Làm công việc ngược đời

08/03/2013 03:05 GMT+7

Đi tiên phong lựa chọn những công việc không phải điển hình cho giới của mình, đó là những người mở đường bình đẳng giới. Không cảm thấy áp lực hay xấu hổ, ngược lại các bạn trẻ càng đam mê và muốn “cháy” hết mình với công việc.

“Phá bỏ định kiến giới và nghề nghiệp hướng tới bình đẳng giới” là chủ đề chương trình giao lưu nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 do T.Ư Đoàn, Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Ireland tổ chức tại Hà Nội ngày 6.3.

 
Các khách mời tham gia giao lưu - Ảnh: Đông Hà

Lâu nay ở Việt Nam, định kiến về giới đã mặc định ngay trong phân công lao động, phụ nữ thường chỉ làm những công việc nội trợ gia đình, hoặc đơn giản kiếm một công việc nhàn hạ, nhẹ nhàng. Nhưng có không ít bạn gái dám phá bỏ định kiến, lăn xả vào những công việc tưởng như chỉ mặc định dành cho cánh đàn ông như: lái xe, phi công, cảnh sát giao thông...

Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lẽ ra Võ Thanh Thảo sẽ trở thành nhân viên phòng kinh doanh, nhưng cuộc đời bỗng nhiên rẽ sang hướng khác khi Thảo tình cờ đọc mẩu quảng cáo tuyển phi công. “Cho đến giờ, mình cũng không lý giải vì sao mẩu quảng cáo đó lại có sức hút ghê gớm như vậy. Bỏ lại công việc nhẹ nhàng đang chờ đón, mình coi thử thách mới là cơ hội để khẳng định bản thân, mặc cho bố phản đối kịch liệt”, Thảo kể. Vượt qua những vòng thi tuyển vô cùng khắc nghiệt, Thảo trở thành một trong 7 phi công nữ đầu tiên của Việt Nam. Sau khóa học 2 năm tại Pháp, giờ đây Thảo đã là cơ phó, đoàn bay 919 (Vietnam Airlines) với hơn 200 giờ bay, cô gái trẻ vẫn không hề hối tiếc về quyết định theo nghiệp phi công.

Cũng giống như Thanh Thảo, chọn nghề lái xe taxi cũng đồng nghĩa với việc Phan Thu Thủy (Công ty cổ phần taxi Hà Nội) phải đối mặt với áp lực, nguy hiểm, rủi ro rình rập, nhất là trong đêm hôm khi gặp khách say xỉn hay những vị khách sàm sỡ. Thủy chia sẻ: “Lái xe nam có khi bực bội, nóng giận với cả hành khách, khi lại phóng nhanh vượt ẩu, nhưng với nữ giới, chúng tôi xử lý công việc mềm mại và cẩn thận hơn nhiều. 10 năm lái taxi, những khó khăn đều đã trải qua, tôi đã quen rồi. Còn đủ sức, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm để phục vụ cộng đồng”.

Ngược lại với các bạn nữ, những khách mời nam giới đến tham gia giao lưu toàn làm những công việc “độc đáo” thay nữ giới: nội trợ, nuôi dạy trẻ, diễn viên múa... Anh Nguyễn Trọng Việt, giáo viên mầm non đến từ thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) tâm sự: “Tôi chọn nghề này trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè vì ai cũng nghĩ rằng chú nuôi dạy trẻ hay thầy nuôi dạy trẻ làm gì có trong từ điển đâu. Hơn nữa, chăm sóc các trẻ có khác gì chăm con mọn, cùng một lúc đóng nhiều vai, vừa là mẹ, vừa là cô, vừa là ca sĩ, vừa là phục vụ... Và tôi đã trả lời mọi người rằng, tại sao lại có quan niệm cổ hủ như vậy, ai cũng có thể làm miễn là có đam mê”…

Bà Suzette Mitchell, Trưởng đại diện cơ quan phụ nữ LHQ tại Việt  Nam, chia sẻ: “Năm nay, chúng tôi quyết định làm điều gì đó ở một trường ĐH, một điều có thể tạo cảm hứng cho các sinh viên và liên quan đến mọi người nhưng không quá lý thuyết hoặc cụ thể, nhưng lại thực sự đi thẳng vào vấn đề bình đẳng giới. Qua chương trình này, chúng tôi muốn tôn vinh những người mở đường cho bình đẳng giới - để nam giới và phụ nữ được nhìn nhận một cách bình đẳng và có thể làm mọi việc mà giới kia làm được, trừ chức năng sinh sản”.

Thu Hằng

>> Chung kết Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2012
>> Đại biểu phụ nữ Việt Nam thăm Trường Sa
>> Phan Thu Quyên đăng quang Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.