Hot boy Tôn Hiếu Anh kể về bố Tôn Thất Bách yêu quý

26/03/2013 16:29 GMT+7

(TNO) Anh từng là người mẫu, nhà thiết kế thời trang, còn bây giờ là biên tập viên làm việc tại kênh VTV6 - Đài Truyền hình VN, một dạng một "hot boy" đúng nghĩa. Trước đây, "tuy đêm nào cũng bar hay bay lắc thâu đêm suốt sáng" nhưng chưa bao giờ chàng trai này lỡ mất thời khắc đón giao thừa với bố, cố PGS - viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách.

(TNO) Anh từng là người mẫu, nhà thiết kế thời trang, còn bây giờ là biên tập viên làm việc tại kênh VTV6 - Đài Truyền hình VN, một dạng một "hot boy" đúng nghĩa. Trước đây, "tuy đêm nào cũng bar hay bay lắc thâu đêm suốt sáng" nhưng chưa bao giờ chàng trai này lỡ mất thời khắc đón giao thừa với bố, cố PGS - viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách.

Hôm nay, 26.3.2013, tròn 9 năm kể từ ngày cố PGS-Viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách ra đi. Trên Facebook của Tôn Hiếu Anh đã có những dòng chia sẻ về người cha kính yêu của mình.

Là một thanh niên hiện đại theo dạng hot boy đúng nghĩa nhưng Hiếu Anh chứa đựng một tình yêu sâu lắng của một người con dành cho bố, thông qua những kỷ niệm ấu thơ, những vất vả của ngành y mà gia đình anh phải trải qua.

Bài viết Buồn như Tết của anh mới đây đã đoạt giải nhất cuộc thi Tết đẹp trong tôi, của chương trình Sống Đẹp phát sóng trong chương trình Sống đẹp trên kênh VTV1 - VTV3 do Motion Media tổ chức. Ở bài viết này, có thể thấy những hình ảnh và tình cảm thật xúc động của một chàng trai hiện đại dành cho người bố nghiêm khắc nhưng đầy yêu quý của mình.

Với Hiếu Anh, kỷ niệm về bố luôn gắn liền với những ngày Tết. Anh còn nhớ, khi còn bé, Tết là những ngày được mong chờ nhất, không phải vì được mua quần áo mới như những đứa trẻ khác mà đơn giản đó là những ngày “bố và mẹ ở nhà nhiều nhất”.

Bố và mẹ anh đều là bác sĩ, nên chỉ có khi Tết mới dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Còn một lý do khác nữa, cha anh là người vô cùng nghiêm khắc với các con, nhưng đến Tết có một quy định bất thành văn: ông không cho phép mình mắng mỏ người con nào. Tết là lúc các con cảm thấy được gần bố nhiều hơn. Và Tết đã trở thành khoảng thời gian để cha và con cùng tạo nên những ký ức tuổi thơ.

 

Bài viết của tác giả Tôn Hiếu Anh, đoạt giải nhất cuộc thi Tết đẹp trong tôi. Đây là những dòng chia sẻ của Hiếu Anh trên facebook cá nhân, nơi mà anh coi như cuốn nhật ký mở. Một người bạn đã bí mật gửi bài viết tham dự cuộc thi.

“Tôi nghĩ mình viết ra thì sẽ nhẹ lòng” - Hiếu Anh chia sẻ.

Trước, tết là thời gian hạnh phúc nhất với cả gia đình, nhưng sau khi bác sĩ Tôn Thất Bách ra đi, Tết lại gợi nhắc đến những ký ức, khiến tất cả các thành viên đều thương nhớ ông.

Bác sĩ Tôn Thất Bách được kính trọng và ghi danh với những đóng góp lớn của ông đối với nền y học Việt Nam và thế giới. Còn trong mắt con trai Tôn Lê Hiếu Anh: “Ông là kho tàng, là từ điển bách khoa toàn thư, là người bố vĩ đại”.

Hiếu Anh không theo nghiệp cha. Anh từng là người mẫu, nhà thiết kế thời trang, còn bây giờ là biên tập viên làm việc tại kênh VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Có lúc thấy buồn vì mình đã không theo được nghiệp cha, nhưng anh vẫn nhớ về bài học cuộc sống mà cha đã dạy: “Nghề nào cũng là nghề và miễn mình phải làm tốt”.

Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết thật xúc động của hot boy Tôn Hiếu Anh về người bố yêu quý và đầy nghiêm khắc của anh, cố PGS - viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách, về những vất vả của ngành y...

Buồn như Tết

Kể từ khi bố mất thì chín năm nay chúng tôi đã không đón Giao thừa cũng như bỏ qua thói quen đi chơi Tết.

