhau gần đến mức khách du lịch tham quan tại Mỹ Sơn (Quảng Nam) cũng có thể nghe thấy. Những bờ kè bê tông lớn dựng hai bên bờ một dòng mương thì phải. Dưới dòng mương đất đá ngổn ngang. Còn có cả máy xúc.

Đó là thông tin một khách du lịch cung cấp cho PV Thanh Niên kèm theo ảnh. Khu vực vị khách nói đến là dòng suối cổ rất gần tháp B, C, có tên là Khe Thẻ, dân trong vùng gọi là suối Mỹ Sơn. Theo bản đồ của nhà nghiên cứu Henri Parmentier, suối chảy qua giữa thung lũng Mỹ Sơn và có nhiều nhánh tỏa ra. Đoạn cứng hóa vừa nêu đi qua nhóm tháp B, C. 

Cấp thiết cứu di tích ?

Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn
Thi công cơ giới, cứng hóa bất hợp pháp tại vùng lõi của di sản Mỹ Sơn - Ảnh: Đ.G

“Dòng suối Khe Thẻ nguồn bắt từ đỉnh Hòn Đền có độ cao 715 m. Là dòng suối tự nhiên, nó cũng được coi là dòng suối thiêng của Mỹ Sơn”, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm cho biết. “Vào mùa mưa, lũ ở suối Khe Thẻ rất lớn, khác hẳn với chính nó vào mùa khô. Ở đoạn đi qua nhóm tháp A, nó từng làm xói lở công trình Mỹ Sơn A9. Chính vì thế, người Pháp trước đây đã làm một đập để giảm cường độ nước ở đây. Tuy nhiên, cường độ lớn của suối cũng phá hỏng, cuốn trôi con đập này. Từ đó tới nay, suối chảy tự nhiên”.

Về việc xây kè bằng bê tông tại Mỹ Sơn, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho biết hiện con suối này đang rộng dần ra và lấn dần vào các nhóm tháp, đặc biệt là tháp B3. Cho nên, nếu không khẩn trương xây kè sẽ rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn, cho biết thêm con suối này bắt đầu đổi dòng vào những năm 70 của thế kỷ trước. Ông Hường khẳng định: “Việc làm kè là cần thiết và cấp thiết trong khi chờ đợi các biện pháp xử lý chống nghiêng cho tháp B3, và việc thi công không hề ảnh hưởng đến không gian của di tích”.

Bộ không biết, UNESCO cũng không !

 

Yêu cầu đình chỉ thi công

Chiều 29.3, Cục Di sản đã có công văn do Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng ký gửi Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam về vấn đề trên. Theo đó, lòng suối đi qua khu vực các nhóm tháp B, C, D đã tiến hành nạo vét, kè, xây mố cầu bằng vật liệu bê tông cốt thép mà chưa có ý kiến bằng văn bản của Bộ VH-TT-DL. Cục đề nghị đình chỉ việc thi công và báo cáo về Bộ. Trong quá trình thực hiện các thủ tục, khu vực tạm dừng thi công phải được khoanh vùng, đảm bảo mỹ quan và không gây ảnh hưởng đến tham quan di tích.

Từ ý kiến của địa phương, có thể thấy dòng suối khá hung dữ và cần phải được trị thủy gấp. Trong khi thực thế cách làm kè của các chuyên gia Pháp lại từng thất bại, cho thấy công việc xử lý dòng rất phức tạp.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, việc sạt lở tháp B3 đã được nêu từ cách đây hơn chục năm. Trong một nghiên cứu thời đó, các chuyên gia Nhật Bản thậm chí đã khoan lấy mẫu đất tại B3 để nghiên cứu móng, địa tầng di tích. Theo các kết quả lúc bấy giờ, kè bờ suối không phải là biện pháp tối ưu và triệt để.

Theo TS Dương Bích Hạnh, Văn phòng UNESCO Hà Nội: “Về nguyên tắc, theo Công ước Bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới năm 1972, những đụng chạm đến di sản văn hóa thế giới phải có ý kiến của UNESCO; phải có dự án để xin ý kiến. Chỉ sau khi UNESCO đồng ý, việc tu bổ mới được tiến hành. Luật Di sản cũng quy định với di tích đặc biệt như Mỹ Sơn, muốn có xây dựng, tu bổ cũng phải có ý kiến của Bộ VH-TT-DL”. Trong khi đó, thông tin từ Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL cho biết cơ quan này chưa có văn bản nào đồng ý việc cứng hóa, kè xi măng con suối cổ này. Việc cứng hóa suối cổ ngay tại vùng lõi di tích này do đó hoàn toàn trái phép. Phương án thi công cũng hoàn toàn không có ý kiến chuyên gia thẩm định.

Hoàng Sơn - Trinh Nguyễn

>> Khai trương Làng du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn
>> Mở tour thám hiểm tại khu vực Mỹ Sơn
>> Mở dịch vụ homestay ở Mỹ Sơn
>> 8.000 lượt du khách đến Hội An, Mỹ Sơn dịp tết Dương lịch 2013 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.