Họ đã trở lại - Kỳ 3: Gập ghềnh đường trở lại

18/03/2013 08:00 GMT+7

(TNO) Đường về Sơn Mỹ hôm nay đã được trải nhựa phẳng phiu nhưng “con đường” để trở lại làng quê này đối với các cựu binh Mỹ thì quá gập ghềnh.

>> Họ đã trở lại - Kỳ 1: “Anh Mai” của người nghèo
>> Họ đã trở lại - Kỳ 2: Gặp tác giả của bộ ảnh Mỹ Lai

Người duy nhất đã trở lại

Ngày 19.8.2009, tại Kiwanis Club, Columbus, Hoa Kỳ, sau 41 năm kín tiếng, cựu trung uý William Calley - một trong những người trực tiếp chỉ huy vụ thảm sát Sơn Mỹ, đã công khai xin lỗi đối với việc mà ông ta đã làm tại Mỹ Lai ngày 16.3.1968. Calley nói: “Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra ngày hôm đó tại Mỹ Lai”.

Vậy là, Calley có thể thoát khỏi án tù chung thân mà tòa án Mỹ đã tuyên nhưng ông ta không thể chạy trốn khỏi tòa án lương tâm của chính mình. Trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông lúc đó, Calley nói rằng nhất định ông sẽ trở lại Sơn Mỹ để nói một lời xin lỗi với dân làng và mong họ tha thứ. Tuy nhiên, con đường để Calley trở lại Sơn Mỹ như ông ta nói đã xa hun hút suốt mấy năm qua. Duy nhất có một người, từng là thuộc cấp của Calley thì đã trở lại Sơn Mỹ. Đó là Kenneth Schiel.

 
Kenneth Schiel và Phạm Thành Công (phải) tại Sơn Mỹ - Ảnh: Trần Đăng

Năm 2008, nhân kỷ niệm 40 năm xảy ra vụ thảm sát, hãng truyền hình Al Jazeera của Qatar có làm một phóng sự tài liệu dài 20 phút về vụ thảm sát. Kenneth Schiel đã trở lại Sơn Mỹ với tư cách là “người trong cuộc”. Nhiều hãng truyền hình nổi tiếng trên thế giới đã từng làm rất nhiều phim về vụ thảm sát Mỹ Lai, họ cũng đã gặp các “thủ ác” hiện vẫn còn sống tại Mỹ để phỏng vấn, song đây là lần đầu tiên, một cựu binh trực tiếp tham gia vụ giết người này đã đặt chân đến Sơn Mỹ, không phải bằng máy bay trực thăng như 40 năm trước mà bằng ô tô.

Ông Phạm Thành Công, Giám đốc Bảo tàng Sơn Mỹ kể: “Hãng truyền hình Al Jazeera của Qatar đã đến “đặt vấn đề” với chúng tôi rằng họ sẽ làm một bộ phim về vụ thảm sát, trong đó họ xin phép được ghi hình cảnh làng quê Sơn Mỹ hôm nay, được gặp các nạn nhân còn sống sót để phỏng vấn nhưng tuyệt nhiên họ không đề cập gì đến việc có một cựu binh trực tiếp tham gia. Mãi đến ngày thứ 3 thì Kenneth Schiel xuất hiện. Cho đến lúc đó, qua lời giới thiệu của đoàn làm phim, tôi mới biết nhân thân về con người này. Thì ra, suốt trong 2 ngày trước đó, ông ta đã lưu lại ngoài Đà Nẵng. Hỏi vì sao ông không cùng đi với đoàn? Kenneth Schiel nói rằng ông ta… sợ! Còn lý do vì sao “sợ” mà vẫn trở lại Sơn Mỹ để “đóng phim” thì đó là một câu chuyện “kín” giữa hãng truyền hình Al Jazeera với ông ấy”.

Trong suốt cuộc “trò chuyện” giữa ông Kenneth Schiel và Phạm Thành Công - cũng là một nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát, câu chuyện bi thương của 40 năm trước đã được nhắc lại nhiều lần nhưng ông Kenneth Schiel chỉ nói mãi một câu “tôi thành thật xin lỗi” rồi khóc. Kenneth Schiel đã đi lại trên những con đường làng từng đẫm máu do chính ông và những đồng đội thực hiện 40 năm trước đó. Ông ta đi trong im lặng, cái im lặng của một con người đã biết thấm thía trước nỗi đau của người khác do chính hành vi tàn độc mà mình gây ra.