Từ bé cho đến năm 15 tuổi thì bố và mẹ bận rộn quanh năm, hết bệnh viện rồi lại trường y. Một năm có 365 ngày thì chắc chúng tôi gặp bố mẹ khoảng 50 ngày, chính vì vậy Tết là thời gian cả nhà gặp mặt nhau dài nhất. Chẳng may một trong hai người có trực cấp cứu đêm 30 hay ngày mùng 1 thì cũng giống như mất Tết vì mất vui.

Mẹ thì không đón giao thừa bao giờ vì luôn bận ngủ bù đêm hôm trước trực cấp cứu. Mẹ luôn tìm cách đổi tua hoặc tăng số tua sao cho ngày 30 và mùng 1 ở nhà cùng cả nhà. Còn bố thì luôn trong trạng thái trực, xe cứu thương đến đón là đi.

Chính vì quanh năm bận rộn nên bố cũng yêu ngày Tết như mẹ, như các con. Đây cũng là thời gian bố được nghỉ ngơi nhiều nhất. Hiếm ai thấu hiểu được áp lực kinh khủng của bệnh viện như chúng tôi. Bữa ăn tối là thời gian cả nhà gặp nhau nhiều nhất trong ngày.

Con trai bác sĩ Tôn Thất Bách viết về cha
Tôn Hiếu Anh và cha, bác sĩ Tôn Thất Bách

Trong cả bữa ăn là nghe chuyện bệnh nhân, ca mổ, bệnh viện, chuyện chuyên môn... Đau đớn nhất là bố mắng các con cũng vào lúc này, lúc chuẩn bị bê bát cơm lên ăn. Việc này diễn ra liên tục trong nhiều năm nên tạo cho chị em tôi thành một phản xạ có điều kiện đó là tìm mọi cách để vắng mặt vào bữa ăn hoặc ăn trước rồi mỗi đứa té về một phòng đóng cửa kín mít. "Ngày Tết không mắng" là món quà của bố dành cho chúng tôi. Nó dường như một kim bài miễn tử, khiến tôi tha hồ ngủ ở nhà hoặc đủ can đảm ngồi gần bố một lát. Sau này khi tôi trưởng thành, bố đã nói với tôi là cả đời bố ân hận chính là chuyện đã làm con sợ: Chưa bao giờ tôi ở gần ông được 2 phút.

Gói và trông bánh chưng là thú vui xa xỉ nhất trong ký ức tuổi thơ tôi. Vui vì được thức khuya quá 12 giờ, vui vì không bị mắng, vui vì cả nhà đông đủ. Bố luôn huy động cả nhà tham gia việc gói bánh này, bản thân bố đảm đương nhiệm vụ vo gạo, rửa lá dong cho đến gói bánh, bắc bếp hay dỡ bánh. bố khéo tay lắm nên gói bánh không cần khuôn, vì khéo tay phẫu thuật nên bố phải mổ gà cho mẹ. Việc khiến tôi hãi hùng nhất là phải giữ chân gà cho bố cắt tiết...

Mắt nhắm tịt và tay tôi cảm nhận được sự sống yếu dần đi cho đến khi tắt hẳn. Và kinh nhất là trước khi từ giã cõi đời là con gà sẽ bậy ra tứ tung, thậm chí tay mình dính chưởng bao lần. Bố bảo tôi nhát vì nhắm mắt không dám nhìn, nhiều khi tránh cái phần đánh dấu trước khi lìa trần thì tôi giữ chân gà không chặt...

Thảm hoạ đã xảy ra khi gà đạp, giãy dụa và tôi thì tuột tay... Một trận mắng lôi đình vào mặt... Ông còn dạy tôi mấy cách mổ gà: Mổ moi và mổ phanh, ông bảo là mổ người cũng như thế này mà thôi. Cứ nghĩ đến đoạn bậy ra trước khi lìa trần là tôi hết muốn làm bác sỹ.

Khi vớt bánh chưng thì ông dạy tôi một mẹo đó là hãy chén ngay một cái lúc đó và sẽ là cái ngon nhất trong cả Tết. Bây giờ cứ ngửi mùi khói trấu cũng khiến sống mũi tôi cay cay vì nhớ đến thời luộc bánh chưng hạnh phúc ấy.

Như tôi đã nói thì giao thừa thường chỉ có ba bố con vì mẹ luôn bận ngủ bù cho đêm trước phải thức để trực ở bệnh viện. Như một thông lệ thì sau khi đốt xong bánh pháo thì tất cả đại gia đình sẽ tập trung ở phòng thờ của ông nội. Năm nào cũng thế, thời khắc đầu tiên trong năm luôn là lúc bà nội ôm bố và khóc. Có lẽ bà khóc vì sự cô đơn, với hàng chuc năm không có ông bên cạnh hoặc bà khóc vì sự vất vả của bố hay có lẽ bà khóc vì một năm nữa đã trôi qua. Nhìn bố thật nhỏ bé trong vòng tay của bà. Khoảnh khắc bà khóc và ôm bố thì cũng là lúc tôi yêu bố nhất cho dù là ngắm từ xa lại (5m luôn là khoảng cách an toàn). Phong thái bác sỹ , giáo sư, viện sỹ nhà phẫu thuật tài ba cũng biến mất và lúc này bố mới thực sự là bố của tôi. Mỗi năm thì tóc của bố lại bạc nhiều hơn cả tóc của bà.

