Bộ GD-ĐT: Không thể bỏ điểm sàn

05/03/2013 22:20 GMT+7

(TNO) Bộ GD-ĐT khẳng định, không thể vì số lượng tuyển sinh mà hy sinh chất lượng đầu vào bằng cách bỏ điểm sàn và có nhiều mức điểm sàn khác nhau.

>> Đề nghị có nhiều mức điểm sàn trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013
>> Nhiều cách xác định điểm sàn
>> Điểm sàn phụ thuộc vào đề thi
>> Ồ ạt xét tuyển bổ sung dưới điểm sàn
>> Không được xét tuyển thí sinh dưới điểm sàn vào liên thông

Cuối giờ chiều nay 5.3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với báo chí thông tin về nội dung buổi làm việc giữa Bộ GD-ĐT với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) vào sáng cùng ngày.

Theo đó, Hiệp hội này đề xuất với Bộ GD-ĐT 3 phương án tuyển sinh. Phương án thứ nhất, cho nhập hai kỳ thi: thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Phương án thứ hai là bỏ điểm sàn hoặc quy định nhiều mức điểm sàn khác nhau tương ứng với từng top trường khác nhau và giao cho các trường tự xác định điểm sàn theo từng khu vực, từng ngành nghề chứ không có một mức điểm sàn chung; Phương án thứ ba là giao cho các trường ĐH, CĐ NCL xây dựng phương án tuyển sinh riêng, đồng thời Hiệp hội này cũng khẳng định là nếu được thì sẽ không tổ chức thi theo hình thức thi ba chung mà chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Ông Bùi Văn Ga cho hay: quan điểm của Bộ GD-ĐT là theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, Bộ ủng hộ tất cả  các trường có đủ điều kiện thì xây dựng đề án tổ chức tuyển sinh riêng. Phương án này có thể là thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả thi và xét tuyển.

“Nhưng dù phương án nào cũng phải có tính thuyết phục, đảm bảo chất lượng đào tạo và tính công bằng, tạo cho xã hội có cơ chế giám sát để yên tâm về chất lượng”, ông Ga nhấn mạnh.

Xung quanh đề xuất bỏ điểm sàn hoặc có nhiều mức điểm sàn khác nhau, ông Ga cho hay: Nếu cho các trường NCL được tuyển sinh một mức điểm sàn riêng thì xã hội sẽ càng có quan niệm phân biệt hai loại hình trường này. Việc làm đó chỉ giải quyết được vấn đề tuyển sinh trước mắt của các trường trong một vài năm nhưng như vậy, sẽ rất khó khăn cho các em ở các trường NCL khi ra trường, tìm kiếm việc làm. Việc bế tắc trong tuyển sinh khi ấy sẽ trở lại và chắc chắn càng trầm trọng hơn.

Năm nay, Bộ đang nghiên cứu đổi mới cách xây dựng mức điểm sàn. Làm sao số lượng thí sinh đạt điểm sàn dồi dào hơn, tạo nguồn tuyển cho các trường ở địa phương và các trường NCL. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào vẫn phải đảm bảo, dù điểm sàn thay đổi thế nào thì vẫn phải đạt chất lượng tối thiểu, không thể hạ điểm sàn một cách quá mức.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.