Nhà văn và đạo diễn

Nếu như Kenneth Schiel trở lại Sơn Mỹ để “đóng phim” thì ông Tim O’Brien trở lại làng quê này để “nạp năng lượng” cho những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh mà ông với tư cách là một cựu binh từng tham chiến, ngay trên vùng đất Sơn Mỹ.

Năm 1993, Tim về Sơn Mỹ trong lặng lẽ. Thời ấy, hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao nên việc trở lại “chiến trường xưa” của một cựu binh như Tim là rất khó khăn. Ấy thế mà không biết bằng cách nào, Tim lại có mặt tại Quảng Ngãi rồi xuôi về Sơn Mỹ. Người mà Tim O’Brien tìm gặp đầu tiên khi đặt chân đến Quảng Ngãi là nhà thơ Thanh Thảo - tác giả tập trường ca nổi tiếng “Trẻ con ở Sơn Mỹ”. Hai nhà văn, từng một thời ở hai đầu chiến tuyến, giờ đã là “bạn văn” của nhau. Họ đã nhắc về chiến tranh như nhắc đến một kỷ niệm không vui trong đời mình.

Tim kể: “Đơn vị tôi đóng quân tại Chu Lai. Ba tháng trước khi xảy ra vụ thảm sát, chúng tôi có cuộc hành quân đến Sơn Mỹ. Trước khi đi, tôi cùng một người bạn đã chơi một sec bóng bàn. Và tôi đã thua. Nhưng khi đến Sơn Mỹ, bạn tôi đã chết vì vướng mìn, còn tôi thì bị thương. Anh ấy đã thắng tôi trong một sec bóng bàn nhưng không thể thắng được số phận. Một lá thư viết cho mẹ còn dở dang và một tấm ảnh chụp ở Chu Lai vẫn còn trong túi áo của bạn tôi. Đó là những dòng chữ cuối cùng và tấm ảnh cuối cùng của một đứa con mãi mãi không bao giờ trở lại quê nhà để được gặp mẹ mình. Chiến tranh là vậy”.

Tim O’Brien từng được trao giải thưởng Sách quốc gia Hoa Kỳ năm 1979 cho tác phẩm Going after Cacciato (Đi theo Cacciato). Hàng loạt tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của Tim từng tạo ra những cơn sốt trên văn đàn Mỹ như Giá tôi chết ở một vùng chiến sự, Những ngọn đèn phương bắc, đặc biệt là tác phẩm Những thứ mà họ mang. Với Tim, trở lại Sơn Mỹ như là một cuộc tìm về thời trai trẻ của mình. Đôi mắt cầu cứu của một người lính trẻ bạn ông trước khi chết đã không thôi bám đuổi Tim để ông có lí do trở lại. Hơn 500 đôi mắt của dân làng Sơn Mỹ bị sát hại cũng không thôi ám ảnh nhà văn, để ông trở lại.


Đạo diễn Oliver Stone hỏi chuyện bà Hà Thị Quý - nhân chứng sống sót trong
vụ thảm sát - Ảnh: Trần Đăng

Một đạo diễn lừng danh, từng là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam cũng đã trở lại Việt Nam và tìm về Sơn Mỹ - ông Oliver Stone. Hai giải Oscar danh giá cho những bộ phim về chiến tranh hình như vẫn còn chưa đủ đối với người đạo diễn tài năng này. Nếu như có một “sự thật” nào đó còn bị khuất lấp trong vụ thảm sát Mỹ Lai thì bộ phim Pinkville (Làng Hồng) sẽ tiếp tục “giải mã những bí ẩn” ấy. Ông Oliver Stone đã nói như vậy khi đặt chân đến Sơn Mỹ. Mặc dù chưa từng có mặt ở Sơn Mỹ trong những năm chiến tranh nhưng Oliver Stone đã “thuộc” từng ngọn núi, từng nhánh sông, cả cái tên chợ cũ của Sơn Mỹ ông cũng “nằm lòng”. Đó là kết quả của sự nghiền ngẫm trong nhiều năm với hơn hai vạn trang tài liệu về Sơn Mỹ của O.Stone.

Con đường trở lại Sơn Mỹ với các cựu binh này đã gập ghềnh trong từng bước đi của họ. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, sự có mặt của họ giữa vùng quê từng được xem như vùng đất chết này đã là một chỉ dấu để người dân Sơn Mỹ và cả “những người trở lại” có thể cảm nhận được cánh cửa đau thương của ngày hôm qua đã dần khép lại.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.