Triều Tiên đang huấn luyện các chiến binh mạng?

25/03/2013 13:20 GMT+7

(TNO) Các nhà điều tra vẫn chưa thể kết luận kẻ chủ mưu vụ tấn công mạng ở Hàn Quốc hồi tuần rồi. Nhưng các chuyên gia an ninh mạng Hàn Quốc cho rằng CHDCND Triều Tiên đang huấn luyện một nhóm các chiến binh mạng.

(TNO) Các nhà điều tra vẫn chưa thể kết luận kẻ chủ mưu vụ tấn công mạng ở Hàn Quốc hồi tuần rồi. Nhưng các chuyên gia an ninh mạng Hàn Quốc cho rằng CHDCND Triều Tiên đang huấn luyện một nhóm các chiến binh mạng.

Malware (phần mềm máy tính được thiết kế với mục đích xâm nhập hoặc phá hủy dữ liệu trên máy tính bao gồm virus, worm, trojan, rootkit...) đã làm ngừng trệ các máy tính và máy chủ tại ba đài truyền hình và ba ngân hàng Hàn Quốc hôm 20.3, làm gián đoạn hoạt động ngân hàng và truyền thông, theo tin tức từ hãng tin AP.

Cuộc điều tra malware này mất nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng mới tìm ra được thủ phạm.

Các điều tra viên Hàn Quốc vẫn chưa tìm thấy chứng cứ để chứng minh Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng hôm 20.3.

Cảnh sát Hàn Quốc ngày 25.3 cho biết, họ phát hiện nguồn gốc malware xuất phát từ Mỹ và ba quốc gia châu u.

Nhưng Hàn Quốc lại nghi ngờ Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng này, do kể từ năm 2009 Bình Nhưỡng đã sáu lần tấn công mạng Seoul.

Và Seoul phải thành lập Trung tâm Chỉ huy An ninh mạng để đối phó với các nguy cơ tấn công mạng từ Triều Tiên.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã rót nhiều tiền đầu tư vào khoa học và công nghệ.

Hồi tháng 12.2012, các nhà khoa học Triều Tiên đã phóng tên lửa đưa vệ tinh của nước này vào quỹ đạo thành công.

Đến tháng 2.2013, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm hạt nhân lần 3 thành công.

Ngành công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển ở Triều Tiên.

Nước này đã phát triển ra hệ điều hành máy tính riêng gọi là Red Star (Ngôi sao Đỏ), nhập khẩu máy tính bảng Trung Quốc.

Triều Tiên có một nhóm các nhà phát triển chuyên nghiên cứu, sản xuất đủ loại phần mềm vi tính nội địa từ sáng tác nhạc cho đến dạy nấu ăn…

Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên cũng có hàng ngàn tin tặc được chính phủ nước này huấn luyện bài bản để thực hiện những cuộc chiến tranh mạng, và kỹ năng của những tin tặc này không thua kém gì so với tin tặc Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Tham vọng mới của Triều Tiên là tăng cường năng lực tiến hành những cuộc chiến tranh mạng”, AP dẫn lời tướng James Thurman, Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ.

 
Cố lãnh đạo Kim Jong-il (đeo kính râm) làm việc với các chuyên gia máy tính hồi năm 2009 - Ảnh: Reuters

“Triều Tiên triển khai những tin tặc được huấn luyện để tiến hành những cuộc tấn công mạng nhắm vào Hàn Quốc và Mỹ”, theo ông Thurman.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Won Sei-hoon ước tính Triều Tiên có một đơn vị chuyên về chiến tranh mạng bao gồm 1.000 tin tặc.

Các sinh viên Triều Tiên được tuyển vào học tại các viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của nước này để trở thành “những chiến binh mạng”, theo ông Kim Heung-kwang.

Ông Kim Heung-kwang là người Triều Tiên được huấn luyện để trở thành tin tặc trong suốt 20 năm tại một trường đại học ở thành phố Hamhung ở Triều Tiên), nhưng sau đó bỏ chạy khỏi nước này hồi năm 2003.

Ông Kim Heung-kwang cho biết thêm các tin tặc cũng được gửi ra nước ngoài học tập như ở Trung Quốc và Nga.

Hồi năm 2009, báo chí Hàn Quốc trích dẫn các báo cáo từ Triều Tiên cho rằng cố lãnh đạo Kim Jong-il đã từng ra lệnh tăng cường số tin tặc lên 3.000 người, nhưng vẫn chưa rõ tính xác thực của báo cáo này.

Ông Kim Heung-kwang, hiện đang sống lưu vong ở Seoul kể từ năm 2004, cho biết Triều Tiên đã tuyển thêm rất nhiều tin tặc kể từ năm 2009, và một số tin tặc đang ở Trung Quốc để tiến hành các cuộc tấn công mạng ra nước ngoài.

“Rõ ràng Triều Tiên có đủ khả năng tạo ra malware tấn công máy tinh, máy chủ, hệ thống mạng theo dạng DDOS (từ chối dịch vụ). Mục tiêu của Triều Tiên là nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc”, theo ông Kim Heung-kwang.

Chuyên gia an ninh mạng Mỹ, ông C. Matthew Curtin nhận định đối với Triều Tiên, việc mở rộng năng lực chiến tranh mạng bằng cách tạo ra malware vẫn ít tốn kém và nhanh hơn chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong thế giới mạng, tin tặc Triều Tiên có thể dễ dàng nặc danh, hủy bỏ chứng cứ bằng cách làm giả IP, ông Curtin cho biết thêm.

Các quan chức Triều Tiên vẫn chưa thừa nhận cáo buộc các chuyên gia máy tính nước này được huấn luyện thành các chiến binh mạng, nhưng luôn bác bỏ cáo buộc tấn công mạng.

Bình Nhưỡng vẫn chưa lên tiếng về vụ tấn công mạng Hàn Quốc hồi tuần rồi, theo hãng tin AP.

Hồi tháng 6.2012, kết quả cuộc điều tra kéo dài 7 tháng cho thấy trung tâm viễn thông của Triều Tiên có liên quan đến vụ tấn công mạng làm tê liệt hệ thống máy tính báo đài Hàn Quốc, cụ thể là tờ JoonAng Ilbo.

Ở Hàn Quốc, nền kinh tế, thương mại và mọi khía cạnh cuộc sống đều phụ thuộc lớn vào internet.

Trong khi Triều Tiên chỉ mới bắt đầu online trong những năm gần đây, nhưng kiểm soát rất chặt chẽ internet vì Bình Nhương từng tố cáo Mỹ-Hàn tấn công mạng nước này.

“Triều Tiên chẳng có gì để mất trong cuộc chiến tranh mạng. Nếu như Triều Tiên thật sự đứng sau vụ tấn công mạng hồi tuần rồi thì Hàn Quốc cũng không có một mục tiêu nào để tấn công trả đũa”, giáo sư Kim Seeongjoo của Khoa Quốc phòng thuộc Đại học Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, cho hay.

Phúc Duy

>> Triều Tiên tung video tấn công Hàn Quốc
>> Mạng máy tính các đài truyền hình Hàn Quốc đồng loạt tê liệt
>> Triều Tiên dọa Thủ tướng Hàn Quốc
>> Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc tấn công mạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.