Giảm thuế để khuyến khích làm ăn

19/03/2013 03:00 GMT+7

Ngày đầu tiên khai mạc phiên họp thứ 16 (18.3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung vào một loạt vấn đề nóng xung quanh việc sửa đổi các sắc thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp.

>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Tôi mà là Bộ trưởng sẽ giảm ngay thuế xuống 20%
>> Nên giảm thuế để kiềm giá xăng
>> Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%
>> Giảm thuế cứu doanh nghiệp
>> Kiến nghị giảm thuế, phí cho người trồng lúa

Giảm thuế để khuyến khích làm ăn
Giảm thuế sẽ khuyến khích doanh nghiệp làm ăn - Ảnh: Ngọc Thắng

Đọc tờ trình dự thảo, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - tóm gọn: Luật Thuế TNDN lần này sửa một nửa, tức 10/20 điều. Dù mới thực thi từ 1.1.2009, luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy lần sửa đổi này tập trung vào việc giảm thuế từ mức 25% đang áp dụng xuống còn 23%, ngoài ra, mở rộng thêm đối tượng được ưu đãi.

“Mình thu nhiều thì dân làm ít”

Tuy nhiên, ngay khi bước vào thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để hạ xuống chỉ còn 20%, thời điểm áp dụng từ 1.1.2014. Nhớ lại câu chuyện đi ứng cử Quốc hội ở xóm mình, Chủ tịch nói: “Tôi đi ứng cử QH ở xóm tôi, tổ dân cư người dân phát biểu đơn giản thế này thôi, mấy năm ông làm Bộ trưởng bà con rất mừng khi thấy ông giảm thuế liên tục, nhưng không hiểu sao lại cũng tăng thu liên tục. Thực ra người ta kinh doanh được nhiều thì thuế mình thu nhiều, còn mình thu nhiều thì người ta làm ít”.

Dẫn ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu rằng giảm 2% thuế ngân sách sẽ giảm thu 12.000 tỉ đồng trong 2014, Chủ tịch góp ý: “Chúng ta mất ngân sách trước mắt một phần nhưng nói như anh Giàu chỉ là nói một chiều, chưa nói giảm thuế sẽ khuyến khích làm ăn, tăng thu cho ngân sách bao nhiêu. Cử tri họ nói sáng suốt lắm, vì vậy thử nghiên cứu xem có giảm được xuống hẳn 20% không”.

Thứ trưởng Mai giải trình, mức giảm từ 25% xuống còn 23% là mức thuế suất phổ thông. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thiết kế một số “gói” riêng như cho nhóm doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chỉ áp thuế suất ở mức 20%, cũng kể từ 1.1.2014. Bộ Tài chính lo ngại ngân sách bị hụt thu nặng bởi cứ giảm 1% thuế TNDN ngân sách sẽ giảm thu 6.000 tỉ đồng, 2% là 12.000 tỉ đồng... Bên cạnh đó, sắc thuế thu nhập cá nhân mới có hiệu lực từ 1.7.2013 khiến ngân sách giảm thu thêm 13.500 tỉ đồng. “Về gợi ý của Chủ tịch, Bộ Tài chính xin tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh để báo cáo tiếp”, bà Mai nói.

Tỏ ra sốt ruột, Chủ tịch QH đề nghị: “Nghiên cứu thế nào thì nghiên cứu, nhưng phải có câu trả lời sớm!”. Nguyên nhân, theo Chủ tịch QH, do Bộ Tài chính mới chỉ có đánh giá giảm thuế làm hụt thu ngân sách, nhưng chưa có báo cáo về hiệu quả tăng thu như thế nào, giảm thu 1% thì sẽ có 6, 10 hay bao nhiêu DN thành lập, tăng thu được bao nhiêu? “Tôi là người làm ăn tôi cũng thích nộp thuế, nhưng thuế phải thấp thì tôi mới làm được. Cao thì lại tìm cách lách thuế, trốn thuế. Nếu không làm được ngay thì trong luật khẳng định được lộ trình, ví dụ năm 2014 giảm còn 23%, năm 2016 giảm còn 20%, phải khẳng định trước thì nhà đầu tư phấn khởi”, Chủ tịch QH nói. Ông dẫn chứng những lần giảm thuế trước rồi tiếp tục khẳng định: “Tôi nói thật tôi mà là Bộ trưởng tôi giảm xuống 20%, chứ không lẻ tẻ 23% như thế này. Lần trước giảm từ 32% xuống 28% được 4 điểm, 28% xuống 25% được 3 điểm, 25% xuống 23% được 2 điểm. Sao cứ giật lùi như thế. Tôi nói thế để đồng chí suy nghĩ thêm xem”.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính  -Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu đưa ngay được xuống 20% thì tạo ra một sự cạnh tranh rất lớn với các nước trong khu vực, điều kiện thu hút đầu tư cũng mạnh hơn. “Nếu hôm nay về tính toán lại được giảm ngay 20% thì đó là thuận lợi lớn nhất. Và như vậy cũng chỉ cần một mặt bằng thuế suất, không chia DN lớn, nhỏ. Nên thực hiện mục tiêu này ngay trong năm 2014”, ông Hiển đề xuất.

