Viễn cảnh chiến tranh Triều Tiên lần 2

31/03/2013 03:00 GMT+7

Giới quan sát nhận định nếu chiến tranh Triều Tiên lần 2 xảy ra, Bình Nhưỡng khó lòng kéo dài cuộc chiến trước sức dội bom liên tục của Mỹ.

Ngày 30.3, Hãng thông tấn KCNA đưa tin CHDCND Triều Tiên tuyên bố quan hệ liên Triều đang rơi vào tình trạng chiến tranh và tất cả vấn đề của hai bên sẽ được giải quyết theo quy tắc thời chiến. Đáp lại, chính quyền Mỹ tuyên bố đe dọa này “mang tính nghiêm trọng”, theo AFP. Giới chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định tuyên bố trên của Triều Tiên là động thái khiêu khích, theo Đài NHK. Trước đó, quân đội Mỹ - Hàn đã thông báo hoàn tất kế hoạch ứng phó khẩn cấp nếu miền Bắc “có hành động khiêu khích mới”. Các diễn biến căng thẳng đến mức Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 29.3 phải lên tiếng cảnh báo tình hình bán đảo Triều Tiên có thể vượt tầm kiểm soát và kêu gọi các bên tránh hành động đơn phương.

 Dân chúng Triều Tiên ngày 29.3 tuần hành ủng hộ lãnh đạo Kim Jong-un
Dân chúng Triều Tiên ngày 29.3 tuần hành ủng hộ lãnh đạo Kim Jong-un - Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao, chuyên gia Dan Pinkston thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (Bỉ) bình luận: “Tôi không nghĩ bất kỳ bên nào muốn chiến tranh tổng lực xảy ra, nhưng viễn cảnh sắp tới sẽ rơi vào dạng tính toán sai lầm và căng thẳng vượt tầm kiểm soát”. Trong khi đó, một số nhà phân tích khác lo ngại bất cứ cuộc tấn công có giới hạn của miền Bắc đều có thể khiến miền Nam đáp trả dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn, theo CNN.

Kịch bản tấn công của Triều Tiên

Hiện nay Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) có 1,1 triệu binh sĩ, đông gần gấp đôi so với con số 640.000 binh sĩ của Hàn Quốc và 28.000 binh sĩ Mỹ đóng tại miền Nam. Theo CNN, KPA có 2 thế mạnh đáng kể là lực lượng đặc nhiệm và pháo binh hùng hậu. Trong báo cáo được đưa ra hồi tháng 3.2012, tướng James Thurman, Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên có 60.000 đặc nhiệm và hơn 130.000 khẩu pháo. Phần lớn số pháo được bố trí dọc Khu phi quân sự liên Triều và nhằm vào Seoul, vốn chỉ cách biên giới hai bên 48 km. Dựa vào đó, KPA đủ sức triển khai các đơn vị tấn công chọc thủng hàng phòng thủ theo đội hình bậc thang của miền Nam trải dài từ khu phi quân sự đến Seoul. Miền Bắc có thể sẽ khai mào cuộc chiến bằng cách triển khai các lực lượng biệt kích xâm nhập miền Nam bằng cả đường không lẫn đường biển. Lực lượng này cũng có thể làm suy giảm khả năng chỉ huy và liên lạc của Hàn Quốc cũng như chặn quân tiếp viện Mỹ, theo Giáo sư Kim Byung-ki thuộc Đại học Hàn Quốc. Hỗn loạn sẽ càng tồi tệ nếu Triều Tiên tiến hành thêm tấn công mạng và dùng các biện pháp gây nhiễu điện tử. Ngoài ra, tờ The Chosun Ilbo ngày 14.2 dẫn nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc cho hay các cơ quan tình báo nước này và Mỹ nhận định Triều Tiên nhiều khả năng có đến 100 bệ phóng di động cho tên lửa đạn đạo tầm trung trở lên. Bình Nhưỡng cũng được cho là đang sở hữu hơn 1.000 tên lửa các loại, phần lớn trong số này có thể đưa miền Nam vào tầm ngắm. Vì thế, miền Bắc nhiều khả năng khai hỏa tên lửa để tấn công về phía miền Nam và thậm chí là nhằm vào nhiều căn cứ của Mỹ trong khu vực nhằm hạn chế sức mạnh đối phương.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định do yếu kém về hậu cần và thể lực binh sĩ nên miền Bắc chỉ có thể duy trì sức tấn công mạnh từ 3 ngày đến một tuần. Vì thế, Bình Nhưỡng nhiều khả năng tập trung thọc sâu chớp nhoáng nhằm chiếm ưu thế để ra điều kiện đàm phán.

