Cho con tham gia truyền hình thực tế - Kỳ 2: Ngộ nhận tài năng

28/03/2013 10:50 GMT+7

(TNO) Cho con tham gia các chương trình truyền hình thực tế, không ít người nghĩ rằng con mình sẽ một bước thành "sao".

(TNO) Cho con tham gia các chương trình truyền hình thực tế, không ít người nghĩ rằng con mình sẽ một bước thành "sao".

Biến con thành "hoàng tử, công chúa"

Chuyện một cô, cậu bé tham gia một cuộc thi trên truyền hình được cả gia đình chăm chút, họ hàng, hàng xóm quan tâm... đã trở nên rất bình thường. Thế nhưng, cũng chỉ vì đặt nhiều kỳ vọng vào con cái mà không ít ông bố bà mẹ vô tình tạo áp lực cho chính con mình.

Từng cho con tham gia cuộc thi Vietnam's Got Talent năm 2012, chị H.T.P. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể lại: "Lúc đăng ký cho con đi thi, gia đình tôi hăm hở lắm vì thấy cô giáo rồi hàng xóm xung quanh ai cũng khen, cũng bảo cháu đậu chắc rồi. Thú thật con mình xuất hiện trên truyền hình thì bố mẹ nào chẳng hãnh diện. Thế là không muốn cháu thua thiệt, những ngày trước khi đi thi vòng sơ tuyển, tôi bắt cháu tập suốt. Cháu than mệt thì tôi la cháu lười biếng...".

Đôi mắt người mẹ rơm rớm khi kể lại những ngày thúc ép con mình cố gắng học những động tác khó, tập luyện "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mà không được nghỉ ngơi...

"Đến lúc con khóc nấc trên vai tôi khi bị loại, tôi mới tỉnh ra. Thương con mà giận mình ghê lắm. Hai vợ chồng mấy đêm liền không ngủ được luôn. Gác tay lên trán mà thấy mình có lỗi với con gì đâu", chị P. tâm sự.

Cũng như chị P., nhiều gia đình thấy con mình có chút năng khiếu ca hát, nhảy múa lại nghĩ rằng các em là thiên tài, có tài năng vượt trội nên ra sức thúc ép, chiều chuộng hoặc đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Đến khi vỡ lẽ ra, không chỉ phụ huynh hụt hẫng mà cả những đứa trẻ cũng trở thành nạn nhân của những "kỳ vọng" ấy.


Các thí sinh nhí tại vòng sơ tuyển Vietnam's Got Talent 2013 ở TP.HCM - Ảnh: n Nguyễn

Trên một diễn đàn dành cho các ông bố bà mẹ, một phụ huynh từng than thở: "Từ khi vượt qua được vòng sơ tuyển chương trình Đồ Rê Mí, con mình thay đổi hẳn. Biết bố mẹ yêu chiều, mọi người xung quanh khen ngợi, thằng bé tự xem mình là một "ông trời con" trong nhà, luôn muốn mọi người làm theo ý mình. La rầy hay trách móc là thằng bé giận dỗi ngay, đòi bỏ thi. Thật không biết nên làm thế nào đây mọi người ơi....".

Gián tiếp đẩy con đến scandal

Ngộ nhận tài năng của con cái, hậu quả dễ thấy nhất chính từ câu chuyện của Q.A trong chương trình Vietnam's Got Talent năm ngoái, khi phụ huynh tự đẩy con mình vào búa rìu dư luận.

Bên cạnh đó, dư luận xã hội cũng "góp phần" khiến các thí sinh nhí ảo tưởng về khả năng của mình.

Các em làm tốt một tí đã "nâng đến tận mây xanh", làm không tốt (cũng một tí) thì bị "ném đá" không thương tiếc.

"Người lớn còn chưa hẳn chịu nổi scandal, huống hồ gì là một đứa trẻ với tâm hồn còn trong sáng, non nớt, chưa trải qua sóng gió khắc nghiệt của cuộc đời. Thiếu kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử và thiếu bản lĩnh sân khấu sẽ khiến cho các thí sinh nhí dễ vướng phải những sai sót. Nếu không được đồng cảm (như trường hợp của em Q.A tại Vietnam’s Got Talent) thì những scandal này dễ dàng nhấn chìm các em vào trong cái hố sâu của sự khủng hoảng", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ.

Vị thạc sĩ tâm lý này cũng có lời khuyên dành riêng cho các thí sinh nhí: "Lỗi của mình thì lập tức nhận lỗi và xin lỗi. Lần sau, hãy “ghi điểm” lại bằng những hành động tốt. Quá khứ không quan trọng bằng tương lai các em sẽ sống thế nào".  

