Xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục: “Có phạt Bộ GD-ĐT không ?”

20/03/2013 04:00 GMT+7

Tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được tổ chức tại Hà Nội hôm qua (19.3), nhiều ý kiến cho rằng nếu không quy định rõ đối tượng và hành vi thì rất dễ rơi vào tình trạng “chết yểu”.

Theo dự thảo, đối tượng điều chỉnh của nghị định này là cơ sở giáo dục, không có các đơn vị hành chính và UBND các cấp. Thế nhưng nhiều ý kiến tại hội thảo đã chỉ ra rằng có những vấn đề nếu phạt cơ sở giáo dục là quá oan vì họ không hề có thẩm quyền quyết định để xảy ra các vi phạm đó. Còn nếu đưa ra mà không phạt được thì lại rơi vào tình trạng chỉ quy định cho đẹp, cho có mà thôi.


Sẽ phạt hiệu trưởng, giám đốc sở GD-ĐT hay chủ tịch UBND tỉnh, thành nếu cơ sở vật chất của một trường học không đảm bảo theo quy định?  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 

Hầu như trường nào cũng vi phạm

Một trong những quy định mà nhiều ý kiến nhắc đến là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không đảm bảo đủ số lượng, diện tích phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi và các công trình phục vụ dạy và học khác theo quy định. Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho rằng: “Hiện nay các trường đều thiếu đủ thứ nếu áp với các quy định trên. Tuy nhiên, không thể phạt hiệu trưởng cũng không thể phạt giám đốc sở GD-ĐT vì họ không có quyền quyết định về xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Chỉ có thể phạt ông chủ tịch UBND tỉnh vì không quan tâm đầu tư cho trường học”. Trước thực tế này, ông Tá nêu vấn đề: “Ông thanh tra sở GD-ĐT có dám phạt ông chủ tịch UBND tỉnh không?”.

 

Việc không đồng bộ giáo viên ở các môn học hiện nay khá phổ biến, điều này là do thay đổi chương trình, sách giáo khoa, một số môn giảm hoặc tăng thời lượng khiến giáo viên các môn học thừa hoặc thiếu một cách cục bộ. Để xảy ra tình trạng như vậy thì đối tượng xử phạt là ai. Có xử phạt Bộ GD-ĐT hay không?

Ông Trần Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình

Còn ông Lê Khắc Nam, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM, đại diện cho nhóm thảo luận gồm 22 sở GD-ĐT, cho biết: “Có ý kiến so sánh tính khả thi của quy định này với dự thảo nghị định xử phạt việc đội mũ bảo hiểm giả vì trách nhiệm về xây dựng cơ sở vật chất không phải của nhà trường”.

Tương tự, cũng có nhiều ý kiến tranh luận việc xử phạt từ 5 - 20 triệu đồng đối với hành vi bố trí số học sinh, sinh viên/lớp vượt quá quy định. Ông Trần Hữu Hy, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An, chỉ ra rằng: “Sở dĩ nhiều trường phải chấp nhận để sĩ số vượt quá quy định vì địa bàn trường đóng thiếu trường lớp. Phạt như vậy là khó cho nhà trường vì lỗi là do chính quyền địa phương chưa lo đủ chỗ học theo đúng quy định cho học sinh. Do vậy, cần phải quy định rõ hành vi vi phạm nào là do cố tình tuyển sinh cả học sinh trái tuyến, hành vi nào là do điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng đủ”.

Một ý kiến khác cũng gay gắt không kém, đó là quy định phạt từ 5 - 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về không đồng bộ giáo viên ở các môn học. Ông Trần Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình, băn khoăn: “Việc không đồng bộ giáo viên ở các môn học hiện nay khá phổ biến, điều này là do thay đổi chương trình, sách giáo khoa, một số môn giảm hoặc tăng thời lượng khiến giáo viên các môn học thừa hoặc thiếu một cách cục bộ. Để xảy ra tình trạng như vậy thì đối tượng xử phạt là ai. Có xử phạt Bộ GD-ĐT hay không?”.

Chờ... dự thảo lần sau

Điều 20 của dự thảo nêu: “Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục”. Ông Lê Khắc Nam đặt vấn đề: “Tại sao đều là những hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân mà luật pháp không hề phân biệt đối tượng, vậy căn cứ vào đâu dự thảo này lại quy định: người học bị xúc phạm, bị hành hạ thì xử phạt nhẹ hơn hẳn so với nhà giáo?”.

Một trong những điểm mới của dự thảo nghị định lần này là xử phạt các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm với mức phạt từ 3 - 30 triệu đồng. Các ý kiến đều đồng tình với chủ trương này, tuy nhiên cũng chỉ ra những điểm vi phạm “muôn hình vạn trạng” trên thực tế mà ban soạn thảo chưa “quét” hết.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang, nêu hàng loạt vấn đề: xin cấp phép dạy các môn nghệ thuật, thể thao nhưng lại dạy các môn văn hóa; nếu các trung tâm được cấp phép dạy thêm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc niêm yết công khai thời khóa biểu, giáo viên, học phí... thì xử phạt ra sao? Giáo viên cố tình đứng ra tổ chức các trung tâm, nhóm lớp dạy thêm hoặc dạy thêm mà không được cấp phép thì có bị xử phạt hay không?...

Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, đề nghị: “Phải bổ sung mức phạt với hành vi thu học phí học thêm quá cao so với mức thỏa thuận với phụ huynh”.

Kết thúc một ngày thảo luận cho dự thảo lần thứ nhất, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Những gì mà dự thảo lần một chưa đáp ứng được thì nhất định dự thảo lần sau phải làm được. Ban soạn thảo luôn đề cao tính khả thi của nghị định chứ không phải chỉ đưa vào cho đầy đủ, cho có”.

Tuệ Nguyễn

>> Lúng túng khi dạy học kiểu tích hợp
>> Thay đổi cách dạy, học văn
>> Chỉnh ngay từ chương trình dạy học
>> Thí điểm phương pháp dạy học mới
>> Tự làm đồ dùng dạy học
>> Mượn nhà dân để dạy học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.