Một nguy cơ khác đối với Seoul là số vũ khí sinh học của Bình Nhưỡng. Tướng Thurman từng đưa ra giả thuyết: “Nếu sử dụng vũ khí sinh học, Triều Tiên có thể dùng các nhân tố có khả năng gây bệnh cao như bệnh than hay bệnh truyền nhiễm. Ở địa hình thành thị đông dân của Hàn Quốc, đó là một loại vũ khí tâm lý khủng khiếp”.

Ứng phó của Hàn, Mỹ

Đáp lại, Hàn Quốc và Mỹ có thể sử dụng không quân ném bom liên tục xuống các đơn vị bộ binh và lực lượng thiết giáp của Triều Tiên. Ngoài ra, Washington còn có thể triển khai máy bay trực thăng tấn công vào các lực lượng khác của Bình Nhưỡng và tiến hành chiến dịch đổ bộ đánh vào mạn sườn miền Bắc. Với ưu thế sở hữu nhiều loại tên lửa và bom thông minh có tính chính xác cao, Washington cùng Seoul đủ sức phá hủy, chôn vùi hệ thống công sự và những đơn vị không quân, pháo binh đối phương. Mặt khác, quân đội Mỹ - Hàn cũng sẽ nhanh chóng đáp trả các lực lượng Triều Tiên xâm nhập thủ đô Seoul dẫn đến những cuộc giao tranh khốc liệt tại đây vì quân đội miền Bắc nhiều khả năng sẽ chiến đấu đến giờ phút cuối.

Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng Seoul và Washington sở hữu những loại đạn được dẫn đường chính xác. Các quả bom hay tên lửa làm nổ tung các cửa công sự có thể chôn vùi những đơn vị không quân và pháo binh của Triều Tiên. Theo giới chuyên gia, dù gặp nhiều thách thức nhưng với ưu thế vượt trội về không quân, Mỹ vẫn thừa sức tấn công dồn dập làm suy yếu các đơn vị, lực lượng liên lạc, các trụ sở và hậu cần của quân đội Triều Tiên trên khắp miền Bắc. Khi đó, nếu chiến sự càng tiếp diễn lâu dài thì phần thắng càng khó nghiêng về Bình Nhưỡng.

Một viễn cảnh không thể bỏ qua là Trung Quốc có thể tham chiến nếu như Mỹ - Hàn không dừng lại ở biên giới liên Triều mà tiếp tục đẩy mạnh tấn công trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Nhận định về viễn cảnh này, chuyên gia Choi Ji-wook tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc tại Seoul cho rằng: “Trung Quốc sẽ ủng hộ Triều Tiên, nhưng chỉ trên lãnh thổ Triều Tiên”.

Tất nhiên, dù bên nào thắng thì “Chiến tranh Triều Tiên lần 2” nhiều khả năng dẫn đến số lượng thương vong cực lớn do dân số đông đúc trên bán đảo này và tính sát thương đáng sợ của vũ khí mà hai bên đang sở hữu. Thủ đô Seoul có thể thiệt hại nặng nề trong khi Mỹ - Hàn cần thời gian để triển khai phản công.

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)

Cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày 25.6.1950 khi Bình Nhưỡng đưa quân vượt biên giới liên Triều. Chưa đến tháng 8, quân đội Triều Tiên nhanh chóng chiếm Seoul, đẩy lùi đối phương về phía nam. Sau đó, Hàn - Mỹ phản công, chiếm lại Seoul vào cuối tháng 9 rồi vượt vĩ tuyến 38, đường ranh giới chia cắt hai miền Triều Tiên từ năm 1945. Đến tháng 10, liên quân do Mỹ dẫn đầu chiếm Bình Nhưỡng. Cuộc chiến trở nên căng thẳng hơn nữa sau khi Trung Quốc đưa quân hỗ trợ Triều Tiên và hai bên bắt đầu rơi vào thế giằng co tại vĩ tuyến 38 từ giữa tháng 12. Vào ngày 27.7.1953, sau nhiều tháng chiến sự bế tắc, hai bên ký thỏa thuận ngừng bắn.

Văn Khoa

>> Tuyên bố “tình trạng chiến tranh” của Triều Tiên không có gì mới
>> Triều Tiên tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc
>> Đội chiến binh mạng của Triều Tiên
>> Chuyển biến bất thường tại các địa điểm tên lửa Triều Tiên
>> Máy bay ném bom B-2 tung cánh trên bán đảo Triều Tiên
>> Triều Tiên cắt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc
>> Triều Tiên họp đảng bàn việc “hệ trọng”
>> Triều Tiên đặt tên lửa sẵn sàng tấn công Mỹ
>> Triều Tiên dọa tấn công Mỹ
>> Triều Tiên đang huấn luyện các chiến binh mạng?
>> Kế hoạch chung Hàn - Mỹ ứng phó Triều Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.