"Nếu là người lớn sai, các em hãy phớt lờ nó đi, đừng quan tâm nữa, hãy chuyên tâm vào việc học hành. Song song đó, các em hãy nhớ rằng bên cạnh mình còn có gia đình, những người không bao giờ bỏ rơi mình. Họ mới thật sự là những người quan trọng", thạc sĩ Hiếu nói tiếp.

Giám khảo mong phụ huynh thấu hiểu

Giám khảo Thành Lộc (chương trình Vietnam's Got Talent): “Tôi nghĩ việc chuẩn bị tâm lý cho các em rất cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh, trong bất cứ cuộc thi nào cũng vậy chứ không chỉ là Tìm kiếm tài năng Việt Nam. Các thí sinh đến với cuộc thi không phải chỉ để giành quán quân hay số tiền lớn, mà còn để rèn luyện kỹ năng sống, thắng không kiêu bại không nản. Ngay cả đối với các thí sinh không được vào vòng trong hay không được giải thưởng, điều quan trọng là mình vượt lên chính mình, trưởng thành hơn rất nhiều, hiểu mình và hiểu mọi người. Là thí sinh trẻ em, các vị phụ huynh cần phải "tiếp tay" cùng chúng tôi giúp các cháu hiểu như thế”.

Giám khảo Thúy Hạnh (chương trình Vietnam's Got Talent) cũng chia sẻ quan điểm của mình không chỉ dưới góc nhìn của một giám khảo mà cả dưới góc nhìn của một người phụ nữ, một người mẹ: “Đối với Hạnh thì khó khăn hơn một chút, vì phụ nữ bao giờ cũng yêu thương trẻ em. Hạnh nhớ năm ngoái Hạnh đã rất khó khăn khi loại bé Đăng Khoa. Đối với trẻ em, việc mình chọn "đi" hay "ở" rất khó khăn. Các bé đứng trên sân khấu có sự tự tin để trình diễn, hy vọng các bé sẽ hiểu cho lựa chọn của giám khảo, chúng tôi luôn cố gắng công tâm để lựa chọn, hy vọng không làm tổn thương đến bé”.

"Tài năng nhí" giờ ra sao?

Đó là câu hỏi mà không ít người đặt ra sau những cuộc thi tài năng.

Trở về từ cuộc thi Vietnam's Got Talent 2012, Bảo Ngọc (quán quân mùa đầu tiên) được nhiều người nhận biết hơn. Cô bé thỉnh thoảng vẫn đi diễn ở một số nơi nhưng mức độ rất ít. Thay vào đó, việc học tập của em được tăng cường. Mẹ Bảo Ngọc cho biết gia đình sẽ cố gắng giữ gìn tài năng của con mình, chăm chút cho con để con phát triển song song cả về văn hóa và cả về nghệ thuật.

Cậu bé Đăng Khoa (Michael Khoa) sau cuộc thi Vietnam's Got Talent mùa đầu tiên cũng được mời đi diễn ở một số chương trình... với cát sê từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng nhưng tần suất cũng không nhiều. Mẹ Đăng Khoa cho biết do gia đình không có điều kiện nên cũng không thể đưa con theo học các lớp nhảy múa chuyên nghiệp nhưng sẽ cố gắng nếu con có ý định theo đuổi sở thích.


Ngoài những điệu nhảy của Michale Jackson, cậu bé “Michael Khoa” còn rất thích vẽ - Ảnh: Thiên Hương

Nhật Tiến, quán quân Đồ Rê Mí 2012, có phần may mắn hơn. Cậu bé vừa có chuyến xuất ngoại đầu tiên vào cuối năm 2012. Chuyến tham quan, học tập và biểu diễn 10 ngày tại Melbourne, Úc cùng với ba mẹ đã giúp cậu bé có những trải nghiệm khó quên trong đời.

Thiên Hương
Ảnh: n Nguyễn

>> Simon Cowell là ngôi sao truyền hình thực tế giàu nhất
>> Thêm một chương trình truyền hình thực tế về… nhảy
>> “Ghế nóng” cho Hoài Linh trong chương trình truyền hình thực tế Gương Mặt Thân Quen
>> Truyền hình thực tế đang “đuối”
>> Trò dàn xếp của truyền hình thực tế
>> Truyền hình thực tế, thực đến đâu ?
>> Truyền hình thực tế về việc nuôi con bằng sữa mẹ
>> Truyền hình thực tế “thực” đến tàn nhẫn?
>> Chương trình truyền hình thực tế "Ước mơ của em
>> Dustin Nguyễn làm đạo diễn, MC truyền hình thực tế
>> Bùng nổ truyền hình thực tế
>> Truyền hình thực tế Bếp yêu thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.