Nông dân chế tạo máy thu hoạch mía

16/03/2013 10:19 GMT+7

Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, ông Đoàn Quang Phong (64 tuổi) ở xã Quảng Sơn, H.Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã chế tạo thành công máy thu hoạch cây mía.

Vùng chuyên canh cây mía xã Quảng Sơn với diện tích gần 2.000 ha. Là người chuyên trồng mía, ông Phong đã chứng kiến nhiều cảnh “cười ra nước mắt” do không thuê được công chặt để mía khô cháy ở đồng hoặc thuê công chặt quá cao khiến người trồng mía bị thua lỗ. Ông Phong cho biết: “Thuê công chặt mía có nhiều điều bất lợi. Họ làm ăn theo sản phẩm, nên chặt không sát gốc và róc không sạch lá khô trên thân cây mía, bị đơn vị thu mua trừ tạp chất rất cao. Sau khi thu hoạch phải thuê nhân công làm thêm công đoạn đốn gốc lại một lần nữa”. Với gia đình ông Phong cũng vậy, canh tác gần 3 ha cây mía, nhưng chi phí thuê người thu hoạch lên đến 20 triệu đồng. Từ thực tế đó, ông Phong suy nghĩ tìm cách đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng mía ở địa phương. Sau khi tham khảo ý kiến gia đình và bạn bè thì không ai đồng tình với ý kiến của ông về chế tạo máy chặt mía do bản thân ông chưa từng học qua nghề cơ khí. Mặc dù không được sự ủng hộ của người thân nhưng ông vẫn kiên trì mày mò nghiên cứu, tìm hiểu trên internet và các phương tiện truyền thông về chế tạo máy cùng sự giúp sức của người con trai, hiện đang là sinh viên khoa cơ khí, chuyên ngành chế tạo máy, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, ông đã chế tạo thành công máy thu hoạch cây mía, với 3 công đoạn: đốn ngã, cắt ngọn và làm sạch thân cây mía.

Nông dân chế tạo máy thu hoạch mía
Máy thu hoạch mía của nông dân Đoàn Quang Phong

Mới nhìn chiếc máy cứ tưởng là loại máy cày hiệu KUBOTA 1500 thông dụng chuyên cày kéo ở vùng nông thôn, nhưng sau khi được “mục sở thị” thì mới biết đây là sản phẩm chính hiệu của nông dân Đoàn Quang Phong. Trải qua 10 lần thử nghiệm, ông Phong cho biết: “Chiếc máy thu hoạch cây mía cơ bản đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Ưu điểm khi thu hoạch bằng máy thì cây mía được cắt sát gốc, lá mía được cắt vụn nhỏ sẽ giúp người nông dân giảm bớt công đoạn cắt gốc và đốt lá mía chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo”. Theo ông Phong, năng suất thu hoạch của máy đạt 10 tấn mía/ giờ, khi đưa vào hoạt động sẽ giúp nông dân giảm rất nhiều chi phí về thu hoạch. 

Sau 5 năm mày mò chế tạo ra máy thu hoạch mía , hiện ông đang làm hồ sơ gửi các ngành liên quan công nhận bản quyền sáng chế và kêu gọi sự hợp tác các cơ sở nhà máy cơ khí để sản xuất đại trà phục vụ nông dân ở những vùng chuyên canh cây mía khắp mọi miền.

Bài và ảnh: Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.