Xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong giáo dục

16/03/2013 03:15 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong giáo dục
Tổ chức dạy thêm không đảm bảo quy định sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng -  Ảnh: Ngọc Thắng

Trong đó có nhiều quy định mới với chế tài nghiêm khắc. Phóng viên Báo Thanh Niên vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

Mức phạt tối đa 100 triệu đồng

Thưa ông, dự thảo nghị định lần này có gì mới so với các quy định trước đây?

Dự thảo nghị định lần này kế thừa các nội dung của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11.4.2005 và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 8.6.2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định cũng cụ thể hóa một số nội dung của luật xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở tổng kết thực tiễn vừa qua. Có thể khái quát về những điểm mới cơ bản của nghị định bao gồm: Bổ sung một số hành vi vi phạm về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, dạy thêm, thu chi tài chính trái quy định, vi phạm về liên thông, liên kết đào tạo…; cụ thể hóa các hành vi vi phạm về tuyển sinh, điều kiện bảo đảm chất lượng; cân đối mức phạt đối với các hành vi có phân biệt vi phạm của cá nhân và tổ chức; bổ sung một số hình thức khắc phục hậu quả như: buộc chuyển người học tuyển sinh trái phép sang cơ sở có điều kiện, buộc bổ sung các điều kiện bảo đảm chất lượng, khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh do tuyển vượt quy định, buộc dỡ bỏ thông báo sai và cải chính thông tin sai…

Ông có thể cho biết cụ thể những hành vi nào sẽ bị phạt nặng trong giáo dục?

Theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa với tổ chức là 100 triệu đồng, với cá nhân là 50 triệu đồng. Trong dự thảo có một số hành vi dự kiến mức phạt tối đa như: thành lập trường ĐH trái quy định, tuyển sinh sai đối tượng với số lượng lớn, tổ chức đào tạo ĐH có yếu tố nước ngoài trái quy định, cấp văn bằng, chứng chỉ không đúng thẩm quyền…

Nghị định lần này đã bổ sung những quy định để đảm bảo quyền lợi của người học, chẳng hạn như việc đảm bảo sĩ số học sinh, sinh viên trong một lớp học. Nhưng một số thành phố hiện luôn quá tải về sĩ số vậy việc xử phạt có khả thi không?

Thực tế cho thấy việc bố trí số lượng người học trong một lớp quá lớn làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Hiện nay, quy mô dân số đang đi vào ổn định nên có cơ sở để tổ chức lớp học vừa phải để bảo đảm chất lượng. Vì vậy, Dự thảo quy định hình thức cảnh cáo, phạt tiền đối với hành vi bố trí lớp quá đông theo tỷ lệ số vượt trong đó trên 15% có thể bị phạt tiền. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang cân nhắc quy định này và cần có ý kiến đóng góp của xã hội để bảo đảm tính khả thi nhất là đối với các trường ở thành phố, thị xã.

Cắt giảm chương trình, ép học sinh học thêm cũng bị phạt

Việc dạy thêm, học thêm tràn lan đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, nghị định lần này có quy định như thế nào đối với việc này, thưa ông?

Dự thảo nghị định đã có quy định mới về việc xử phạt các hành vi liên quan đến dạy thêm học thêm như cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm, tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định… ngoài ra, đơn vị vi phạm sẽ phải khắc phục hậu quả với các biện pháp như: buộc chấm dứt hoạt động giáo dục trái phép, trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức hoàn trả và thu hồi văn bằng, chứng chỉ đã cấp trái phép; thu hồi giấy phép; buộc khôi phục quyền lợi học tập của người học; buộc giải thể các đơn vị thành lập trái phép…

Thời gian qua, tình trạng liên thông, liên kết diễn ra tràn lan nhưng chưa đơn vị nào bị xử phạt hành chính. Vậy vi phạm này có được quy định trong dự thảo?

Dự thảo đã quy định nhiều khung hình phạt liên quan đến việc liên thông liên kết trái phép. Đặc biệt nghị định đã quy định tách bạch 2 hình thức liên kết trong nước và nước ngoài để có thể xử lý được các vi phạm trong liên kết đào tạo với nước ngoài mà trước đây bị vướng. Bên cạnh đó, các đơn vị này còn bị phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn một năm hoặc đình chỉ hoạt động giáo dục nếu vi phạm lần đầu và không thời hạn nếu tái phạm; Buộc chấm dứt hoạt động đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam; Buộc trả lại các khoản tiền đã thu của người học và chịu mọi chi phí cho việc trả lại…

Chửi mắng học sinh có thể bị phạt 5 triệu đồng

Bộ sẽ phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm; từ 5 - 10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định; từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền dạy thêm học thêm không đúng quy định, từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng; từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi cấp giấy phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học; Phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục.

Vi phạm trong việc thành lập cơ sở giáo dục phạt từ 5 -100 triệu đồng, tùy cấp học; phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo, cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân sai thẩm quyền; phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục khi thông báo tuyển sinh không rõ ràng đầy đủ thông tin theo quy định. Hành vi khai man hoặc tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển phạt tiền từ 2 - 10 triệu đồng.

Đối với đào tạo liên thông, liên kết trong nước sẽ phạt tiền từ 20- 60 triệu đồng đối với hành vi vi phạm các quy định về đào tạo liên thông.  Đối với các vi phạm quy định về hoạt động đào tạo và cấp phát văn bằng chứng chỉ có yếu tố nước ngoài mức phạt lên đến 100 triệu đồng.

Vũ Thơ (Thực hiện)

>> Cấp phép để quản lý dạy thêm
>> Dạy thêm, học thêm chỉ là phần ngọn
>> Đề nghị kỷ luật cô giáo "dạy thêm trong phòng trọ
>> Nói rõ về quy định dạy thêm, học thêm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.