Xung quanh chuyện 3 người trẻ không biết bơi “phượt” biển đêm: Quá nhiều nguy hiểm

30/03/2013 03:05 GMT+7

Hành trình vượt biển đêm từ Sóc Trăng ra Côn Đảo bằng thuyền hơi của 4 bạn trẻ (trong đó 3 người không biết bơi, không có kinh nghiệm đi biển) những ngày qua đã làm xôn xao cộng đồng du lịch bụi. Tán dương có, chê trách có, tôn vinh thành anh hùng có, phê phán sự vô trách nhiệm với bản thân cũng có.

Nhân một câu chuyện đang được tiếp nhận bằng những thái độ khác nhau, phóng viên Thanh Niên có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Chí Bình - người từng là hướng dẫn viên du lịch, sau đó trở thành huấn luyện viên thể thao mạo hiểm, vào top 4 cuộc thi Amazing Race Vietnam mùa đầu tiên, hiện là Giám đốc sản phẩm của Công ty The Trip chuyên về team building và du lịch mạo hiểm.

Xung quanh chuyện 3 người trẻ không biết bơi “phượt” biển đêm: Quá nhiều nguy hiểm 1
Thuyền cập bờ chiều 9.3 - Ảnh: Le Hue/phuot.vn

Đã trải qua rất nhiều chuyến lên rừng xuống biển vượt thác, anh nghĩ gì về việc 4 bạn trẻ vượt biển ra Côn Đảo bằng thuyền hơi?

Quan điểm cá nhân của tôi, đây là một chuyến đi nguy hiểm, chứa đựng rất nhiều rủi ro, không an toàn. Các bạn ấy vượt qua được là một điều may mắn.

 

Tôi đánh giá cao các bạn ấy về ý chí trong chuyến đi đó; nhưng về mặt tổ chức, kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức thì đi như thế là nguy hiểm và không nên

Người duy nhất biết bơi, chịu trách nhiệm làm “thuyền trưởng” của cuộc vượt biển đêm này, cho rằng thuyền hơi rất an toàn và trước khi đi đã trang bị những thứ cần thiết nhất. Là một trong những người tiên phong chơi thuyền hơi tại TP.HCM, anh vui lòng cho biết về độ an toàn của thuyền hơi khi ra biển đêm?

Thuyền hơi gắn động cơ có nhiều loại và nhiều kích thước. Mức độ an toàn tùy vào loại thuyền hơi gắn động cơ mà bạn sử dụng. Thuyền hơi trên biển thường được dùng trong cự li ngắn, cứu hộ hoặc cho các lực lượng đặc biệt đổ bộ vào bờ biển… vì nó cơ động và gọn nhẹ.

Nếu nói rằng loại thuyền hơi và động cơ mà 4 bạn trẻ này sử dụng trong chuyến đi đó là “rất an toàn” thì tôi nghĩ đây là một nhận xét chủ quan, ngay cả trong điều kiện ban ngày chứ chưa nói đến việc di chuyển vào ban đêm. Còn về trang bị, sao gọi là đầy đủ khi cần liên lạc thì không liên lạc được, áo phao chỉ là loại cứu hộ bình thường, không đèn hiệu mà chỉ có vài tấm dán phản quang và còn nhiều chi tiết khác…

Tôi đánh giá cao các bạn ấy về ý chí trong chuyến đi đó; nhưng về mặt tổ chức, kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức thì đi như thế là nguy hiểm và không nên.

Nhân đây ta có thể nhắc lại định nghĩa về phượt. Phượt là gì, thưa anh?

Xung quanh chuyện 3 người trẻ không biết bơi “phượt” biển đêm: Quá nhiều nguy hiểm 2
Anh Nguyễn Chí Bình trong một chuyến bay dù lượn ở Phan Thiết - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ “phượt” mà bạn nói theo tôi là đi du lịch tự túc, không qua một công ty du lịch nào tổ chức. Cá nhân tôi không thích từ “phượt”. Tôi thích gọi đi khám phá hay đi trải nghiệm hơn là đi phượt.

Ta nên có những thái độ nào khi đi phượt?

 

Theo chủ đề về chuyến đi Côn Đảo mà 4 bạn trẻ này chia sẻ lên diễn đàn phuot.vn, chương trình ban đầu có 11 người, chia làm 2 nhóm: nhóm 1 gồm 2 người đã ra Côn Đảo bằng máy bay, nhóm 2 với 9 người sẽ đi bằng 2 thuyền hơi. Kế hoạch sau đó bị hủy vì một thuyền hơi hỏng động cơ không sửa được. 5 bạn của nhóm 2 đổi hướng đi Cà Mau chinh phục cực Nam. 4 bạn còn lại ở Sóc Trăng quyết định vẫn lên một chiếc thuyền hơi vượt 94 km đường biển đi Côn Đảo, xuất phát vào lúc 22 giờ ngày 8.3.2013. Đêm hôm đó, gió lớn và biển động mạnh, sau khi đi được khoảng 30 km thì cả nhóm gặp một tàu cá ngang qua, nên xin lên tàu ngủ nhờ. Đến sáng, 4 thành viên quyết định tiếp tục hải trình ra Côn Đảo bằng thuyền hơi, và thuyền cập bờ vào lúc 14 giờ 30 ngày 9.3.

An toàn là trên hết.

