Đối mặt kiện chống bán phá giá: Chủ động ứng phó

07/03/2013 03:40 GMT+7

Theo các chuyên gia, ngoài việc bản thân doanh nghiệp cần chủ động hơn để ứng phó có hiệu quả khi bị kiện, VN cũng phải xây dựng các biện pháp tự vệ.

Đối mặt kiện chống bán phá giá: Chủ động ứng phó
Nhiều hàng hóa của VN có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá - Ảnh: D.Đ.M

Cần đối diện

 

Cần chuẩn bị và có phương án thích hợp để có thể vừa gia tăng xuất khẩu, vừa đối phó với nguy cơ bị kiện, và nếu vụ kiện xảy ra thì kháng kiện và đạt kết quả tốt nhất chứ không phải là tranh luận về tính công bằng hay không của các vụ kiện này

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Ban Thư ký - Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại VCCI

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, số lượng hàng hóa xuất khẩu của VN bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ) tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ và một số nước ASEAN có xu hướng tăng lên xuất phát từ việc bảo hộ cho ngành sản xuất nội địa. Một khi vụ kiện đã được tiến hành, các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm bị kiện có thể tận dụng sự ủng hộ và tiếng nói của nhà nhập khẩu, người tiêu dùng tại quốc gia khởi kiện.

Bên cạnh đó, việc tham gia đầy đủ của DN trong tất cả các vụ kiện kiểu này là vô cùng quan trọng để bảo vệ lợi ích của mình. Nếu không sẽ bị cơ quan điều tra sử dụng các thông tin sẵn có bất lợi và bị áp mức thuế cuối cùng rất cao so với các DN có tham gia và hợp tác đầy đủ. Đặc biệt các DN cần có sự phối hợp với nhau cả về phương hướng hành động lẫn nguồn lực vật chất để đảm bảo lợi ích cho tất cả các DN cùng ngành.

“Kiện phòng vệ thương mại là những công cụ bảo vệ sản xuất nội địa được thừa nhận trong WTO. Vì vậy không có cách nào, cũng không có nước nào có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị kiện đối với hàng hóa xuất khẩu của mình. Do đó, cần đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài như chấp nhận sống chung với lũ. DN chúng ta cần chuẩn bị và có phương án thích hợp để có thể vừa gia tăng xuất khẩu, vừa đối phó với nguy cơ bị kiện, và nếu vụ kiện xảy ra thì kháng kiện và đạt kết quả tốt nhất chứ không phải là tranh luận về tính công bằng hay không của các vụ kiện này”, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Ban Thư ký - Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại VCCI, phân tích.

Có thể sử dụng biện pháp tự vệ

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết để tự bảo vệ mình, mới đây công ty đã tổ chức một hội nghị khách hàng tại thủ đô Jakarta (Indonesia) và một loạt hoạt động truyền thông để nói lên rằng hàng hóa của Hoa Sen xuất khẩu vào đây tuân thủ đúng các quy định của WTO cũng như Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Nếu họ làm theo ý đồ của các tập đoàn nước ngoài thì sẽ thiệt hại cho chính người tiêu dùng Indonesia. “Chúng ta đang dùng tất cả các cách mà mình có thể để đảm bảo rằng mình không bị thất bại trong vấn đề này. Đấy là cách mà chúng tôi bảo vệ mình khi bị kiện. Nếu các DN của chúng ta, nền kinh tế của chúng ta hướng đến xuất khẩu thì phải chấp nhận nó như một kỹ năng cần thiết trong cuộc chơi toàn cầu”, ông Vũ nói.  

Cục Quản lý cạnh tranh phân tích: Những sản phẩm bị kiện của VN thường rơi vào những mặt hàng sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng loạt, sử dụng nhiều tài nguyên, những mặt hàng nông sản mới qua sơ chế nên giá bán rất rẻ. Vì vậy các DN cần tăng cường sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn bằng cách đầu tư máy móc, công nghệ nhằm ngăn ngừa các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước nhập khẩu. Để giảm nguy cơ chống bán phá giá của các nhà sản xuất nội địa, các DN cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.

Một điều quan trọng là VN cũng phải nhanh chóng áp dụng những biện pháp tương tự để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước và ngăn chặn hàng kém chất lượng. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các biện pháp này được nước ngoài tận dụng khá nhiều. Bất lợi lớn nhất của chúng ta là tham gia sau, khi luật chơi đã được các nước phát triển ấn định và họ có lợi thế trong vấn đề đó vì do chính họ định ra. 

Mỹ thừa nhận tôm VN không bán phá giá

Hôm qua 6.3, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết lần đầu tiên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công nhận DN xuất khẩu tôm VN không bán phá giá. Đây là quyết định sơ bộ lần thứ 7 (giai đoạn từ 1.2.2011 - 31.1.2012). Theo quyết định này, cả bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện đều có mức thuế 0%. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xem xét thuế chống bán phá giá tôm VN nhập khẩu vào Mỹ, DOC công nhận tất cả các DN VN tham gia không bán phá giá.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, đây chưa phải là phán quyết cuối cùng của DOC đối với vụ kiện chống bán phá giá tôm của VN. Tuy nhiên phán quyết này cũng phần nào tạo tâm lý nhẹ nhàng đối với các DN xuất khẩu tôm của VN và DN nhập khẩu tôm của Mỹ.

Mai Phương - Chí Nhân 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.