Góp ý sửa đổi hiến pháp - Chăm lo toàn diện cho thanh thiếu nhi

08/03/2013 04:00 GMT+7

Ngày 6.3, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị nhà báo trẻ và văn nghệ sĩ trẻ góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. Nội dung được các đại biểu đề cập và góp ý vẫn là những điều liên quan đến thanh thiếu nhi.

Nhiều đại biểu lấy làm tiếc vì dự thảo Hiến pháp sửa đổi không có một điều khoản nào nói về vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên (TN) trong việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ; cũng không có quy định nào về trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với TN, trong khi Hiến pháp hiện hành, tại Điều 36 và Điều 66 có quy định khá cụ thể về nội dung này. Theo GS Hoàng Chí Bảo, Việt Nam là nước có dân số trẻ, vì vậy Hiến pháp không có điểm nhấn về TN là một khiếm khuyết. Tại sao dự thảo có điều về Mặt trận Tổ quốc, có điều về Công đoàn, nhưng không có điều về TN? GS Hoàng Chí Bảo đề nghị, Hiến pháp cần nhấn mạnh vào vai trò, vị trí của thế hệ trẻ trong tiến trình phát triển đất nước; nhấn mạnh vào việc trọng dụng nhân tài và tài năng trẻ trên tất cả các lĩnh vực. Đây là đội ngũ tinh hoa rất cần trong phát triển đất nước.   

 
Hội nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp - Ảnh: Đông Hà

 
Đại biểu phát biểu tại hội nghị  

Là người làm công tác xuất bản sách cho thiếu nhi, ông Nguyễn Huy Thắng, phó giám đốc NXB Kim Đồng, cho rằng việc bỏ điều 66 cũng như nội dung ở điều 36 trong Hiến pháp năm 1992 là không phù hợp. Ông Thắng bày tỏ: “TN thực sự là lực lượng luôn đi đầu trong các mục tiêu cách mạng và các phong trào cụ thể. Đồng thời TN cũng là những huynh trưởng sâu sát nhất với thiếu niên, nhi đồng, có tác động định hướng, giáo dục, chăm lo cho các em một cách thiết thực, hiệu quả. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị việc Hiến pháp sửa đổi giữ nguyên tinh thần các điều nói trên về thanh thiếu niên. Không có điều 66 là thiệt thòi lớn cho TN”.

An sinh cả về văn hóa

Mặc dù đánh giá dự thảo Hiến pháp có nhiều điểm mới, ngắn gọn, súc tích, thể hiện tinh thần nhân văn và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, song cũng có nhiều ý kiến cho rằng, có những điểm quan trọng vẫn còn thiếu và chưa được quy định cụ thể. TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cho hay, trong dự thảo  không có dòng nào nhắc đến quyền giải trí và việc nhà nước, gia đình, xã hội tạo điều kiện cho trẻ em, thanh thiếu niên được giải trí bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và lành mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần. “Tôi cho rằng, đây là điều tất yếu, rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, duy trì thể lực, nâng cao chất lượng của thế hệ trẻ. Đặc biệt là trong thời đại các bạn trẻ ngồi máy tính nhiều hơn được hoạt động ngoài trời. Với một thực tế, cuộc sống tinh thần cũng như sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên đã có những hồi chuông báo động: áp lực cuộc sống, áp lực học hành đã khiến chất lượng sống thấp đi, đồng thời gia tăng hiện tượng stress, trầm cảm, tự tử ở trẻ vị thành niên”, TS Thụ Anh nói.

Hơn 20 năm đi biểu diễn khán giả khắp mọi miền Tổ quốc, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó trưởng đoàn ca múa nhạc (Nhà hát Tuổi Trẻ) tận mắt chứng kiến cuộc sống của những đứa trẻ khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa khát khao được đến với các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Chị Ánh bộc bạch: “Những hình ảnh ấy đọng mãi trong tôi và thôi thúc tôi phải hành động để làm sao trẻ em phải được thụ hưởng văn hóa nghệ thuật; nhưng chúng tôi sức chỉ có hạn, không thể lặn lội đi biểu diễn miễn phí mãi…”. Theo chị Ngọc Ánh, để thực hiện được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa cho mọi người thì nhà nước cần đầu tư cho những đơn vị làm văn hóa, tạo điều kiện để  các đơn vị này phục vụ tốt nhất  cho nhân dân. Vì vậy, cần bổ sung điều 63 (sửa đổi, bổ sung điều 67): “Nhà nước phát triển an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững…” và cũng cần chú trọng hơn đến an sinh cho văn hóa vì văn hóa là nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển.

Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An cho biết, các ý kiến của nhà báo trẻ, văn nghệ sĩ trẻ sẽ được Ban Bí thư tập hợp, tiếp thu và báo cáo Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp. Anh An cũng mong muốn các nhà báo trẻ, văn nghệ sỹ trẻ tiếp tục tham gia góp ý vào các diễn đàn và các hoạt động do Đoàn tổ chức.

Nên quy định mọi công dân Việt Nam đều có quyền kết hôn 

Để bảo đảm sức sống lâu dài của Hiến pháp cũng như bảo đảm tôn trọng quyền lựa chọn giới tính, quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân của mỗi công dân, tôi đề nghị sửa nội dung quy định trên là: “Mọi công dân Việt Nam đều có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”.

(Nhà báo Nguyệt Minh, Báo Thanh Niên)

Thu Hằng

>> Đề nghị giữ lại điều 66 Hiến pháp 1992
>> Hải Phòng góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Lạng Sơn góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Phú Thọ góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.