Tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng

14/03/2013 09:50 GMT+7

(TNO) Kết quả khảo sát từ 8.053 doanh nghiệp (DN) trong nước cho thấy, tuy tham nhũng vặt đã giảm bớt song tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm.

>> Việt Nam tụt 10 bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu
>> Việt Nam xếp hạng 80 về năng lực cạnh tranh
>> Lào Cai "soán" ngôi đầu của Đà Nẵng về năng lực cạnh tranh
>> Chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
>> Năng lực cạnh tranh của TP.HCM đang giảm

Sáng nay 14.3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 tại Hà Nội. 2012 là năm thứ 8 đơn vị này chủ trì tiến hành khảo sát chỉ số PCI.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu VCCI, bảng xếp hạng năm nay có không ít bất ngờ. Sau vị trí số 1 Đồng Tháp, An Giang là tỉnh tiến lên thứ hạng 2, trước cả tỉnh xếp hạng thứ 1 năm ngoái là Lào Cai. Long An và Bắc Ninh tiếp tục là những tỉnh nằm trong nhóm có chất lượng điều hành tốt nhất trên cả nước.

Đáng chú ý, Bình Định và Vĩnh Long, mặc dù tụt hạng trong năm 2011, nhưng năm nay đã lấy lại được phong độ của những năm trước đó, trong khi điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu như Bình Dương và Đà Nẵng lại giảm rõ rệt.

Đứng cuối bảng xếp hạng là Điện Biên với 45,12 điểm, tiếp đến là Tuyên Quang với 47,81 điểm, Cao Bằng với 50,55 điểm, Bắc Kạn 51 điểm, Kon Tum 51,39 điểm…

Doanh nghiệp tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn

Điểm số PCI năm 2012 đã giảm mạnh so với năm 2011, từ 59,15 điểm xuống còn 56,2 điểm và là điểm số thấp nhất kể từ khi quy chuẩn lại điểm số năm 2009. Không có một địa phương nào đạt đến ngưỡng 65 điểm, là mức điểm dành cho tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thì “hiện tượng này lần đầu tiên xảy ra trong điều tra PCI”.

Kết quả khảo sát từ 8.053 doanh nghiệp (DN) trong nước cũng cho thấy, tuy tham nhũng vặt đã giảm bớt song tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm. Có tới 42% DN đã trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để đảm bảo giành được hợp đồng với cơ quan nhà nước, tăng mạnh so với năm 2011.

Tỷ lệ DN tham gia hối lộ trong mua sắm công cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ tăng trưởng, mối quan hệ của DN, ngành nghề và mức độ tập trung của ngành. Đáng chú ý là DN tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những DN thực hiện hoạt động này có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn.

Cũng theo nhóm khảo sát, tỷ lệ tham nhũng có xu hướng gia tăng khi chủ DN có mối quan hệ với cán bộ chính quyền. Tuy nhiên, mối quan hệ này cho thấy DN lâu năm có khả năng xây dựng, phát triển mối quan hệ để chiếm ưu thế hơn so với khối tư nhân.

Báo cáo PCI năm thứ 8 phản ánh cảm nhận của 8.053 DN dân doanh Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết quả khảo sát dựa trên 9 chỉ số thành phần, gồm Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và ổn định sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; Chi phí không chính thức; Dịch vụ hỗ trợ DN; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; và Tính năng động và Tiên phong.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.