Kỳ thú cổ vật - Kỳ 3: Chiếc ống sứ cổ và tình bạn vong niên

22/03/2013 03:40 GMT+7

Trần Đình Sơn là khuôn mặt quen thuộc trong giới sưu tầm đồ cổ ở TP.HCM. Ông đang tiến hành ra mắt Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam tư nhân đầu tiên tại số 114 Mai Thúc Loan, TP.Huế.

>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 2: Tượng 500 năm tuổi giữa đồng

Trần Đình Sơn sinh năm 1949 tại làng rèn Hiền Lương (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) nhưng do cha mất sớm nên được ông bà nội đưa về sống trong ngôi nhà cổ nói trên. Đó là cơ ngơi của ông cố Trần Đình Bá (Thượng thư Bộ Hình, làm quan trải 3 triều vua Thành Thái - Duy Tân - Khải Định). Được sống, giáo dục trong môi trường nho giáo và giao du với giới quan lại, thượng lưu nên Trần Đình Sơn được học cả tiếng Hán lẫn quốc ngữ, và từ rất sớm đã thích sưu tầm những bài thơ cổ qua thư tịch (ông nội từng giữ chức Hàn lâm viện Tu soạn).

Mối duyên với cụ Vương Hồng Sển

Lên trung học, Trần Đình Sơn thích tìm đọc các tạp chí Bách khoa, Văn hóa..., đặc biệt rất thích những bài viết về cổ vật với văn phong dí dỏm, dễ hiểu của cụ Vương Hồng Sển. Mỗi khi đọc bài của cụ Vương Hồng Sển, thấy nhắc đến món nào, hình dáng ra sao, dưới đáy viết chữ gì thì Trần Đình Sơn lại lục lọi các tủ thờ nhà mình, không ít lần Sơn đã reo lên khi tìm đúng món và sung sướng trưng bày ở một góc riêng của mình.

Kỳ thú cổ vật - Kỳ 3: Chiếc ống sứ cổ và tình bạn vong niên
Đôi bạn vong niên cùng nhau tra cứu đồ cổ - Ảnh: nhân vật cung cấp

Năm 1968, gia đình Trần Đình Sơn chuyển vào Sài Gòn sinh sống.

Vào tới đây, việc đầu tiên của chàng trai 19 tuổi Trần Đình Sơn là tìm đến ra mắt cụ Vương. Một già, một trẻ đàm đạo rất tâm đắc. Cụ Vương dù có gốc gác Trung Quốc nhưng lại không rành chữ Hán, nên từ đó Trần Đình Sơn trở thành tài xế chở cụ Vương đi săn tìm cổ vật bằng chiếc Honda Dame của anh, trong suốt 7 năm (1968-1975). Trần Đình Sơn ca ngợi cụ Vương là người tiên phong nhận ra giá trị của đồ gốm “ký kiểu” (thời phong kiến, mỗi lần có sứ bộ sang Trung Quốc thì người Việt đặt thợ gốm Trung Quốc chế tác những chén bát, đĩa thố, bình ché... để khi về dâng lên vua chúa hoặc làm quà biếu cho các quan, họ hàng). Trước đây, các nhà nghiên cứu cổ vật liệt đồ ký kiểu vào dạng “gốm Tàu” (do người Tàu làm) nhưng cụ Vương lại cho rằng tuy nguyên liệu, nhân công là của Tàu nhưng hồn cốt lại rất Việt (từ kiểu dáng đến tranh vẽ, thơ đề trên hiện vật đều thể hiện theo ý người Việt). Hơn nữa, đồ ký kiểu chỉ sản xuất giới hạn theo số lượng bên đặt làm, không đại trà. Từ lập luận của cụ Vương, đồ ký kiểu đã được giới chơi đồ cổ Việt Nam nâng lên một giá trị mới và trở thành đối tượng săn lùng của họ. 

