Báu vật dân gian

10/03/2013 03:10 GMT+7

Hình ảnhbà Cầu láu lỉnh, hài hước đang chếnh choáng say trong những buổi chiều tà lại hiện về trong tôi. Ừ thôi, âu cũng là xong một kiếp người. Bà đã về với đất như tất yếu của nghìn năm vẫn thế…

Hình ảnh bà Cầu láu lỉnh, hài hước đang chếnh choáng say trong những buổi chiều tà lại hiện về trong tôi. Ừ thôi, âu cũng là xong một kiếp người. Bà đã về với đất như tất yếu của nghìn năm vẫn thế…

Bà Hà Thị Cầu sinh vào khoảng năm 1921 hoặc 1928 (do bà không nhớ), mất ngày 3.3.2013. Bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và đã được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn - giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - Ảnh: Ngọc Minh

Viếng nghệ nhân Hà Thị Cầu vào buổi trưa ngày 4.3, chẳng ai cầm được nước mắt khi thấy bên linh cữu của bà có một người xẩm trẻ kéo nhị ò e cất lên những lời ca ảo não như trách, như than cho thân phận của người xẩm già vừa mới hồn lìa khỏi xác:  “Nắng mấy mưa lội suối trèo đèo/Đắng cay tủi nhục vẫn nghèo xót xa/Vợ lìa chồng, con phải xa cha/Bơ vơ nào biết có nhà là đâu/Biển trời (con ơi) ảm đạm một màu/… Biển với trời (con ơi) ảm đạm một màu/Cha con bồng bế bước mau/Ới con ơi âm thầm cuộc sống tha phương/Lạc loài đất khách khói sương quê người/Kể ra càng cay đắng sự đời”. Người hát xẩm cuối cùng đã được những hậu bối mà bà đã từng bảo ban, kèm cặp tiễn về trời như thế…

Trời đày cái số phong sương

Còn nhớ vào cuối năm 2007, tôi và một cậu bạn lần đầu tìm đến nhà bà (thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, H.Yên Mô, Ninh Bình) trong một buổi chiều rỗi. Chớp cái nắng còn chưa tắt, bà Cầu ra ngoài sân ngồi trên chiếc chõng tre sưởi ấm. Thi thoảng đám trẻ còn trong xóm lại thò đầu qua bức tường loang lở kêu xoe xóe: “Ới bà Cầu già, ới bà Cầu già ơi. Đã hát được chưa?”. Nhổ bãi nước trầu vào chân cột, rồi vòng tay quệt ngang khóe miệng, bà dẩu cái môi đỏ hoẻn màu trầu, chửi: “Cha tổ bố chúng bay. Lại trêu bu phỏng”. Rồi bà quay sang chúng tôi cười khanh khách, vận thành câu hát: “Nhí nhố con ơi, ối là nhí nhố con ơi. Mục đồng chọc đít trâu đen giữa đường…”. Xong, bà ghé sát miệng vào tai tôi hỏi nhỏ: “Các con có mang rượu cho bu không thế hử?”. Thấy tôi bối rối, cô Mận, con gái của bà nói đế vào: “Lại rượu. Khổ. Chả là các bác trên Hà Nội bận nào về cũng cho bu rượu, thành thử cứ khách đến là thế nào bu tôi cũng lại đòi”. Bà Cầu nguýt cô con gái một cái rõ dài rồi chửi: “Cha bố chị. Đã bao giờ bu say chưa mà nói. Người ta bảo thơ tửu cầm kỳ khách. Kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày. Một trăm năm đấy các con ơi. Không rượu nó phí đời… Nói thật với các con, không có rượu, đời bu chắc chết từ lâu rồi…”. Với cái lối nói nhấn nhá, có vần có điệu, nên tôi cứ có cảm giác như bất cứ câu nói nào được bà thốt ra đều mang âm sắc của xẩm vậy.

Suốt cả cuộc đời lang bạt kỳ hồ, nay đây mai đó kiếm ăn, vậy nên khi “bị” vợ chồng cô Mận không cho đi hát rong nữa, bà Cầu đâm ra ngứa ngáy. Nếu ngày mưa, tháng giá, hoặc phải đận ốm đau bà mới chịu ở trong nhà. Còn thường thì bước chân bà vẫn cứ lang thang đầu làng cuối xóm, thi thoảng tạt về nhà làm hớp rượu rồi lại tất tả cất bước ra đường. Bà thường bảo mà như hát: “Bu kể con nghe, số bu là cái số giời đầy phải lang thang sương gió. Ngồi một chỗ nó “om” bố cái thằng người”.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm (Cầu là tên con trai cả của bà), quê gốc ở xã Yên Phú, H.Ý Yên (Nam Định). Từ nhỏ, cô bé Năm đã được bố mẹ vốn là đôi vợ chồng xẩm lòa dắt díu đi hát rong kiếm ăn ở chợ. Mười một, mười hai tuổi đầu, Hà Thị Năm đã thuộc làu những câu hát rong nơi kẻ chợ. Từ bấy, những điệu hát, lời ca phiêu bạt, lam lũ vận vào số phận của Năm. Lạ ở chỗ, cũng là những làn điệu hà liễu, huê tình, thập ân, xẩm ba bậc... mà thường ngày các chiếu xẩm rong vẫn hát nơi lề đường, góc chợ, nhưng mỗi khi tiếng hát của cô Năm cùng với tiếng líu ngọt lịm, réo rắt ngân lên, nhấn nhá như khoan, như nhặt, lại có sức hút đến lạ lùng. Khi đó, bài ca của người hát xẩm không đơn thuần chỉ là tiếng hát rong giải khuây cho khách qua đường, mà nó đã trở thành một thứ nghệ thuật đích thực. Đó là nghệ thuật được thăng hoa từ tâm hồn của lớp người lam lũ.