Mục đích tối thượng của phượt là gì?

Tùy mỗi người sẽ có mục đích khác nhau. Với tôi là khám phá và trải nghiệm.

Làm thế nào để cân bằng giữa trải nghiệm cá nhân và trách nhiệm với bản thân, khi anh muốn thoát ly ra khỏi những hạn chế của đời sống thường ngày, làm những điều mạo hiểm với bản thân nhưng hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm đáng nhớ nhất của tuổi trẻ?

Với tôi, chơi mạo hiểm là dùng hiểu biết, kinh nghiệm, sức khỏe, nghị lực để đến sát giới hạn. Phải ý thức được sự nguy hiểm, chuẩn bị kỹ và tự tin đối đầu một cách tôn trọng bản thân, mới là chơi thể thao mạo hiểm. Tôi không đánh giá cao những cuộc chơi thiếu nghiêm túc, coi thường tính mạng mình và bạn đồng hành.

Anh nhận thấy các bạn trẻ có đang bỏ quên điều gì trong những chuyến đi phượt của họ?

Tôi kể một câu chuyện nhỏ thay câu trả lời.

Cách đây hơn 4 năm, tôi tham gia chuyến leo núi với một nhóm bạn không quen biết thông qua một trang web khá nổi tiếng. Sau bữa ăn tối trong rừng, một bạn mang chén đũa xuống suối rửa. Lúc đi lên phát hiện chân chảy máu. Bạn ấy ngay lập tức mất bình tĩnh, hốt hoảng và sợ hãi nghĩ rằng mình đã bị rắn cắn. Tôi nhìn vào thì thấy đó chỉ là vết hút máu của vắt mà thôi!

Anh có thể chia sẻ 3 trải nghiệm khám phá mà mình đã học hỏi được nhiều nhất?

Một, trekking, cắm trại và vượt thác bằng bè tre trong vùng rừng núi Mae Taeng (Chiang Mai, Thái Lan) vào Giáng sinh năm 2010 cùng 21 bạn đến từ 7 quốc gia, khi tham gia khóa tập huấn về canoeing slalom (vượt chướng ngại vật bằng thuyền) do Liên đoàn Canoeing thế giới (ICF) tổ chức.

Hai, chèo kayak xuôi dòng sông Đà cùng nhóm Tây Bắc trước khi sông ngăn dòng làm đập thủy điện. Trong chuyến đi, nhóm có một đêm ngủ trên tàu đào vàng khi ngoài trời mưa gió tầm tã.

Ba, tham gia chương trình Amazing Race mùa đầu tiên tại Việt Nam.

Cần chuẩn bị gì khi đi biển ?

Ông Trương Hoàng Phương - Thạc sĩ địa lý, chuyên gia thiết kế chương trình team building và khám phá thiên nhiên của Công ty Vietmark, người đã soạn Bản đồ du lịch Việt Nam - chỉ ra những kỹ năng cơ bản và trang thiết bị cần thiết cho một chuyến đi biển như sau:

A. Kỹ năng:

1. Sức khỏe tốt, ý chí kiên cường.

2. Kỹ năng đi biển: ăn uống trên tàu, bơi lội, chịu đựng sóng gió, đánh giá được hướng gió, dòng nước và sự thay đổi của nó trong năm, trong ngày.

3. Sửa chữa tàu bè khi hỏng hóc

4. Kỹ năng sử dụng các thiết bị định vị

5. Kỹ năng sử dụng các thiết bị cứu hộ

6. Kỹ năng làm việc nhóm với trưởng nhóm là người có kinh nghiệm đi biển

7. Kỹ năng sống sót khi rơi vào tình huống xấu nhất

B. Trang thiết bị:

1. Thiết bị định vị

2. Tàu bè tốt, phù hợp với điều kiện sóng gió, tải trọng

3. Dự trữ xăng dầu đầy đủ, cả trong trường hợp bất thường

4. Dự trữ nước uống, thức ăn đầy đủ, cả trong trường hợp bất thường

5. Thuốc và các dụng cụ y tế sơ cấp cứu khi đi biển

6. Cấp cứu: Khói sáng cấp cứu, máy phát tín hiệu cấp cứu, tàu hộ tống cứu hộ

Đánh giá về chuyến vượt biển đêm của 4 bạn trẻ bằng thuyền hơi, ông Phương nhận định: “Theo danh sách kể trên, chia ra 3 nhóm điều kiện: có, chưa xác định và không có, thì thấy: có (A1, A4, A6, B1), chưa xác định (A5, A7, B2, B5), không có (A2, A3, B3, B4, B6). Như vậy, nhóm điều kiện “không có” chiếm nhiều nhất. Trên thực tế, chỉ cần thiếu một điều kiện thôi, chuyến đi có thể trở thành thảm họa. Do đó, chuyến đi này đã thành công trong sự may mắn”.

Ông Phương kết luận: “Đây là một trải nghiệm độc đáo, tuy nhiên rất phiêu lưu và đùa giỡn với tính mạng của chính mình”.

Phương An

>> Trưởng thành từ những chuyến du lịch bụi
>> Du lịch "bụi"… qua ảnh
>> Du lịch “bụi” mùa nước nổi
>> Mua đồ đi du lịch bụi
>> Để có một chuyến du lịch “bụi” tiết kiệm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.