Đề nghị lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội

21/03/2013 12:42 GMT+7

(TNO) Sáng 21.3, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo trao đổi kinh nghiệm về công tác dân nguyện của Quốc hội Việt Nam .

Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, kinh nghiệm cho thấy sau khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nếu như chỉ chuyển đơn thư đến các cơ quan chức năng giải quyết như công tác bưu chính thì không biết đơn thư sẽ đi đến đâu và người khiếu nại chỉ biết chờ đợi, còn các cơ quan chức năng thì đùn đẩy nhau.

Là một đại biểu quốc hội tham gia khá nhiều khóa (từ khóa VI 1976-1981 đến khóa XI 2002-2007), bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI, nhìn nhận: “Không phải ý kiến, nguyện vọng chính đáng nào của cử tri cũng được đại biểu quốc hội chuyển gửi đến các cơ quan của Quốc hội, nhất là chuyển gửi đến Chính phủ”.

Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, có thể có mấy lý do: Số đông đại biểu quốc hội (hơn 75%) hoạt động không chuyên trách nên ý kiến cử tri thường “nóng” khi tiếp xúc và “nguội dần” khi đại biểu trở về với công việc chuyên môn; chưa có cơ chế để đại biểu quốc hội chuyển gửi trực tiếp ý kiến, kiến nghị của cử tri...

“Có đại biểu còn tâm sự rằng muốn phát biểu ý kiến tại hội trường, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến địa phương thì phải có ý kiến đồng ý của trưởng đoàn vì sợ bị bộ “trù” - mà thực tế đã bị “trù”, bị “trả đũa” - nên đại biểu quốc hội thường “biết nhưng vẫn để trong bụng”, giữ "im lặng là vàng”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ.

“Dân thường hay tự cho mình “thấp cổ bé miệng” cho nên họ mới nhờ, mới cần đại biểu quốc hội. Vì vậy, đại biểu không nên từ chối họ. Khi phải nhận đơn thì phải nghiên cứu, ký chuyển đến cơ quan có chức năng và phải đôn đốc giải quyết đến nơi đến chốn”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói.

Tại hội thảo, ông Hà Công Long - Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - nêu ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Theo đó, thực tế cho thấy việc giải quyết và trả lời cử tri còn thiếu thống nhất giữa các cơ quan, hình thức báo cáo cũng có sự khác nhau.

Bên cạnh đó, ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Ban Dân nguyện chuyển cho Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng giao cho các bộ nghiên cứu giải quyết và trả lời cử tri. Tuy là thừa ủy quyền Chính phủ trả lời nhưng nhìn chung do thiếu sự phối hợp giữa các bộ với nhau nên nhiều khi lại trả lời là việc giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền của bộ này, bộ kia.

Từ thực tiễn hoạt động công tác dân nguyện và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, để đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ông Hà Công Long đề nghị cần thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội.

Đình Phú

>> Thường vụ Quốc hội chất vấn ngành tòa án và GD-ĐT
>> Góp ý sửa đổi hiến pháp: Lắng nghe dân cho đến khi Quốc hội giơ tay biểu quyết
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc tết các cơ quan của Quốc hội
>> Chủ tịch Quốc hội kêu gọi góp ý sửa đổi Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.