Họ đã trở lại - Kỳ 1: “Anh Mai” của người nghèo

16/03/2013 09:02 GMT+7

(TNO) Cách đây 45 năm, vào ngày 16.3.1968, tai họa đã ập xuống ngôi làng mang tên Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 500 người dân vô tội đã bị chết oan dưới họng súng và lưỡi lê của quân đội Mỹ.

(TNO) Cách đây 45 năm, vào ngày 16.3.1968, tai họa đã ập xuống ngôi làng mang tên Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 500 người dân vô tội đã bị chết oan dưới họng súng và lưỡi lê của quân đội Mỹ.

>> Sơn Mỹ sau 45 năm

Vết thương của quá khứ dần được khép lại kể từ khi mối bang giao giữa hai nước Việt-Mỹ được thiết lập. Người Mỹ đã bắt đầu trở lại Sơn Mỹ, trong số đó có cả những kẻ đã từng vấy máu tội ác tại ngôi làng này. Có người trở lại Sơn Mỹ chỉ để nói với người thân của các nạn nhân một lời xin lỗi nhưng cũng có những cựu binh muốn góp một chút gì đó để “vết thương Sơn Mỹ” không bao giờ tấy máu lần nữa.

Một trong những cựu binh Mỹ trở lại Sơn Mỹ sớm nhất là ông Roy Mike Boehm, dân Sơn Mỹ đã “Việt hóa” tên ông thành “anh Mai”. Bằng những việc làm cụ thể của mình, ông Mai đã góp phần làm lành lại vết thương quá khứ.

Nay và mai

Mỗi dịp gặp nhau, tôi hay trêu ông bằng một hỗn danh “Mai cô đơn”, ông trêu lại tôi bằng giọng Quảng Ngãi: “Mư-a (mai) không cô đơn đâu, mình có cả làng Sơn Mỹ đều là người anh em mà”. Đã ngoài 60 rồi mà Mai vẫn sống độc thân. Ông là người thuộc diện nghèo nhất nước Mỹ.

Không vợ con, không nhà cửa. Nơi ông tá túc hằng ngày là một căn phòng thuê, rộng 25 mét vuông. Ngày ngày, ông lái chiếc xe cà tàng đi khắp nơi để quyên góp tiền, ủng hộ người nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là dân Sơn Mỹ.

 
Ông Mai chơi vĩ cầm trong lễ tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ

 
Ông Mai thăm một hộ chăn nuôi tại Sơn Mỹ do mình hỗ trợ vốn

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3 là ông trở lại Sơn Mỹ. Ông nói tiếng Việt lõm bõm, nhưng rất khoái nói giọng Quảng, “bắt lỗi” tôi luôn về từ “trở lại” mà tôi hay dùng để nói về những chuyến đi của ông.

“Mình trở về chứ không phải trở lại. Trở lại là nói cách đây đã hai chục năm khi lần đầu tiên mình đến Sơn Mỹ. Dè dặt và ngỡ ngàng là cảm giác bao trùm khi lần đầu tiên mình chạm phải Sơn Mỹ, một Sơn Mỹ vẫn còn nguyên nỗi đau nhưng màu xanh đã bắt đầu trở lại với làng quê này”. Mai nói ông thích dùng chữ “hôm nay” và “ngày mai” chứ không muốn nhắc đến hai chữ “hôm qua” nữa. Với ông, hai tiếng “hôm qua” đã là quá khứ, ông không muốn gợi lại, dù trong những năm tham chiến tại Việt Nam, Mai chưa từng đặt chân đến Sơn Mỹ. Ông là lính thuộc sư đoàn 25 pháo binh đóng ở Củ Chi ngay trong những ngày Mậu Thân 68 khói lửa mù trời. Vì vậy, cuộc thảm sát Sơn Mỹ năm đó, Mai cũng chỉ biết qua sách báo nhưng Sơn Mỹ lại là nơi ông nhủ lòng phải đến đó khi trở lại Việt Nam.

Suốt 20 năm qua, ông Mai đã thực hiện lời cam kết với lòng mình là làm tất cả những gì có thể nhằm góp một chút công sức nhỏ nhoi để Sơn Mỹ được hồi sinh. Trong mỗi bước đi của làng Sơn Mỹ hôm nay và có thể cả ngày mai nữa, Roy Mike Boehm vẫn luôn có mặt. Ông nói “trở về” là vậy, vì Mai đã thành “công dân không hộ khẩu” thứ 12.000 của Sơn Mỹ từ hơn chục năm nay rồi.

Mai và tiếng vĩ cầm

Năm 1998, nhân kỷ niệm 30 năm thảm sát Sơn Mỹ, Hãng truyền hình CBS của Hoa Kỳ có làm một bộ phim tài liệu khá dài về những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Ông Mai trở lại Sơn Mỹ đúng vào dịp này và tình cờ làm quen với đạo diễn Trần Văn Thủy.

