Họ đã trở lại - Kỳ 4: Dạy tiếng Anh ở Sơn Mỹ

19/03/2013 09:00 GMT+7

(TNO) Có lẽ chưa có một vùng quê nào mà học sinh tiểu học và trung học cơ sở được chính người Mỹ trực tiếp dạy tiếng Anh như ở Sơn Mỹ. Họ là những giáo sư dạy đại học, cũng có khi là những người bạn nhỏ tuổi đến từ nửa bên kia trái đất.

>> Họ đã trở lại - Kỳ 1: “Anh Mai” của người nghèo
>> Họ đã trở lại - Kỳ 2: Gặp tác giả của bộ ảnh Mỹ Lai
>> Họ đã trở lại - Kỳ 3: Gập ghềnh đường trở lại

Bà giáo già và con rùa biển

Bà Marjorie E. Nelson cầm trên tay con rùa biển nhồi bông đi khắp lớp học. Bà hỏi cả lớp: “What’s this?”. Cả lớp đồng thanh: “Con rùa ạ”. Bà nói luôn bằng tiếng Việt lơ lớ: “Bà hỏi các cháu bằng tiếng Anh cơ mà? Các cháu phải trả lời bằng tiếng Anh chứ!”. Cả lớp cười ồ. Bà mời một em nhỏ nhất lớp đứng dậy, phát âm theo bà chữ “this”. Em đọc mãi mà chẳng ra chữ “this”, toàn “dit” thôi. Bà lại bắt em phải đưa lưỡi ra rồi… thụt lưỡi vào. “Phải như thế này này, thì mới đúng, các cháu à”.

Trẻ con ở Sơn Mỹ, nói tiếng Việt bằng giọng địa phương, người tỉnh khác còn nghe không “thủng”, huống gì nói tiếng Anh! “Yes, I am” thì đọc thành “Yes I ôm” (xe đạp đọc thành xe độp mà).

Bà Marjorie phải rất vất vả để sửa từng lỗi nhỏ như thế cho các em học sinh của hai trường tiểu học và trung học cơ sở ở Sơn Mỹ. Ấy thế mà chỉ trong nửa tháng, các em nhỏ này đã biết tránh những lỗi thông thường mà trẻ con vùng quê học tiếng Anh hay mắc phải. Các em tiếp thu nhanh nhờ vào cách dạy rất linh hoạt và sôi nổi của bà. Lớp học luôn sôi động với những chuyện tiếu lâm do bà kể. Những lúc “căng thẳng”, bà “giải lao” bằng một bài hát tiếng Anh vui nhộn. Em nào cũng thuộc và hiểu luôn nghĩa của ca từ.

Cô Nguyễn Thị Kim Thạch, giáo viên Anh văn của trường, nhận xét: “Học từ vựng qua bài hát là một phương pháp tốt. Cô Marjorie có quá nhiều kinh nghiệm trong việc này”.

Còn em Võ Ngọc Long, học sinh lớp 8/2 thì nói: “Học như vui chơi, vui chơi mà là học, cháu rất thích”.

Thấy các em tiến bộ, bà Marjorie rất vui, nhất là khi chia tay, các em còn lưu luyến “tặng” bà những câu tiếng Anh, phát âm rất chuẩn: “Good luck to you. See you again in Sơn Mỹ next year”. Bà Marjorie cùng với đồng nghiệp của mình - bà Margaret Roberts - đã lên đường trở về may mắn như lời chúc của lũ trẻ. Và, đúng hẹn, họ đã trở lại Sơn Mỹ vào tháng 3 năm sau với đám trẻ này, để tiếp tục dạy tiếng Anh cho chúng.

 
Bà Marjorie (thứ nhất từ trái sang) trò chuyện với học sinh Sơn Mỹ - Ảnh: Trần Đăng

“Mắc nợ” vì một lời hứa

Đã mấy năm rồi, cứ đến tháng 3, bà lại về Sơn Mỹ. Nếu không “mắc nợ” vì một lời hứa với lòng mình từ những năm chiến tranh, bà Marjorie E. Nelson khó lòng quay trở lại, nhất là khi bà đang ở tuổi 70 như hiện nay.

Bà kể: “Năm 1967, tôi là nhân viên của tổ chức từ thiện Madison Quakers, làm việc tại một bệnh viện ở thị xã Quảng Ngãi, trực tiếp cứu chữa nhiều bệnh nhân, trong đó có rất nhiều cháu nhỏ bị thương. Còn nhớ dịp Tết Mậu Thân 1968, tôi cùng một người bạn ra Huế chơi, không ngờ bị mắc kẹt ở đó cả tháng trời. Tôi bị mấy anh bộ đội “bắt” và dẫn lên rừng. Gần một tháng “ngủ hầm” ở Trường Sơn, đêm nào cũng hứng chịu những trận mưa bom kinh hoàng, tôi thấm thía thế nào là chiến tranh. Biết tôi làm việc trong một tổ chức từ thiện, họ đã bí mật đưa tôi trở lại thành phố Huế rồi về Quảng Ngãi. Ai cũng nghĩ tôi chết trong trận Mậu Thân ở Huế rồi.