Liên quan đến tiêu chí DN vừa và nhỏ có doanh thu một năm dưới 20 tỉ đồng, quy mô dưới 200 lao động được áp mức thuế suất 20%, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Thứ trưởng Mai cần phải báo cáo lại với Bộ trưởng để nghiên cứu lại. “Nếu thế thì tôi không muốn làm ăn lớn, tôi cứ làm đến 20 tỉ, 200 lao động rồi dừng lại để con tôi đứng ra làm DN, còn tôi lập DN khác, cháu tôi làm cái khác thì chị làm thế nào. Chia thuế suất ưu đãi cho ngành nghề là đúng rồi, nhưng quan trọng là giảm thuế suất phổ thông”, ông đặt vấn đề.

Phải miễn, chứ không chỉ giảm

 

Lần trước giảm từ 32% xuống 28% được 4 điểm, 28% xuống 25% được 3 điểm, 25% xuống 23% được 2 điểm. Sao cứ giật lùi như thế...

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Do trong dự thảo sửa đổi luật Thuế TNDN chỉ đề cập đến việc giảm thuế, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải nghiên cứu thêm cả việc miễn thuế cho một số ngành nghề. Luật sửa đổi tính miễn giảm mức thuế suất xuống 10% cho ngư dân đánh bắt cá ngoài biển, theo ông Hùng có thể xem xét miễn thuế bởi đó không chỉ là làm ăn mà còn liên quan tới việc giữ chủ quyền, và cũng là một ngành có nhiều rủi ro, tổn thất. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên miễn thuế, có như vậy, DN mới mạnh dạn đầu tư, đưa được công nghệ khoa học về nông thôn, tăng giá trị sản phẩm. Chủ tịch QH cũng thẳng thắn phê bình Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng Nghị định nông nghiệp, nông dân, nông thôn xong để mãi không có tác dụng, không ai đầu tư về nông thôn. “Chị Mai giải thích có giảm thôi, còn miễn hiện nay chưa có. Ví dụ địa bàn đặc biệt khó khăn đang áp thuế 10%, bây giờ miễn hẳn, tất cả DN về đây làm ăn không có thuế. Còn 10% áp dụng cho nông thôn, vùng đồng bằng được không. Chúng ta đang muốn giảm nghèo cho nông dân, vực nông thôn lên. Phải nghĩ xem có được không. Có gì đâu mà không làm được!”, Chủ tịch QH nói.

Ông Phùng Quốc Hiển góp ý thêm, nên loại trừ các DN kinh doanh, khai thác khoáng sản, tránh việc đầu tư tràn lan gây ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên, cũng như ô nhiễm môi trường.

Khép lại phiên thảo luận, Chủ tịch QH yêu cầu Bộ Tài chính phải nghiên cứu lại thật kỹ lưỡng việc giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20%. Đặc biệt, phải có báo cáo rõ ràng, cụ thể khi giảm thuế sẽ tác động tới hiệu quả sản xuất kinh doanh như thế nào, chứ không chỉ báo cáo giảm thuế thì giảm thu ngân sách. “Nếu chỉ tính toán giảm thuế khiến ngân sách giảm bao nhiêu nghìn tỉ đồng là không khách quan, phải tính xem tác động vào sản xuất kinh doanh như thế nào. Không đánh giá lại đến khi đưa ra QH thảo luận các đại biểu không chịu đâu. Tôi cũng nhân danh đại biểu để nói chứ không phải ngồi ghế chủ tịch. Khi họp QH, tôi là đại biểu tôi cũng sẽ phát biểu đấy”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.

Có hiệu lực từ 1.1.2014

Dự thảo luật Thuế TNDN sửa đổi dự kiến được thảo luận tại các kỳ họp QH năm nay, nếu được thông qua bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2014. Trong đó:

Điều 10 về thuế suất quy định: Thuế suất thuế TNDN là 23%, trừ trường hợp DN thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 20%. DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Thuế suất đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Điều 13, ưu đãi về thuế suất  có quy định: Cơ quan báo chí thực hiện hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) theo quy định của luật Báo chí được áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập từ các hoạt động này.

Dân còn khó, phải giữ ưu đãi thuế VAT

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự thảo Sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó có vấn đề thuế suất, hiện đang được áp dụng 3 mức 0%, 5% (với các mặt hàng ưu đãi) và phổ biến 10%.

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt, trong những năm tới, các quy định liên quan đến dòng thuế này sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm bớt các nhóm mặt hàng không chịu thuế và thuế suất ưu đãi, tiến tới áp dụng thống nhất một mức thuế suất vào năm 2020. Do đó, tại lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo dự kiến sẽ giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế VAT 0% và 5%. Tuy nhiên, trong điều kiện DN gặp nhiều khó khăn thời gian qua, để tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH nhất trí tạm thời chưa giảm số nhóm mặt hàng được hưởng thuế ưu đãi 0% và 5%, đặc biệt là hàng hóa dịch vụ đầu vào trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Lộ trình VAT từ từ dừng lại. Vì thuế VAT là thuế thu vào người dân, tất cả mọi người mua gì đều có thuế hết, ảnh hưởng đến toàn dân, chưa có gì đảm bảo đời sống của người dân sẽ lên”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.