Chính quyền chậm chân, thất thu trăm tỉ

10/03/2013 03:05 GMT+7

Đến nay, TP.HCM vẫn chưa cho phép quảng cáo trên xe buýt vốn có thể đem lại khoản thu hơn 100 tỉ đồng mỗi năm.

Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải và công nghiệp - Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, cho biết: “Theo tính toán của chúng tôi, chỉ cần UBND TP cho phép các doanh nghiệp vận tải cho thuê quảng cáo bên hông xe buýt thì ngân sách TP sẽ thu được tối thiểu 100 tỉ đồng mỗi năm”. Theo một đề án do Sở GTVT thực hiện, mức giá thuê dự kiến từ 33 - 50 triệu đồng/m2/năm ngoài thành xe. Với trên 3.200 xe buýt, mỗi năm TP.HCM thu về ít nhất 100 tỉ đồng cho ngân sách. Số tiền trên được tính toán dựa vào thời giá quảng cáo hơn 5 năm trước đây, nên xét ở thời điểm hiện tại thì con số có thể sẽ cao hơn. Nguồn thu này là rất đáng kể trong bối cảnh TP đang chi ra 1.200 tỉ đồng/năm để trợ giá xe buýt. Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM, chỉ cần được chia 20% số tiền thu được từ quảng cáo trên thân xe buýt, mỗi năm các xã viên cũng có thêm vài chục đến cả trăm triệu đồng. Từ đó, xã viên, doanh nghiệp có thêm tiền tái đầu tư, nâng cấp phương tiện, nhà nước cũng giảm được gánh nặng ngân sách chi trợ giá cho xe buýt.

 Chính quyền chậm chân, thất thu trăm tỉ
TP.HCM vẫn chưa cho phép quảng cáo trên xe buýt - Ảnh: Mai Vọng

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, một thời gian dài trước đây, mặc dù hầu hết các chuyên gia, đại biểu HĐND, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc TP… đều lên tiếng ủng hộ việc cho phép quảng cáo bên hông xe buýt. Thế nhưng, UBND TP vẫn kiên quyết giữ quan điểm cấm hình thức quảng cáo này. Một văn bản ban hành ngày 15.6.2009 của UBND TP quy định: "Các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải là vị trí, địa điểm, khu vực cấm hoạt động quảng cáo". Trong khi đó, tại Hà Nội, có đến 60% của tổng số 1.000 xe buýt hoạt động ở nội thành và từ nội thành đi những tỉnh lân cận đã thực hiện quảng cáo cho các doanh nghiệp, thu về một khoản tiền không nhỏ. Ngoài ra, thực tế quảng cáo trên xe buýt ở Hà Nội cũng chẳng có biểu hiện gì bị cho là “mất mỹ quan đô thị, thuần phong mỹ tục” như lo ngại của TP.HCM. Ngay trên đường phố TP.HCM, cũng không khó để bắt gặp các xe buýt mang biển số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… quảng cáo các sản phẩm thương mại, tiêu dùng bên hông xe cũng rất đẹp mắt, hiện đại, góp phần làm sinh động đường phố.

Giậm chân tại chỗ

Sau gần 10 năm bị cấm với những lý do không rõ ràng, đến tháng 10.2011, UBND TP.HCM mới có động thái “cởi trói” cho hoạt động quảng cáo bên hông xe buýt. Tuy nhiên, UBND TP không chấp nhận sử dụng đề án do Sở GTVT trình lên. Thay vào đó, UBND TP đã giao cho một doanh nghiệp cổ phần thực hiện đề án mang tên: Xây dựng hệ thống thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt. Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng là đơn vị được giao thực hiện các thủ tục để triển khai đề án. Theo ông Tính, doanh nghiệp được TP giao chủ trì nghiên cứu triển khai đề án này là Công ty Tầm Nhìn (Vision). Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên vào ngày 1.3.2013, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết sau gần 2 năm được giao thực hiện nhưng đến nay đề án vẫn chưa có bước tiến nào. Doanh nghiệp cũng chưa làm việc với trung tâm để triển khai các thủ tục thực hiện đề án.

Lãng phí

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam):

TP.HCM cần phải thực hiện ngay việc quảng cáo trên xe buýt, bởi đây là nguồn lợi kinh tế lớn không chỉ cho ngân sách TP mà còn cho các doanh nghiệp, xã viên sở hữu xe buýt. Mặt khác, luật Quảng cáo, pháp lệnh Về quảng cáo cũng không có quy định nào cấm quảng cáo trên xe buýt, phương tiện vận tải công cộng; chỉ những sản phẩm không phù hợp với mỹ quan, văn hóa... mới bị cấm quảng cáo.

Tiến sĩ Phạm Sanh (giảng viên đại học, chuyên gia giao thông):

Tôi đã đi nhiều nhiều nước và thấy rằng từ châu Á sang châu Âu người ta đều cho quảng cáo trên xe buýt. Nó không chỉ làm tăng vẻ đẹp cho xe buýt mà cho cả mỹ quan thành phố đó, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông do xe buýt không chạy nhanh. Riêng ở TP.HCM, tôi không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện quảng cáo trên xe buýt. Điều này gây lãng phí không nhỏ về mặt kinh tế.

Đình Mười

>> Quảng cáo
>> Quảng cáo kiểu Nhật
>> “Có ca sĩ thật như quảng cáo”
>> Cấm quảng cáo quà tặng xa xỉ
>> Để con gái chúng ta có thể tự đi xe buýt đến trường
>> Chuyện xứ người: Lỡ ngủ quên, trộm luôn xe buýt
>> Truy bắt đối tượng ném mồi lửa đốt xe buýt
>> Xe buýt bốc cháy ngay cổng bệnh viện
>> Xe buýt nhanh tại Đà Nẵng
>> Đẩy mạnh trấn áp tội phạm trên xe buýt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.