Chạy đua ảnh hưởng ở Trung Á

12/03/2013 03:20 GMT+7

Nhiều nước lớn đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Trung Á giữa lúc NATO sắp rút quân khỏi Afghanistan.

Với vai trò quan trọng về địa chính trị và giàu tài nguyên, Trung Á trở thành khu vực mà Nga, Nhật, Mỹ và Trung Quốc đều muốn tăng cường quan hệ. Theo báo Kommersant, Nga đang chuẩn bị một gói viện trợ trị giá 1,1 tỉ USD cho quân đội Kyrgyzstan. Nằm trong gói viện trợ này, Nga dự kiến cung cấp vũ khí cho Kyrgyzstan ngay mùa hè năm nay. Theo đó, Bishkek hy vọng sẽ nhận được xe chiến đấu bộ binh, xe tuần tra do thám và trực thăng đời mới... từ Moscow. Ngoài ra, hai bên còn đạt thỏa thuận là Nga sẽ tiếp tục thuê căn cứ quân sự ở Kyrgyzstan thêm 15 năm từ năm 2017. Đổi lại, Moscow sẽ xóa một khoản nợ gần 500 triệu USD cho Bishkek, theo Reuters. Nga cũng sẽ giúp xây dựng các nhà máy thủy điện ở Kyrgyzstan với vốn đầu tư lên hàng tỉ USD.

 Nga sẽ thuê căn cứ quân sự 201 ở Tajikistan tới năm 2042
Nga sẽ thuê căn cứ quân sự 201 ở Tajikistan tới năm 2042 - Ảnh: Jamestown.org

Không riêng gì Kyrgyzstan mà Tajikistan cũng nhận được sự hỗ trợ từ Nga. Moscow đã đồng ý viện trợ 200 triệu USD giúp Dushanbe nâng cấp hệ thống phòng thủ lẫn khí tài quân sự. Thêm vào đó, Tajikistan còn nhận 200 triệu USD do Nga cung cấp thông qua hình thức giảm giá dầu khí. Các thỏa thuận trên được cho là nhằm đổi lại việc Tajikistan đồng ý cho Nga gia hạn thuê căn cứ quân sự 201 ở nước này đến năm 2042.

Tờ Kommersant dẫn nguồn tin từ chính phủ Nga tiết lộ: “Nga giúp Kyrgyzstan và Tajikistan hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường tiềm năng của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan - NV) giữa lúc NATO sắp rút quân khỏi Afghanistan. Hơn nữa, Nga kỳ vọng có thể ngăn Mỹ gia tăng vị thế của họ ở Trung Á... Điều này xuất hiện chỉ sau khi Bishkek và Dushanbe có ý muốn Washington chuyển giao lại khí tài quân sự sau khi rút quân khỏi Afghanistan”.

Trong khi đó, báo The New York Times gần đây đưa tin NATO đang đàm phán với các nước Trung Á để giao lại số vũ khí được sử dụng ở Afghanistan. Hồi tháng 7.2012, trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng nước này Robert O.Blake khẳng định: “Kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan từ nay đến năm 2014 khiến việc tham gia Trung Á càng trở nên thiết yếu hơn... Chúng ta tiếp tục xem việc hỗ trợ an ninh là cơ chế quan trọng cho việc bảo đảm ổn định tương lai của Afghanistan và các nước lân cận”.

Trung Quốc tận dụng kinh tế

Nếu Nga và Mỹ hỗ trợ quân sự thì Trung Quốc lại dùng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng tại khu vực này. Từ năm 2009, Trung Quốc cho Kazakhstan vay 10 tỉ USD và cho Turkmenistan vay 4 tỉ USD, theo AFP. Bắc Kinh cũng đã xây tuyến đường ống dẫn dầu Kazakhstan-Trung Quốc và đường ống dẫn khí Turkmenistan-Uzbekistan-Kazakhstan-Trung Quốc. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Mỹ Jamestown, bằng cách tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Á, Trung Quốc định phát triển vùng ngoại biên phía tây của họ. Jamestown dẫn thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay kim ngạch thương mại giữa nước này với 5 nước Trung Á đạt 16,98 tỉ USD vào năm 2011. Trong đó, xuất khẩu từ Trung Quốc đạt 12,49 tỉ USD. Hồi tháng 6.2012, Trung Quốc và Uzbekistan đã ký hơn 30 thỏa thuận về thương mại, kinh tế và tài chính, với tổng trị giá lên tới 5,3 tỉ USD. Jamestown kết luận việc đầu tư và đảm bảo sự hiện diện của mình tại Trung Á sẽ giúp Bắc Kinh đạt được tham vọng lớn hơn là tiếp cận, khai thác và vận chuyển nguồn tài nguyên phong phú vào lãnh thổ Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, Nhật cũng vừa tăng cường đầu tư vào khu vực Trung Á vì nguồn tài nguyên tại đây. Hồi tháng 11.2012, sau cuộc gặp với người đồng cấp Turkmenistan Rashid Meredov tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật khi đó Koichiro Gemba tuyên bố nước này sẽ tiến hành nhiều dự án, với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD nhằm giúp khu vực phát triển thương mại, tiết kiệm nguồn tài nguyên và tăng cường hợp tác khu vực. Một liên doanh giữa Công ty Sumitomo của Nhật và Tập đoàn Kazatomprom của Kazakhstan vừa mở nhà máy khai thác đất hiếm tại thị trấn Stepnogorsk, miền bắc Kazakhstan, theo Hãng tin Jiji Press. Giới quan sát nhận định rằng việc đầu tư vào Trung Á là cách Nhật muốn giảm phụ nguồn tài nguyên từ Trung Quốc giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hủy họp báo Mỹ-Afghanistan

Cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel dự kiến diễn ra tại thủ đô Kabul ngày 10.3 đã bị hủy. Đài Fox dẫn lời giới chức Mỹ cho hay việc hủy bỏ này vì lý do an ninh, chứ không phải do ông Karzai vừa cáo buộc Washington thông đồng với Taliban nhằm duy trì binh sĩ ở lại Afghanistan sau năm 2014. Vào ngày 9.3, Taliban tổ chức đánh bom tại Kabul, giữa lúc ông Hagel đến thăm, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng.  

Minh Trung

Văn Khoa

>> Trung Quốc và tham vọng chuỗi cảng
>> Mỹ sẽ giữ 13.600 quân ở Afghanistan?
>> Nga xây dựng lực lượng tác chiến đặc biệt
>> Iraq nhận trực thăng Mi-28 của Nga vào tháng 6
>> Hải quân Nga lập đội tàu thường trực tại Địa Trung Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.