“Giữ lại Điều 4 là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân”

13/03/2013 10:15 GMT+7

(TNO) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định như vậy khi trình bày Báo cáo một số vấn đề cần tập trung thảo luận về Dự thảo tại Hội nghị các đại biểu quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp sáng nay, 13.3.

(TNO) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Phan Trung Lý đã khẳng định như vậy khi trình bày Báo cáo một số vấn đề cần tập trung thảo luận về Dự thảo tại Hội nghị các đại biểu quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp sáng nay, 13.3.

>> Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết góp ý Điều 4 Hiến pháp sửa đổi
>> Cân nhắc kiến nghị không hiến định thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế - xã hội
>> Không nên hiến định thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội
>> Cần hiến định quyền giám sát, phản biện của dân
>> Nên hiến định quyền phúc quyết của dân trong lập hiến

Báo cáo cho hay về cơ bản, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi đến đều tán thành với nội dung Chương 1 về Chế độ chính trị. Có ý kiến đề nghị Điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức của Đảng và các đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng.

Ý kiến khác đề nghị bỏ nội dung Điều này để tạo lập sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các chính đảng.

Tuy nhiên, theo ông Lý, Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dự thảo) nhận thấy “Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế thừa và giữ những nội dung quy định tại Điều 4 Hiến pháp hiện hành, việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 cũng như bổ sung một số nội dung mới về việc “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng, được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta”.

Hơn nữa, quy định này “là phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới”, ông Lý giải thích.

Về chế độ sở hữu đất đai, có ý kiến đề nghị nên quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai.

Ban biên tập Dự thảo cho rằng, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp 1980 đến nay là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. “Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia; đồng thời hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam”, ông Lý nêu quan điểm của Ban biên tập Dự thảo.

Cho biết điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi Hiến pháp này là việc hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, đại diện Ban biên tập Dự thảo nhấn mạnh “Điều này vừa thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của nhà nước Việt Nam XHCN đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai”.

Cũng theo Ban biên tập, góp ý về cơ chế thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng nếu quy định trong Hiến pháp việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục tiêu KTXH thì rất dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền; mâu thuẫn với việc bảo hộ quyền tài sản của người dân về đất đai. “Đây cũng là một ý kiến cần được tiếp tục nghiên cứu để có phương án hợp lý trình Quốc hội xem xét quyết định”, ông Lý cho biết quan điểm của Ban biên tập Dự thảo.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.