Tết, bố sẽ nấu cơm cho cả nhà và chị em chúng tôi được giải phóng. Nhiệm vụ duy nhất của tôi chỉ là rửa bát. Bố còn nghĩ cách tái sử dụng lại bát đĩa ăn buổi trưa dùng vào ăn tối để cho tôi nhẹ việc. Nhớ nhất là năm tôi 7 hay 8 tuổi gì đó, vào sáng sớm ngày mùng một, bố gọi tôi dạy sớm và bảo chạy ngay ra sân. Mắt nhắm mắt mở, chẳng đánh răng hay thay đồ đẹp tôi cứ líu ríu đi theo bố.

Trời đất ơi! đêm qua có trận mưa bóng bay và rải rác quanh sân là bóng chưa thổi. Choáng ngợp, cái cảm giác đang sống trong cổ tích vậy. Bóng bay là đam mê của tôi từ bé tí. Để kể nốt là chỉ vì mê bóng bay quá nên mỗi khi về Trung Tự là nhà ngoại, nẹ đạp xe chở tôi luôn luôn đi đường Đại Cồ Việt chứ không đi qua hồ Ba Mẫu. Tuy phải đạp xa hơn nhiều nhưng tránh phải đi qua Công viên Lê nin, hồ Ba Mẫu - nơi duy nhất bán bóng bay ở thuở đó. Lần nào mà mẹ trót dại đi ngang qua mà không mua, y như rằng ngay sau đó có cảnh khóc lóc mùi mẫn không thua phim Hàn hiện tại mà tôi là diễn viên chính. Lúc đó bố mẹ nghèo lắm...

18 tuổi bố sẽ trao quyền trưởng thành. Đồng nghĩa với việc mình muốn đi đâu, với ai hay mấy giờ về là do mình quyền quyết định. Và học cách tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Có lẽ tôi bắt đầu khám phá thế giới rộng lớn từ đó. Thời điểm này thì 365 ngày của một năm thì chắc tôi gặp bố chừng 5 ngày. Sáng bố bận bệnh viện, trưa đi thẳng xuống trường y và 8 giờ tối về nhà. Tôi ngủ từ 5 giờ sáng và 7 giờ tối đã tót ra khỏi nhà, hoặc đi học, đi đánh bóng chuyền cả ngày. Bố sẽ đi làm hai tiếng sau khi tôi về đi ngủ.

Đó là lịch sinh hoạt của trong gần 10 năm giữa 2 bố con.

Tuy đêm nào cũng bar hay bay lắc thâu đêm suốt sáng, nhưng chưa bao giờ tôi nhỡ mất thời khắc đón giao thừa với bố và cả nhà. Đi đâu thì đi cũng về trước 12 giờ vì tôi sợ bị mắng cái tội xông đất và lý do chính đáng hơn cả thì đây là lúc tôi kiếm chác nhất: Mừng tuổi và đến bây giờ tôi cũng vẫn được nhận mừng tuổi.

Giao thừa năm 2002 là lần đầu tiên tôi không có mặt cùng cả nhà vì tôi đang học ở Anh. Tôi nhớ là sau khi tan trường và đang trên con bus số 73 về nhà thì bố gọi sang thông báo: Giao thừa rồi con ơi... Đó cũng là cái Tết cuối cùng được nghe giọng bố.

9 năm nay chúng tôi vô cảm với Tết. Mỗi người trong nhà đều có những ký ức về bố nhưng không bao giờ dám kể ra vì sẽ làm người khác buồn vì nhớ bố. Chúng tôi tránh gặp nhau trong những ngày Tết vì ai cũng giấu trong lòng nỗi buồn nhớ bố. Cũng chì vì cả nhà thương nhau sợ làm ảnh hưởng đến người khác nên ai cũng ráng chịu đựng nỗi buồn nhớ bố một mình. Bây giờ mẹ cũng chưa dám xem album ảnh hay sờ vào đồ đạc của bố. Còn tôi sợ ngửi mùi không khí của Tết, sợ gặp những người bạn của bố.

Thời thơ bé thì mong ước mau đến Tết, còn bây giờ thì vô cùng sợ Tết vì Tết là con dao khứa vào nỗi buồn nhớ bố...

Con yêu và nhớ Bố!

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.