Công bố môn thi tốt nghiệp THPT: Có lợi cho số đông học sinh

30/03/2013 03:35 GMT+7

Theo nhiều học sinh và giáo viên, 6 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay mà Bộ GD-ĐT công bố sáng qua 29.3 có lợi cho đa phần học sinh vì trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới thí sinh chủ yếu chọn thi khối A và B.

Theo nhiều học sinh và giáo viên, 6 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay mà Bộ GD-ĐT công bố sáng qua 29.3 có lợi cho đa phần học sinh vì trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới thí sinh chủ yếu chọn thi khối A và B.

 Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM)
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong giờ học môn hóa ngày hôm qua - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bất ngờ 6 năm liên tiếp thi môn địa

Đón chờ thời điểm công bố môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều học sinh (HS) lớp 12 cho biết các em đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để tiếp nhận môn sử. “Mấy năm gần đây năm nào cũng thi sử nhưng bọn em vẫn nghĩ năm nay sẽ tiếp tục vì môn đó được dư luận nâng tầm, lúc nào cũng kêu HS dốt sử", một HS lớp 12B8 Trường THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội nói. Một lý do khác để HS đoán nhiều khả năng sử sẽ là một trong 6 môn thi tốt nghiệp vì môn địa đã thi 5 năm liên tục, không dễ gì năm thứ 6 lại tiếp tục thi địa. Vì vậy, nhiều HS đón nhận thời điểm Bộ công bố môn thi với thái độ căng thẳng.

 

6 môn thi

HS hệ THPT sẽ thi các môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, hóa học, sinh học, địa lý. Môn thay thế cho các thí sinh không thi môn ngoại ngữ là vật lý (dành cho thí sinh không học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học môn ngoại ngữ).

HS hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi các môn: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý.

Kỳ thi tốt nghiệp năm nay sẽ tổ chức vào các ngày 2, 34.6.

Thế nhưng cuối cùng, địa lý lại tiếp tục có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ngay cả giáo viên dạy địa cũng bất ngờ trước công bố này. Tuy nhiên, ông  Vũ Quốc Lịch, giáo viên Trường THPT chuyên Amsterdam - Hà Nội, cho biết: “Dù sao chúng tôi cũng nghĩ rằng, thực ra môn địa là môn thi dễ ăn điểm, nhất là khi HS biết tận dụng Atlat trong quá trình làm bài thi”.

Học sinh chọn khối A, B hỉ hả

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Nếu năm ngoái, ngoài 3 môn công cụ, 2 môn còn lại thuộc khối khoa học xã hội (sử, địa) thì năm nay 2 môn còn lại thuộc khối khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, cả 6 môn thi năm nay, mỗi khối cơ bản đều giao nhau ít nhất 2 môn”.

Về việc cùng lúc thi hóa và sinh, dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Q.Ba Đình, Hà Nội, cho rằng HS sợ môn sinh vì theo các em môn này hơi dài. Bà Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết: “Giữa lý và hóa, các em thích lý hơn vì theo các em, lý dễ có điểm hơn. Nếu so giữa sử và sinh thì các em thích sử hơn sinh, vì dẫu sao với môn sử các em có thể chăm chỉ để gỡ điểm”. Với các em ban A thì thi môn gì có lẽ không quan trọng, tư duy các em vốn dĩ tốt nên môn gì cũng dễ đạt điểm đỗ, nhưng các em ban C thì các môn thi tốt nghiệp năm nay không thuận lợi.

Tuy nhiên, đa số HS cho rằng hóa hay lý cũng như nhau. Đặc biệt với những HS chọn thi ĐH khối A (thường chiếm một nửa trong tổng số thí sinh thi tốt nghiệp) thì các môn thi năm nay rất thuận lợi. Một HS Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) nhận xét: “Thi hóa thì các bạn mạnh khối A và khối B đều hỉ hả, trong khi nếu thi lý chắc chắn các bạn khối B sẽ thất vọng. Đã vậy lại còn thi môn sinh nên năm nay được với các bạn khối B”.

Nên ấn định ngày công bố môn thi

Cuối cùng cũng đã có thông tin chính thức về các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tuần trước, khi một trang mạng đưa tin trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay có 3 môn: giáo dục công dân, thể dục, công nghệ, gây chấn động dư luận thì hầu như ngày nào phụ huynh, HS đều dõi theo và mòn mỏi chờ đợi Bộ công bố chính thức các môn còn lại.

Dù môn thi đã công bố vào sáng 29.3 nhưng dư luận vẫn còn bức xúc và tỏ ra không đồng tình với cách làm của Bộ. Tại sao lại có sự xôn xao, xáo trộn và cả hoang mang lớn như vậy? Tất cả nằm ở chỗ mập mờ, úp mở. Nếu như ngay đầu năm học, hay trong đầu học kỳ 2 này, Bộ ấn định chính xác một ngày cụ thể nào đó công bố môn thi thì chắc chắn mọi thứ không rối tung như mấy ngày qua. Như vậy dù có một ngàn thông tin bịa đặt vào bất kỳ thời điểm nào khác thì dư luận cũng không mấy quan tâm vì biết chắc nó không chính xác. Đằng này, năm nào cũng vậy, Bộ không thống nhất ngày công bố môn thi. Có năm đến ngày cuối cùng của tháng 3 mới công bố, có năm mới 24.3 đã biết chính thức. Chính cái sự bất ngờ không đáng có này đã gây tò mò, lo lắng, hoang mang cho HS, phụ huynh và ngay cả giáo viên, cán bộ quản lý trường học. Để rồi, năm nào cũng vậy, có chỗ cho những tin đồn thất thiệt khiến HS vốn dĩ căng thẳng cho năm cuối cấp lại ú tim khi nhận những thông tin không đâu vào đâu. Hãy đặt mình vào vị trí của phụ huynh và HS để hiểu hết được sự lo lắng thế nào trước một kỳ thi cấp quốc gia, mà lẽ ra nó hết sức nhẹ nhàng và bình thường!

Nhà giáo Trần Nguyễn

H.Ngọc - T.Nguyễn

>> Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả
>> Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp
>> Trượt tốt nghiệp THPT, có thể thi liên thông?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.