Vật quý ở chợ trời

Ông Trần Đình Sơn kể lại: “Vào khoảng năm 1973, tôi đi theo cụ Vương đến tiệm buôn đồ cổ của ông Hoàng Văn Chánh ở phố Đa Kao. Ông Chánh khoe một ống đựng tranh bằng sứ hình bát giác cao 32 cm, đường kính 27 cm, 6 cạnh vẽ trúc - tùng - mai, 2 cạnh viết bài thơ ngũ ngôn cổ phong thơ chữ Hán vịnh “Tuế hàn tam hữu” (3 người bạn mùa đông trúc - tùng - mai), các mặt thơ và tranh đối xứng nhau. Cụ Vương thích lắm nhưng chủ nhân đòi đến 500.000 đồng và nói món này mua lại từ gia đình Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương). Cụ Vương chê đắt, không mua. Tôi ngồi nghe họ ngã giá mà... kinh hồn! Thời điểm đó giá vàng 8.000 đồng/lượng (nghĩa là cái ống sứ này tương đương 60 lượng vàng). Lương công chức của tôi lúc đó là 27.000 đồng (hơn 3 lượng vàng). Cụ Vương đeo đuổi cái ống sứ ấy suốt 2 năm (1973-1975) mà cũng không sở hữu được...

Sau ngày 30.4.1975, giới buôn bán và chơi cổ vật ở Sài Gòn nằm yên một thời gian để nghe ngóng tình hình, thảng hoặc cũng có tụ họp, chuyện vãn bên ly cà phê. Một hôm, uống cà phê xong, cả nhóm đi lang thang ra chợ trời Hàm Nghi để rồi... choáng ngợp. Có rất nhiều đồ cổ đang được bày bán. Những món đồ này xuất xứ từ các gia đình tư bản hoặc từ trong các dinh thự của các viên chức chế độ cũ được tuồn ra chợ trời bởi nhiều nguyên nhân. Lúc đó, chúng tôi chỉ ngắm và xuýt xoa, tiếc rẻ. Về tới nhà mà cái chợ trời đồ cổ vẫn mãi ám ảnh. Mấy hôm sau tôi quyết định một mình trở lại. Đến cuối đường Hàm Nghi, chợt thấy anh thanh niên người nhà ông Chánh cũng đang đứng bán một sạp đồ cổ. Anh này kể: “Bác Chánh con đã gom góp những món đồ quý giá mang qua Pháp từ những ngày Sài Gòn chộn rộn. Mấy món đồ còn lại, mệ con sai con đem ra đây bán kiếm chút tiền làm sinh kế”. Tim tôi đập thình thịch khi thấy trong đám đồ ngổn ngang kia có cả cái ống sứ ngày nào. Ôm lấy “cố nhân” vào lòng, tôi ướm thử giá cả. Anh thanh niên nói: “Nếu cậu mua thì con lấy giá 2 chỉ”. Tôi sướng tê người nhưng cũng không có tiền để mua, bèn nói: “Để đó rồi cậu tính sau nghe!”...

Chiếc xe máy của tôi do được giữ gìn cẩn thận, còn khá mới, nên tôi bán được cho mấy người ở chợ trời với giá 1 lượng vàng. Bán xe rồi, tôi mua một chiếc xe đạp khung và chạy ngay ra Hàm Nghi. Ở đời có những “cơ duyên” không thể ngờ được, cũng chiếc ống ấy, mấy năm trước tôi không bao giờ dám nghĩ sẽ có ngày mình sở hữu, vậy mà nay tôi mua được nó với giá... 1 chỉ rưỡi vàng. “Thỉnh” cái ống sứ về nhà xong, tôi vội chạy qua nhà cụ Vương kể lại sự việc.

Tình bạn vong niên giữa Trần Đình Sơn với cụ Vương kéo dài cho đến ngày cụ qua đời. Chính chiếc chén Tham thì thâm trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển mà Bảo tàng Lịch sử TP.HCM làm mất là của Trần Đình Sơn tặng cho cụ.

Hà Đình Nguyên

>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 2: Tượng 500 năm tuổi giữa đồng
>> Kỳ thú cổ vật - Tượng người châu Phi lõa thể ở Việt Nam 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.