Mỗi người dân gánh 800,7 USD nợ công

12/03/2013 03:40 GMT+7

Từ mức 762,2 USD/người vào ngày 28.9.2012 - vào chiều hôm qua 11.3 - tạp chí The Economist (Anh) đã công bố nợ công tính trên đầu người VN tăng thêm 38,5 USD, lên 800,7 USD/người.

Từ mức 762,2 USD/người vào ngày 28.9.2012 - vào chiều hôm qua 11.3 - tạp chí The Economist (Anh) đã công bố nợ công tính trên đầu người VN tăng thêm 38,5 USD, lên 800,7 USD/người.

Nợ công tăng

800,7 USD/người là con số nợ công mà mỗi người VN phải gánh cao nhất từ trước đến nay. Đồng hồ nợ công của tạp chí kinh tế nổi tiếng thế giới này cũng cho biết tổng nợ công của VN đạt mức 71,749 tỉ USD, chiếm 49,4% GDP, tăng 12,7% so với năm ngoái. Các nhà phân tích của tạp chí này sử dụng tổng dân số VN để tính nợ trên đầu người là 89,660 triệu. The Economist dự báo năm 2013, nợ công của VN tăng lên 79,827 tỉ USD, bình quân nợ trên đầu người sẽ là 883,8 USD.

Mỗi người dân gánh 800,7 USD nợ công
 Cần kiểm soát đầu tư công trong đó có các tập đoàn nhà nước để giảm nợ công - Ảnh: D.Đ.M

 
The Economist dự báo năm 2013, nợ công của VN tăng lên 79,827 tỉ USD, bình quân nợ trên đầu người sẽ là 883,8 USD

Tuy nhiên, theo tạp chí này, so với nhiều quốc gia khác, nợ công VN vẫn nằm ở ngưỡng an toàn khi được thể hiện dưới gam màu vàng nhạt. Các quốc gia bị đánh giá rủi ro cao được tô màu đỏ trên bản đồ. Cũng theo đồng hồ này, nợ công của Trung Quốc là 1.372 tỉ USD, chiếm 16% GDP, bình quân đầu người hơn 1.000 USD, tăng 17,3% so với năm ngoái. Trung Quốc là quốc gia có nợ công lớn thứ hai ở châu Á, sau Nhật Bản và xếp trên Ấn Độ. Nợ công toàn cầu cũng tăng lên mức 50.160 tỉ USD.

Vào tháng 11.2012, báo cáo về tình hình nợ công của Chính phủ trình Quốc hội cho biết, tổng số dư nợ công đến ngày 31.12.2011 bằng 55,4% GDP (1,391 triệu tỉ đồng, tương đương 66,8 tỉ USD), giảm 1,9% so với năm 2010. Trong đó, tổng dư nợ của Chính phủ là 1,096 triệu tỉ đồng, bằng 43,2% GDP, bao gồm các khoản vay trong nước là 429.000 tỉ đồng từ các nguồn phát hành trái phiếu, tín phiếu, vay tồn ngân kho bạc, các khoản vay khác theo quy định của pháp luật và vay nước ngoài 667.000 tỉ đồng từ các nguồn vay ODA, vay ưu đãi và vay thương mại. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là 285.000 tỉ đồng, bằng 11,3% GDP.

Trong tổng nợ công, nợ chính quyền địa phương bao gồm: trái phiếu chính quyền địa phương, vay tồn ngân kho bạc, các khoản vay khác theo quy định của pháp luật là 107.000 tỉ đồng, bằng 0,4% GDP.

Thận trọng vay mượn

Đối với kế hoạch vay và sử dụng vốn vay đến năm 2015, Chính phủ đặt chỉ tiêu nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Mặc dù ở ngưỡng an toàn, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng cảnh báo cần kiểm soát tốt hơn nữa vấn đề nợ công. Trao đổi với Thanh Niên, bà Phạm Chi Lan cho rằng, cần công bố rộng rãi những khoản chi tiêu cho đầu tư công và chi tiêu công để có thể kiểm soát nợ công hiệu quả. Bà Lan cũng cho rằng, hai năm gần đây, VN không còn là quốc gia có thu nhập thấp nữa, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nên các khoản vay mượn trở nên khắt khe hơn, kể cả vốn ODA. Nguồn vay cũng giảm đi, như Anh không còn cho VN vay vốn ODA vào năm 2016. Nhiều quốc gia khác cũng dự tính như vậy.

“Vốn ODA giảm, trong khi Chính phủ lại hoạch định khả năng nợ công sẽ tăng lên 65% vào năm 2020. Nghĩa là chúng ta phải tìm các nguồn khác để vay thay thế, dù có thể lãi suất sẽ cao hơn và thời hạn trả nợ nhanh hơn. Đối với những quốc gia như VN, rất dễ bị áp đặt mức vay khó khăn hơn”, bà Lan nhấn mạnh. Theo đó, khả năng trả nợ các khoản vay của VN như thế nào phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi điều hành vĩ mô tất cả các khoản chi tiêu công và đầu tư công, có tránh được thất thoát trong các khoản vay hay không.

Các chuyên gia đặt hy vọng, khi việc tái cơ cấu đầu tư công thành công thì nợ công của VN sẽ giảm. Ngoài ra, VN cần thận trọng hơn trong quá trình vay mượn vốn của nước ngoài. Bởi không chỉ trả vốn, mà còn phải trả lãi. Nguồn vốn trong dân vẫn còn rất dồi dào, vì thế, nhà nước cần thiết phải tìm cách gia tăng các khoản vay từ trong nước để thay thế một phần vay nước ngoài. “Vay vốn từ trong nước có các điều khoản không quá ngặt nghèo. VN có khả năng khai thác nguồn vốn này nhiều hơn, nhưng để làm được điều đó, nhà nước cần gia tăng niềm tin để người dân yên tâm đóng góp”, một chuyên gia khuyến nghị.

Lâu nay, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế thì ngưỡng an toàn để đánh giá nợ công là tỷ lệ nợ công so với GDP không quá 60%. Tuy nhiên, ngưỡng an toàn này chỉ mang tính tương đối. Các tổ chức nghiên cứu, định chế tài chính còn đánh giá ngưỡng an toàn dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như: tỷ lệ dự trữ ngoại hối, cán cân xuất nhập khẩu, mức tăng trưởng kinh tế… cấu trúc nợ công. Vì thế, một số nước có tỷ lệ nợ công so với GDP lên đến 100% nhưng vẫn không bị xem là thiếu an toàn, trong khi nhiều nước chưa đến 60% vẫn bị chú ý.

Ngoài ra, ngay trong tính toán nợ công cũng có khác nhau. Khi thống kê nợ công, một số quốc gia không tính đến những khoản nợ của các doanh nghiệp mà chính phủ góp vốn hoặc sở hữu. Tuy nhiên, nhiều định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế thì vẫn xét đến. (N.M.T)

N.Trần Tâm

>> Nợ công Việt Nam bằng gần 55% GDP
>> Lo ngại nợ công cao
>> Những lãnh đạo "về vườn" vì khủng hoảng nợ công
>> Đến 2020, nợ công không quá 65% GDP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.