Sơn Mỹ sau 45 năm

16/03/2013 03:00 GMT+7

Tính đến nay, 45 năm đã trôi qua kể từ khi quân đội Mỹ gây ra vụ thảm sát vào ngày 16.3.1968 cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ. Số hộ nghèo ở vùng đất đau thương này vẫn còn khá cao. Hằng năm, khi tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo ở Trường THPT Sơn Mỹ, tôi đã biết hàng chục em nhà không chỉ rất nghèo mà “ngặt” nữa.

Con số ấy qua hằng năm vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.

Từ năm 1998, từ sự khởi xướng và tham gia tích cực của Báo Thanh Niên cùng cả cộng đồng, Sơn Mỹ đã có điện về từng hộ gia đình. Đó là một bước phát triển rất cơ bản cho vùng đất này. Nhưng nếu chỉ có điện mà đổi đời ngay thì e hơi khó. Còn cần nhiều điều kiện nữa cho một vùng đất phát triển. Những ngôi trường đã được dựng lên ở Sơn Mỹ từ ngân sách nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng xã hội. Có trường học, nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học ở Sơn Mỹ chưa giảm nhiều, vì nhiều hộ gia đình còn quá khó khăn để cho con em theo học tới hết bậc trung học phổ thông.

Sơn Mỹ rất cần được quy hoạch chi tiết, cần một lộ trình đặt định, những kế hoạch có tầm nhìn do nhà nước đầu tư để có thể phát triển một cách bền vững trong điều kiện vùng đất này không có nhiều ưu đãi từ thiên nhiên lẫn nguồn nhân lực.

Mỗi năm, chúng ta đều có những lễ tưởng niệm ngày 16.3 Sơn Mỹ. Đó là điều cần thiết. Nhưng có lẽ Sơn Mỹ còn cần hơn những “cú hích” từ nhà nước và sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng để có thể tự vươn lên thành một vùng đất có thể chưa giàu nhưng phải đủ ổn định về đời sống, với tỷ lệ hộ nghèo giảm tới mức tối đa, và mỗi gia đình đều có khả năng nuôi con cái ăn học ít nhất là hoàn thành bậc trung học.

Mục tiêu ấy không hề quá tầm với Sơn Mỹ. Tuy nhiên, nếu không có sự đầu tư và chăm lo với tinh thần trách nhiệm cao của nhà nước, cũng như thiếu vắng sự góp sức chung tay của cả cộng đồng Quảng Ngãi và Việt Nam, thì mục tiêu ấy thật khó để hoàn thành. Tốc độ phát triển của Sơn Mỹ trong vòng 15 năm qua vẫn còn khá chậm. Chúng ta sẽ nghĩ thế nào nếu sau 5 năm nữa, vào dịp kỷ niệm 50 năm Sơn Mỹ, vùng đất này vẫn chưa có những đột phá về kinh tế, và đời sống so với hiện nay?

Trên thế giới, có những ngôi làng, những địa danh từng bị thảm sát như Sơn Mỹ. Ở những nơi ấy, nhà nước sở tại đều biến những địa danh bị thảm sát trở thành những “bảo tàng sống”, những “chứng tích sống”. Họ huy động mọi gia đình có người thân bị thảm sát cũng như cư dân trong vùng đất ấy trở thành những nhân chứng sống phục vụ khách viếng thăm và du khách. Từ đó, người dân địa phương có một đời sống khá sung túc, thu nhập tốt hơn.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.