Thắng cảnh núi Nhạn

15/03/2013 03:25 GMT+7

Du khách ra bắc vào nam, khi ngang qua Tuy Hòa (Phú Yên), sẽ thấy được cụm di tích núi Nhạn sừng sững bên cầu Đà Rằng.

Theo một số tài liệu, núi Nhạn cao 64 m so với mặt nước biển, đường chu vi quanh núi khoảng trên 1 km. Có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng nhiều người thường tưởng tượng khi nhìn từ xa, núi có thế như hình con chim nhạn đang sải cánh bay nên gọi là núi Nhạn. Từ lâu, quần thể di tích, sinh vật trên núi Nhạn được chăm sóc, tôn tạo và bảo tồn nghiêm ngặt. Du khách đến tham quan núi Nhạn sẽ cảm nhận được quang cảnh tuyệt đẹp, mát mẻ, hữu tình thân thiện từ con đường quanh co sạch sẽ thoáng mát dẫn lên núi, đến quần thể sinh vật cảnh và những di tích trên núi.

 Tháp Nhạn rộn ràng trong đêm Nguyên tiêu
Tháp Nhạn rộn ràng trong đêm Nguyên tiêu - Ảnh: Đào Tấn Trực

Ngoài phong cảnh, khí hậu tuyệt vời, lên núi Nhạn, bạn sẽ được thăm ngôi tháp Nhạn cổ kính nằm trong quần thể di tích tháp Chăm ở Trung bộ. Tháp Nhạn nằm trên đỉnh núi Nhạn, được người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ 12. Nhìn tổng thể, tháp Nhạn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa.

Bên cạnh tháp Nhạn còn có một công trình kiến trúc độc đáo nữa, đó là đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm nằm bên con đường lên đỉnh núi, được khánh thành vào ngày 1.4.2007. Đây là một công trình văn hóa được chính quyền nhân dân Phú Yên đầu tư xây dựng công phu. Công trình gồm bảo tàng trưng bày ở bên dưới, phần trên có những mái thanh dọc màu trắng nhìn từ xa vừa như con sóng tung bọt, vừa như những cánh buồm no gió vươn ra khơi xa và cũng giống như những cánh chim nhạn tung bay.

Ngày nay, cụm thắng cảnh núi Nhạn sông Đà Rằng trở thành biểu tượng của Phú Yên và tháp Nhạn đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Du khách đến tham quan, đứng trên đỉnh núi có thể dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh TP.Tuy Hòa với biển xanh, đồng lúa bạt ngàn, sông Đà Rằng soi bóng và xa xa là núi Chóp Chài hùng vĩ cao ngút, hay ngọn Đá Bia.

Hàng năm vào dịp lễ, tết, trên núi Nhạn có tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, bên ngôi tháp Nhạn thường diễn ra đêm thơ Nguyên tiêu vào rằm tháng giêng hằng năm. Tính đến nay, đêm thơ Nguyên tiêu bên chân tháp Nhạn đã  trải qua 32 mùa, là tiền đề để hình thành nên ngày thơ Việt Nam. Cứ mỗi mùa xuân về, văn nhân thi sĩ, du khách và người yêu thơ khắp nơi lại dập dìu lên núi Nhạn ngắm trăng thưởng ngoạn cảnh đẹp và trải lòng mình với thơ. 

Đào Tấn Trực

>> Nguy cơ từ sạt lở núi Nhạn
>> Đêm thơ ở núi Nhạn và Ghềnh Ráng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.