 

Bài ca của người hát xẩm không đơn thuần chỉ là tiếng hát rong giải khuây cho khách qua đường, mà nó đã trở thành một thứ nghệ thuật đích thực. Đó là nghệ thuật được thăng hoa từ tâm hồn của lớp người lam lũ

Cha mất, mười sáu tuổi Hà Thị Năm cùng mẹ dạt vào Yên Mô, và tại đây, bà đã phải lòng, theo ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu. Năm đó, ông Mậu đã 49 tuổi, từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà chính thức. Lấy bà được ít năm, ông Mậu dắt díu bà và một người vợ khác cất bước giang hồ. Từ đây ba vợ chồng người hát xẩm phiêu bạt khắp nơi, có khi lên tận Tuyên Quang, Thái Nguyên rồi lại lang thang vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy ở với mười mấy người đàn bà, nhưng ông Mậu không có con với ai, mãi khi lấy bà, ông mới được bà hạ sinh cho 3 người con, hai trai, một gái... Người con cả được ông bà đặt tên là Cầu, nên mọi người gọi tên con thay cho tên bà từ đấy. Rồi ông Mậu qua đời, bà Cầu đành dắt các con về quê chồng, hát rong quanh quẩn ở Yên Mô kiếm gạo qua ngày.

Không những sở hữu giọng hát mê đắm cùng với ngón đàn nhị độc đáo, nghệ nhân Hà Thị Cầu còn được đánh giá là nghệ nhân hát xẩm duy nhất lưu giữ được nhiều làn điệu cổ của nghề. Bà cũng là người có thể tự đặt lời mới mang hơi thở của thời đại cho các làn điệu xẩm truyền thống. Những bài xẩm do bà sáng tác ngoài những điển tích, sự thở than còn nóng hổi tính thời sự. Điều đó chứng tỏ người nghệ sĩ không chỉ đứng bên lề cuộc sống mà luôn trôi theo dòng đời chìm nổi…

Chút hồn gửi lại cho người dương gian

Cả cuộc đời lầm lụi lang thang khắp xó chợ lề đường mang tiếng hát làm vui cho thiên hạ để độ nhật qua ngày, đến cuối cuộc đời bà Cầu vẫn sống trong cảnh nghèo túng, dù người ta vẫn nhắc đến bà như một biểu tượng của dòng văn hóa dân gian, là “báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật hát xẩm… Đặc biệt từ khi UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm” vào cuối năm 2011 nhằm mục đích đưa xẩm trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, thì danh tiếng của nghệ nhân Hà Thị Cầu đã được nhiều người biết tới hơn.

 
Bà Hà Thị Cầu sinh vào khoảng năm 1921 hoặc 1928 (do bà không nhớ), mất ngày 3.3.2013. Bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và đã được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn - giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Lần gần nhất tôi về thăm bà vào năm 2012, khi ấy nghệ nhân Hà Thị Cầu đang được Nhà hát chèo Ninh Bình mời truyền lại những làn điệu xẩm cho các diễn viên của nhà hát. Nhìn cảnh bà nhắm mắt, vỗ trán để cố nhớ ra những câu hát đã lâu không được cất lên, tôi cứ lấy làm tiếc rằng giá như việc sưu tầm này phải được làm sớm hơn nữa thì tốt biết bao… Hỏi bà dạo này còn uống rượu không, bà bảo: “Có chứ. Nhưng rượu bây giờ nhạt lắm. Uống xong chả thấy cái gì”. Tôi lại trêu bà rằng, dạo này nom “cô giáo” Cầu nhuận sắc ra trông thấy. Bà liền rụt cổ lại, rồi cười khanh khách: “Cha bố mày, lại xỏ xiên bu phỏng. Một chữ bẻ đôi bu đây cũng không biết, thì giáo với chả mác với ai. Nhưng quả thực thi thoảng cũng có đứa tìm đến xin học nghề. Thấy chúng thích, bu cũng chả quản công. Có vài đứa hát cũng hay đáo để, nhưng may là chúng chưa bị xẩm ám vào người. Chứ như bu rồi đời chắc khổ…”.

Nhờ sự hỗ trợ của bà, mà những người làm văn hóa ở Ninh Bình đã sưu tầm, dàn dựng được không ít những làn điệu xẩm tưởng như đã thất truyền mãi mãi, như xẩm chợ, ba bậc, xẩm sênh, thập ân…

Về lại Yên Mô, thắp cho bà nén hương thay lời từ biệt, tôi bỗng thấy lòng mình nhẹ tênh như vừa trút được một túi âu lo chất chứa trong lòng. Bất chợt những câu hát nghêu ngao cùng tiếng nhị í ò e ma mị lại vang lên: “Bao năm dạt nước cánh bèo/Đã từng lưu lạc nhiều điều gian truân/Giời cao có thấu tình chăng/Đời người mấy lúc gian truân mà già/Cam lòng vất vả xa gần/Ai vò mà rối, ai dần mà đau?” í ò e...

Ngọc Minh

>> Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.