Món ngon cúng cụ

04/03/2013 16:15 GMT+7

(TNTS) Bỏ qua những thông tin không bao giờ kiểm chứng được về vận động hậu trường thì chiến thắng của Argo hoàn toàn xứng đáng, ít nhất là trong mắt đại đa số dân Mỹ. Xét cho cùng, Oscar vẫn là giải của Mỹ nên nếu phải chọn giữa nhiều phim hay thì đương nhiên phim ca ngợi Mỹ phải là xuất sắc nhất.

Danh sách đề cử năm nay có đến 9 tác phẩm, gồm đủ các chủ đề yêu thích của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ là chính trị, tình yêu và thân phận con người. Thế nhưng thực chất thì ngay từ đầu, giải Phim hay nhất chỉ là cuộc đua song mã giữa Argo Lincoln. Trong một chừng mực nào đó, cả hai đều là phim “cúng cụ”. Xuất phẩm của Steven Spielberg là câu chuyện về những quyết định lịch sử của “cha già nước Mỹ” Abraham Lincoln trong cuộc nội chiến. Trong khi đó, Argo kể về cuộc giải cứu có thật, đưa 6 nhân viên ngoại giao rời khỏi Iran sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Vậy đó, một phim ca ngợi tổng thống Mỹ, một phim ca ngợi CIA. Ưu thế của 2 phim trước giải và chiến thắng sau cùng của Argo là bằng chứng cho thấy “cúng” cũng phải có nghệ thuật.

 Cảnh trong phim Argo
Cảnh trong phim Argo - Ảnh: Bloomberg

Lincoln là một tác phẩm hay nhưng không đột phá của Spielberg. Cũng đúng thôi khi ông nay đã thuộc dạng lão thành của Hollywood. Vẫn thấy hơi hướng của Schindler's List năm nào: hoành tráng, sử thi, đôi khi hơi “cải lương” và có một nam chính tuyệt đỉnh (không có gì ngạc nhiên khi Daniel Day-Lewis đoạt giải Nam chính xuất sắc lần thứ ba với vai Lincoln). Ban đầu, ai cũng nghĩ đây sẽ là lựa chọn an toàn của Viện Hàn lâm nhưng rồi Ben Affleck lại bày ra một món cúng còn ngon hơn.

So với một Lincoln có phần nặng nề thì Argo cuốn hút hơn nhiều. Có lẽ khi chọn phim này, các thành viên Viện Hàn lâm muốn chứng tỏ không phải phim đoạt giải Oscar nào cũng “khó xem và gây buồn ngủ”. Nếu tạm bỏ qua mấy chuyện chính trị thì Argo có thể được xem là một bộ phim giải trí đỉnh cao của Hollywood: nghẹt thở, phấn khích, đôi chỗ hài rất duyên. Thường bị chê về diễn xuất và luôn “dưới cơ” người bạn thân Matt Damon, Ben Affleck đã tìm được nơi thích hợp cho mình - ghế đạo diễn. Từ Gone Baby Gone qua The Town và nay với Argo, anh cho thấy mình có thể kể những câu chuyện nặng nề một cách vô cùng duyên dáng, vừa đúng “công thức Hollywood” vừa có những sáng tạo riêng. Affleck cũng sẵn sàng gây tranh cãi khi bóp méo lịch sử, cố tình “dìm hàng” vai trò của Canada, Anh và New Zealand để đề cao CIA trong cuộc giải cứu. Mặc những lời chỉ trích, Argo càn quét các giải thưởng đồng thời thắng đậm về doanh thu. Cúng vậy mới là cúng chứ không phải cứ đến hẹn lại lên, gặp dịp kỷ niệm gì lại lấy tiền nhà nước ra làm qua quít một hai phim về chiến tranh, chiếu không ai xem rồi lại cất kho.

Điều lạ là không biết do Viện Hàn lâm ghét bỏ gì Affleck hay lo sẽ gây tranh cãi chính trị với các nước khác mà tên anh thậm chí không nằm trong danh sách đề cử Đạo diễn xuất sắc dù Argo đoạt giải Oscar quan trọng nhất. Ở tình thế ngược lại nhưng cũng không kém phần trớ trêu là Lý An khi lần thứ hai ông ôm tượng vàng cho đạo diễn nhưng tác phẩm thì không được công nhận là phim hay nhất.

Mặt khác, không biết có phải trùng hợp hay do thời buổi suy thoái, cuộc sống đã đủ khó khăn rồi nên những lựa chọn của Viện Hàn lâm gần đây đều là những tác phẩm tương đối “tươi sáng”. Trừ The Hurt Locker quá nổi bật năm 2010 thì những Slumdog Millionaire, The King’s Speech, The Artist rồi Argo đều kết thúc có hậu và để lại dư vị thỏa mãn cho người xem.

Trọng Kha

>> Skyfall "đánh văng" Argo tại Anh
>> Iran chỉ trích giải Oscar cho phim "Argo
>> Argo" đoạt Oscar Phim hay nhất
>> Zero Dark Thirty" và "Argo" thắng lớn giải tiền Oscar
>> Argo liên tiếp đoạt giải
>> Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ chọn "Argo" là phim hay nhất
>> Quả cầu vàng 2013: Argo hạ gục Lincoln
>> “Argo” giành giải phim hay nhất Critics Choice Movie Awards

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.