Đối phó với dịch cúm gia cầm

12/03/2013 10:51 GMT+7

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, ngành chức năng tỉnh Tây Ninh đang vào cuộc quyết liệt để khống chế dịch bệnh.

Đối phó với dịch cúm gia cầm
Khi có dấu hiệu bất thường trên đàn gia cầm người dân phải báo ngay cho ngành thú y, không được giấu dịch - Ảnh: Giang Phương

Đối phó với dịch cúm gia cầm
Vịt thả đồng ở những vùng giáp biên giới gây khó khăn trong quản lí giám sát đàn gia cầm của ngành thú y - Ảnh: Giang Phương

Vùng dịch giáp biên giới

Theo thống kê, tổng đàn gia cầm trên toàn tỉnh Tây Ninh là 3.062.202 con (gà 2.431.189, vịt 363.739 và cút 254.900 con), trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ là 855.432. Đến thời điểm hiện tại, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên 4 xã trên địa bàn tỉnh gồm Tiên Thuận, Lợi Thuận và Long Giang (H.Bến Cầu) và xã Bình Minh (TX.Tây Ninh). Đến nay, tổng số gia cầm bị tiêu hủy và chết gần 5.000 con.

 

Bộ NN-PTNT vừa có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước khẩn trương thực hiện việc cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới với Campuchia. Đặc biệt nghiêm cấm việc di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang lãnh thổ Việt Nam để nuôi, chăn thả trên các cánh đồng và ngược lại.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Văn Đạo, Trưởng phòng NN-PTNT kiêm Trưởng ban Phòng chống dịch cúm gia cầm H.Bến Cầu cho biết: “Khó khăn lớn nhất do H.Bến Cầu có đường tiếp giáp tuyến biên giới (giáp Campuchia) khá dài (36km) nên việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm qua đường biên giới khó khăn hơn. Thêm vào đó, những điểm chăn nuôi của người dân nằm sâu ở những cánh đồng trống cũng gây khó khăn cho lực lượng thú y”.

Còn ông Nguyễn Văn Mấy- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết: “Việc quản lý giám sát đàn gia cầm đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vịt thả đồng (điều kiện chăn nuôi không cố định, người nuôi liên tục thay đổi địa điểm chăn thả). Thêm vào đó, công tác tuyên truyền vận động chưa thường xuyên khiến một số hộ nuôi quy mô trên 1.000 con không được tiêm phòng cúm gia cầm. Ngoài ra, cơ sở vật chất và nhân lực ngành thú y còn thiếu thốn, kinh phí chống dịch còn hạn chế , chưa kịp thời...”.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, Chi cục Thú y Tây Ninh đã chỉ đạo các trạm kiểm dịch cửa khẩu như Xa Mát, Phước Tân và các trạm thú y các huyện biên giới tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời gia cầm nhập lậu trái phép từ Campuchia và Tây Ninh. Cấm nhập khẩu gia cầm (bao gồm chim cảnh), sản phẩm gia cầm tươi sống và lông vũ chưa qua xử lí nhiệt hoặc quá chất. Tịch thu và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm với chủ hàng. Chi cục Thú y cũng khuyến cáo người dân tự giác tham gia vào công tác phòng chống dịch, không giấu dịch, đặc biệt do virus cúm gia cầm có thể lây lan sang người vì vậy khi tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh người dân cần phải có trang bị bảo hộ.

Kiến nghị hỗ trợ cho người chăn nuôi

Tiếp xúc với PV Báo Thanh Niên tại vùng phát dịch xã Lợi Thuận (đã tiêu hủy và chết 1.500 con/xã), ông Mai Văn Thuận-Phó chủ tịch UBND xã Lợi Thuận (H.Bến Cầu) nói: “Chúng tôi xin kiến nghị các ngành chức năng nhanh chóng có chính sách để người dân được hỗ trợ lại một phần để cải thiện cuộc sống”. Theo ông Thuận, hiện nay, đàn gia cầm bị bệnh buộc phải tiêu hủy trên địa bàn xã mà chưa có chủ trương hỗ trợ đền bù nên nhiều người dân lao đao. Phần lớn gia cầm của những hộ dân là tài sản của gia đình khiến một vài hộ cố ý giấu dịch

Ông Trần Công Văn, Trưởng ban thú y xã Lợi Thuận nói thêm: “Trong đợt tiêu hủy 500 con vịt (ngày 1.3) của hộ bà Trần Thị Phí chúng tôi cũng rất buồn khi thấy bà bật khóc nhìn đàn vịt sắp xuất chuồng bị tiêu hủy. Những hộ khác cũng khó khăn tương tự"

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.