Khó tuyển dụng lao động chuyên môn bậc cao

16/03/2013 03:55 GMT+7

Xung quanh vấn đề thị trường lao động 2013, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hải Vân (ảnh), Phó cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐ-TB-XH.

Năm 2012 được coi là một năm khá ảm đạm đối với nhiều doanh nghiệp (DN). Thị trường lao động năm 2013 sẽ diễn biến như thế nào, thưa bà? 

 Khó tuyển dụng lao động chuyên môn bậc cao 1

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2013 sẽ vẫn là một năm khá vất vả đối với nhiều DN, nhất là các DN sử dụng nhiều lao động như xây dựng, dệt may và sản xuất nói chung. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của chúng tôi, nhiều DN vẫn đang rất cần những lao động được đào tạo và có trình độ cao. Vì vậy chúng tôi hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, người lao động vẫn có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà tuyển dụng và nhiều vị trí làm việc đang đón chờ cho những lao động được đào tạo và có trình độ kỹ thuật.

Cụ thể, theo bà ngành nghề nào sẽ thu hút nhiều lao động trong năm nay?

Khó tuyển dụng lao động chuyên môn bậc cao
Rất khó tuyển dụng nhân lực cấp cao ngành khai thác mỏ, luyện kim và các ngành liên quan, kỹ sư hóa học, kỹ sư về công nghiệp chế biến, chế tạo… - Ảnh: Ngọc Thắng

Kết quả dự báo thị trường lao động năm 2013 cho thấy có sự thay đổi trong nhu cầu tuyển dụng lao động theo nghề so với năm trước. Những ngành có nhu cầu tuyển nhiều lao động trong năm 2013 gồm: ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; ngành bán buôn và bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; ngành sản xuất chế biến thực phẩm; ngành hoạt động dịch vụ thông tin; ngành xây dựng nhà các loại; ngành dệt... Đặc biệt, những nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2013 là nghề thợ xây, thợ mộc, thợ nề; nhóm nghề khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải; nhóm nghề vận hành máy sản xuất nguyên liệu dệt, vận hành máy may, vận hành máy đóng giày, dép; nghề nhuộm, cắt may; nghề bán hàng, nhân viên thu tiền và bán vé; nghề lắp ráp máy cơ khí, thiết bị điện và điện tử,…; kỹ thuật viên khoa học vật lý và kỹ thuật bậc trung như kỹ thuật viên điện, kỹ thuật viên kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật viên kỹ thuật cơ khí,…; nhà chuyên môn bậc cao về kỹ thuật (trừ kỹ thuật điện) như kỹ sư kỹ thuật xây dựng, kỹ sư cơ học cơ khí, kỹ sư công nghiệp chế biến, chế tạo,…; nhóm lao động có kỹ năng thị trường trong lâm nghiệp, thủy sản.

Tuy nhiên, một số nhóm nghề gặp khó khăn trong tuyển dụng vì cung không đủ cầu. Đây chủ yếu là những ngành chuyên môn bậc cao như: kỹ sư khai thác mỏ, luyện kim và các ngành liên quan, kỹ sư hóa học, kỹ sư về công nghiệp chế biến, chế tạo; bậc trung gồm: kỹ thuật viên khoa học hóa học và vật lý, kiểm soát viên quy trình sản xuất kim loại, kỹ thuật viên thú y và phụ tá… Do đó trong thời gian tới cần tăng cường công tác đào tạo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có sự mâu thuẫn giữa những nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng lại gặp khó khăn trong tuyển dụng như: thợ vận hành máy móc, thiết bị, thợ may và các thợ có liên quan; lao động có kỹ năng thị trường trong lâm nghiệp, thủy sản và săn bắn. Vì thế ngoài tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu giữa người lao động và doanh nghiệp.

Theo bà người lao động cần trang bị những gì để đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng?

Người lao động cần được trang bị kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Do vậy, công tác đào tạo luôn phải đổi mới nội dung, chương trình. Bên cạnh những kiến thức về chuyên môn, người lao động phải được trang bị những kỹ năng làm việc cơ bản, như: làm việc nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng trang thiết bị công nghệ thông tin… Ngoài ra, không thể không nói đến việc trang bị cho người lao động những kiến thức, hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là những quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực chuyên môn mà người lao động đang hoặc sẽ làm việc.

Giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Bộ LĐ-TB-XH đã và đang gấp rút hoàn thiện từng bước hệ thống thông tin thị trường lao động theo các chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Đặc biệt là hỗ trợ phát triển đồng bộ 130 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, hình thành 26 trường chất lượng cao (trong đó 5 trường đạt đẳng cấp quốc tế) góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015. Nâng cao năng lực hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm để trở thành điểm nhấn trong kết nối cung cầu giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Từ đó sẽ nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm lên khoảng 30%. Đặc biệt, sàn giao dịch việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm sẽ được tổ chức thường xuyên để người lao động, người sử dụng có nhiều cơ hội gặp và trao đổi thông tin, tuyển dụng và tìm kiếm việc làm. Thông tin thị trường lao động cũng cập nhật thường xuyên hơn, tập trung phân tích nhu cầu tuyển dụng, ngành nghề cần đáp ứng trong ngắn hạn cũng như dài hạn… để các cơ sở đào tạo có định hướng phát triển, học sinh - sinh viên lựa chọn ngành nghề phù hợp, người lao động nâng cao tay nghề kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Hải Bình

>> Thị trường lao động cuối năm
>> Chấn chỉnh để giữ thị trường lao động Malaysia
>> Khó hòa nhập thị trường lao động sau khi đi xuất khẩu về
>> Thị trường lao động cần tay nghề cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.