Chỉ một tháng sau, ngày 16.3.1968 thì xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ. Những hình ảnh rùng rợn về cảnh giết hại trẻ em được đưa lên các phương tiện truyền thông lúc ấy, tôi thật sự bàng hoàng. Tôi muốn xuống Mỹ Lai nhưng thời ấy còn chiến tranh rất nguy hiểm đến tính mạng nên đành chịu. Năm 1969 thì tôi về nước Mỹ, tự hứa với lòng mình hễ khi nào có điều kiện là tôi quay trở lại”.

Thế rồi, công việc đã hút lấy người phụ nữ nhân hậu ấy. Trở về Mỹ, bà Marjorie đã học lấy bằng tiến sĩ, rồi phó giáo sư, giảng dạy ở Trường đại học Ohio, mãi đến lúc về hưu, bà mới có điều kiện thực hiện tâm nguyện của mình thời son trẻ là trở lại Sơn Mỹ. “Không biết vài ba năm nữa, liệu tôi có đủ sức khỏe để trở lại với lũ trẻ không nữa”, bà Marjorie lo lắng.

Bãi biển Sơn Mỹ tiết xuân ấm áp, nắng tràn mặt cát. Bà Marjorie đăm chiêu, nhìn về phía xa mờ, nơi có những rặng phi lao xanh nghịt. Bà như đang tận hưởng những phút giây thư thái hiếm hoi của mình. Tiếng lũ trẻ nô đùa trên bãi biển đã kéo bà về với thực tại: “Tháng 3 năm sau, bà lại về với các cháu nhé!”. Câu “dặn dò” của lũ trẻ làm vui lòng già. Vâng, nhất định bà sẽ quay trở lại, nếu như Chúa vẫn phù hộ cho bà còn mạnh khỏe.

Trẻ con với trẻ con

Trở lại Sơn Mỹ hôm nay không chỉ có những cựu binh như “ông Mike vĩ cầm”, đạo diễn Oliver Stone, nhà văn Tim O’Brien… mà có cả những em nhỏ người Mỹ nữa. Ông Phan Văn Đỗ, thành viên của tổ chức Madison Quakers tại Việt Nam, người quê xã Tịnh Hòa, cách Sơn Mỹ một bờ đê ngăn mặn, đã làm cầu nối mấy năm nay để đưa các bạn nhỏ tuổi này về Sơn Mỹ. Cứ mỗi dịp hè là bầy chim non 13-14 tuổi ấy ríu rít khắp làng quê Sơn Mỹ. Không chỉ có “đi chơi ở Sơn Mỹ”, các bạn nhỏ tuổi này còn làm rất nhiều việc như xây nhà, giúp những người nông dân gặt lúa và “dạy” tiếng Anh cho các bạn cùng lứa ở đây.


Học sinh người Mỹ xây nhà tình thương

Các em nhỏ này đến từ nhiều bang của nước Mỹ, xuất thân từ nhiều thành phần, có em là con của công nhân nhưng cũng có em là con của quan chức. Vừa đặt chân đến Sơn Mỹ, các em nhanh chóng nhập cuộc. Xã chọn một gia đình nghèo, tổ chức Madison Quakers tài trợ tiền, một ông “đốc công” người Việt cộng với một vài thợ hồ lành nghề trực tiếp  chỉ huy lũ trẻ. Chúng bưng bê kê dọn theo sự hướng dẫn của người chỉ huy. Nhiệt tình và tự giác, đó là điều dễ nhận ra khi chứng kiến các em lao động xây nhà cho người nghèo ở đây. Vã mồ hôi dưới cái nắng hè ở miền Trung nhưng tuyệt nhiên không thấy em nào tỏ ra “nản lòng” trước công việc được giao cả.

Đêm về, chúng lại đến các lớp học của những bạn cùng lứa ở Sơn Mỹ để “giao lưu”. Lúc đầu, ông Phan Văn Đỗ còn làm phiên dịch, được vài hôm, ông phó thác cho lũ trẻ “trò chuyện” với nhau. Vốn tiếng Anh của trẻ em Sơn Mỹ không quá một câu chào và hỏi tuổi của nhau, ấy thế mà bọn trẻ cả Việt lẫn Mỹ lại “hiểu ý nhau” trong từng trò chơi. Sự thân thiện đã thành ngôn ngữ chung để bọn trẻ hòa nhập với nhau.

Đúng một tháng “thâm nhập thực tế”, lũ trẻ lại phải bịn rịn chia tay. Tôi đã đọc được ở những cái bắt tay cùng những lời chúc còn ngọng nghịu cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh của các em hai từ “hàn gắn”.

Trần Đăng

>> Ngọn lửa Gạc Ma lan tỏa
>> Thăm gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở Thái Bình
>> Khúc tráng ca bất tử Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.