“Một buổi tối ở Hà Nội, ông có Thủy hỏi tôi: “Anh biết chơi đàn không?”. Tôi lấy trong túi ra cây đàn violon và “kéo” một đoạn. Ông Thủy vỗ vai tôi và nói: “Cảm ơn anh. Tôi đã tìm được điều mình cần”. Tôi không hiểu lắm về câu nói chưa rõ ý của ông Thủy hôm ấy. Sau này, khi đã là “nhân vật chính” của bộ phim “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” thì tôi mới vỡ ra rằng, tiếng vĩ cầm mà tôi dạo một đoạn trong ca khúc “Ashocan farwell” (Vĩnh biệt Ashocan) đã thành cái “tứ” cho một bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy”. Ông Mai nhắc lại lí do vì sao ông trở thành “diễn viên bất đắc dĩ” cho bộ phim đã từng đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Thái Lan năm 1999 như thế.

Tôi hỏi ông Mai: “Vĩnh biệt Ashocan” thì liên quan gì đến Sơn Mỹ? Ông nhún vai: “Bạn chưa tiếp xúc trọn vẹn với ca khúc ấy nên chưa hiểu được sợi dây kết nối giữa bài hát kia với người Sơn Mỹ đâu. "Ashocan farwell" là nỗi lòng của những người phụ nữ Mỹ mỏi mòn chờ chồng trong cuộc nội chiến của nước Mỹ từ hơn 200 năm trước. Chiến tranh bao giờ cũng mang lại cho con người sự sợ hãi trong chờ đợi mỏi mòn. Bản chất của mỗi cuộc chiến có thể khác nhau nhưng nỗi đau thì như nhau”.

Mai không phải là một nghệ sĩ vĩ cầm nhưng mỗi lần “Ashocan farwell” được cất lên qua tiếng đàn của ông, cả một không gian diệu vợi như được hiện lên. Ở đó có những ánh mắt đợi mong của người phụ nữ chờ chồng từ trận mạc. Ở đó có những lời ai oán của trẻ thơ côi cút và có cả những phẫn uất trước đạn bom. Suốt mười mấy năm rồi, đúng ngày 16.3, dưới chân tượng đài Sơn Mỹ, tiếng vĩ cầm của Mai lại cất lên.

Mai, hội viên Hội Phụ nữ

Ông Mai là hội viên duy nhất của Hội Phụ nữ VN tỉnh Quảng Ngãi mà lại là… đàn ông. Những đóng góp của Mai cho chị em phụ nữ nghèo của làng Sơn Mỹ và cho nhiều vùng quê khác của tỉnh Quảng Ngãi khiến ông nhận được tấm thẻ hội viên danh dự ấy. Bắt đầu từ năm 1998, mỗi dịp kỷ niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ, ông lại khoác trên vai cây đàn vĩ cầm để về Sơn Mỹ. Không chỉ có cây đàn, Mai còn mang theo một số tiền được ông quyên góp từ những cựu binh Mỹ. Những người phụ nữ nghèo ở làng quê này là đối tượng đầu tiên mà Mai nhắm đến. Đã có hàng tỉ đồng như thế được Mai quyên góp để giúp chị em làm vốn sản xuất, giúp xây trường học, công trình nước sạch và nhà tình thương.

Theo cách xoay vòng đồng vốn, những chị được vay tiền, họ mua gia súc để phát triển chăn nuôi hoặc buôn bán nhỏ, đến hẹn, số tiền ấy được giao lại cho một chị khác. Khi những chị phụ nữ nghèo ở Sơn Mỹ đã được vay giáp vòng, Mai lại chuyển đồng vốn ấy cho số chị em phụ nữ nghèo khác trong tỉnh Quảng Ngãi.

Khác với những đồng vốn tài trợ của các tổ chức từ thiện ở nước ngoài, thường thì họ giao cho hội phụ nữ các xã toàn quyền điều phối, ông Mai không làm thế. Cũng thông qua hội phụ nữ, nhưng mỗi dịp trở lại Quảng Ngãi, ông xuống tận nơi, sờ tận tay những con bò, con heo được chị em mua từ đồng tiền mà ông quyên góp được.

Rất nhiều phụ nữ đã vượt qua khó nghèo từ đồng vốn của Mai. Ông đã thành người bạn luôn đồng hành với họ trong mỗi câu chuyện buồn vui khi nói đến hai tiếng “thoát nghèo”.

Trần Đăng

>> Ngọn lửa Gạc Ma lan tỏa
>> Thăm gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở Thái Bình
>> Khúc tráng ca bất tử Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Hơn 100 người “bị thảm sát” ở Syria
>> Người Mỹ gốc Việt trúng 1 triệu USD
>> Mỹ bắt nữ sinh đe dọa thảm sát trường học
>> Mỹ bắt kẻ dọa thảm sát trường học
>> Những người Mỹ trở lại
>> Tự nhiên như người Mỹ
>> Tỉ phú người Mỹ gốc Việt Trần Ðình Trường qua đời ở New York

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.