Hỗ trợ thanh niên di cư

26/03/2013 02:39 GMT+7

Thanh niên thiếu việc làm phải ly hương tìm kế sinh nhai, công tác Đoàn trên địa bàn dân cư chưa tiếp cận được thanh niên. Đó là trăn trở của nhiều bí thư Đoàn cơ sở phản ánh tại buổi đối thoại với Ban Bí thư T.Ư Đoàn diễn ra sáng ngày 25.3, tại Hà Nội.

Theo phản ánh của các bí thư Đoàn cơ sở, thanh niên (TN) di cư tìm việc làm là xu hướng phổ biến diễn ra ở nhiều địa phương khiến cho việc tổ chức hoạt động đoàn gặp nhiều khó khăn. Bí thư Đoàn xã Thạch Đạn, H.Cao Lộc, Lạng Sơn, Hoàng Đức Thanh, chia sẻ: Vài năm trở lại đây, TN địa phương đổ xô sang Trung Quốc tìm việc. Nhiều cặp vợ chồng trẻ khóa trái cửa nhà, gửi con cho ông bà nội, ngoại để sang bên kia biên giới làm thuê. Nhiều chi đoàn từ lâu đã không còn đoàn viên đến sinh hoạt và tổ chức hoạt động.

 

Thực trạng TN di cư tìm việc làm nên nhìn nhận đây là xu hướng bình thường và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vấn đề ở chỗ, tổ chức Đoàn giữa nơi họ đi và đến cần có sự liên kết để chia sẻ thông tin và hỗ trợ họ khi cần

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi

Cũng theo anh Thanh, mỗi năm Đoàn xã được cấp khoảng 7 triệu đồng, riêng tổ chức trại hè đã mất 5 triệu đồng rồi. Để tiết kiệm kinh phí, đã hai năm qua cán bộ Đoàn xã không dám lấy một đồng công tác phí, tự bỏ tiền túi đi công tác cơ sở. Ở xã miền núi lại không có doanh nghiệp để vận động tài trợ. “Mong T.Ư Đoàn sẽ có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức Đoàn, giúp TN miền núi tự tạo việc làm, giúp họ làm giàu trên quê hương”, anh Thanh tha thiết bày tỏ.

Có cùng trăn trở về vấn đề nghề nghiệp, việc làm, Bí thư Đoàn trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang, Bàn Thị Kim Thanh, nhận định đây là vấn đề nan giải nhất trong đời sống TN hiện nay. Chị Thanh cho rằng tình trạng cử nhân thất nghiệp ra trường không có việc làm, dư thừa lao động ở một số ngành nghề là hậu quả của nhận thức lệch lạc trong đào tạo giáo dục... nhà trường hiện nay, khi chỉ chăm chú tập trung cho mục tiêu nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ đại học và hầu như không quan tâm định hướng nghề nghiệp và việc làm. Chị Thanh kiến nghị, công tác Đoàn trong các trường phổ thông nên tập trung vào công việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp việc làm cho học sinh từ trường học. Nếu được cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin dự báo về xu hướng phát triển kinh tế, nhu cầu nhân lực ở mỗi ngành trong tương lai chắc chắn Đoàn sẽ làm tốt vai trò này.

Cùng đối thoại với bí thư Đoàn cơ sở, Phó trưởng ban TN nông thôn T.Ư Đoàn, Phương Đình Anh, chia sẻ: Tìm vốn vay giúp thanh niên tự tạo việc làm, khởi nghiệp là vấn đề trăn trở của T.Ư Đoàn hiện nay. Đoàn đã có các sáng kiến thành lập tổ vay vốn, giúp thanh niên tiếp cận vốn ưu đãi, với mức vay tối đa đến 30 triệu đồng đối với cá nhân. Hiện tại, T.Ư Đoàn đang thực hiện giải pháp khuyến khích TN cùng ngành nghề kinh tế liên kết lại thành tổ hợp tác, câu lạc bộ để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong khởi nghiệp.

Chia sẻ quan điểm về thực trạng TN di cư tìm việc làm, anh Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn bày tỏ nên nhìn nhận đây là xu hướng bình thường và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vấn đề ở chỗ, tổ chức Đoàn giữa nơi họ đi và đến cần có sự liên kết để chia sẻ thông tin và hỗ trợ họ khi cần. “Đưa ra các giải pháp chăm lo hỗ trợ TN nông thôn làm kinh tế, củng cố tổ chức Đoàn ở khu vực này là vấn đề trăn trở của Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Ngoài kiến nghị tăng vốn vay giúp TN khởi nghiệp, T.Ư Đoàn sẽ vận động tìm kiếm nguồn lực xã hội, tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm, hướng dẫn TN làm kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp TN có điều kiện lập nghiệp tại quê nhà”, anh Mãi nói. Anh Phan Văn Mãi cũng khẳng định, những bất cập trong chính sách, công tác Đoàn ở cơ sở đặt ra tại buổi đối thoại đang được Ban Bí thư T.Ư Đoàn tiếp cận và tìm các giải pháp để tháo gỡ từng bước với mục tiêu tạo cơ chế, điều kiện tốt nhất cho cán bộ Đoàn làm việc và làm tốt hơn nữa vai trò chăm lo đời sống TN.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.