Phong Nha lại “nóng” vì gỗ huê

02/03/2013 03:20 GMT+7

Suốt đêm 28.2 cho đến ngày 1.3, nhiều người vẫn tập trung trên sông Son (xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) để theo dõi, lặn tìm gỗ huê; trong khi đó, không ít người lạ mặt đã xuất hiện ở Phong Nha.

Hy vọng đổi đời

Như Thanh Niên đã thông tin, anh Nguyễn Văn Lâm - người bủa lưới cá mắc phải gỗ huê là trường hợp đầu tiên vớt gỗ từ sông lên, sau đó người dân thôn Na cũng tham gia lặn vớt. Theo ghi nhận của chúng tôi, chiều tối 28.2, sau khi đã vớt được hầu hết gỗ như dự tính và được sự vận động của cơ quan chức năng thì dân địa phương (đa số ở thôn Na) đã giải tán. Tuy nhiên, đến đêm khuya, hàng chục người quay trở lại tụ tập hai bên bờ sông, số khác tiếp tục lặn tìm dưới đáy sông. Dường như suốt đêm đó dân địa phương không ngủ, người theo huê đã đành nhưng có người không thể ngủ nổi vì tiếng xua đuổi, reo hò lặn trúng huê. Đến sáng 1.3, hàng chục người thôn Na tiếp tục tìm kiếm bằng đò hút cát và lặn bằng ống hơi. Tuy nhiên, vật phẩm thu được chỉ là rác, dây thừng buộc neo đò, lồng cá. Ước tính nước sông khu vực đó sâu khoảng 6-8 m; đã có người bị chảy máu miệng phải ngoi lên bờ.

Diễn biến sự việc tương tự như vụ giành giật gỗ từ 3 cây huê cổ thụ bị đốn hạ trước đó trong khu vực. Sau khi 2 anh Lâm và Hạt lặn đưa được gỗ huê lên thuyền thì tin tức bắt đầu rò rỉ, nhiều người kéo đến. Trong số đó có ông Thiên - người thôn Trằm Mé, là thợ lặn có tiếng trong vùng. Ông Thiên cùng một số người lặn tìm được 3 tấm huê mặt nhưng ngay lập tức bị nhóm “số má” ở thôn Phong Nha tổ chức cướp tại trận. Phía ông Thiên và dân thôn Na tìm cách giật lại nhưng không được. Sau đó, nhóm Phong Nha gọi thêm đồng đội ở các địa phương khác như Thọ Lộc đổ về. Số người này có mặt, ngồi hàng tiếng đồng hồ tại các quán cà phê, quán ăn và thuê nhà nghỉ ở Phong Nha chờ hiệu lệnh.

Dân thôn Na ở bên kia sông cũng không chịu thua, đề phòng bị dân vùng khác lặn tìm mất gỗ nên trong đêm họ mai phục thường trực trên bờ, hễ nghe tiếng động là ném đá rào rào xuống sông. Vì thế, thuyền chở tổ tuần tra 7 người của Công an xã Sơn Trạch trên sông vô tình trở thành mục tiêu tấn công, hậu quả Phó công an xã Lê Quý Lam bị ném đá trúng chân.

Phong Nha lại “nóng” vì gỗ huê
Dân thôn Na thuê thuyền hút cát để hút dò gỗ - Ảnh: T.Q.Nam

Lại chuyện quản lý

Trưởng công an xã Sơn Trạch Nguyễn Hữu Chí cho biết: “Sự việc bắt đầu khoảng 11 giờ ngày 28.2, đến 13 giờ thì công an viên ở địa bàn điện báo cho tôi. Lập tức tôi báo cáo lên lãnh đạo xã và đến hiện trường kiểm tra, lúc đó người tập trung rất đông, người bẻ, lôi, người chặt làm gớm lắm. Sau đó tôi mới điện báo cho kiểm lâm”.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi tiếp nhận ý kiến cho rằng: cũng giống như vụ 3 cây huê cổ thụ bị đốn hạ trong lâm phận vào tháng 4.2012, một lần nữa việc nắm bắt thông tin của lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng quá chậm. Chỉ có khác là, lần này, địa điểm xảy ra vụ việc nằm ngay trung tâm, rất gần với trụ sở các cơ quan chức năng. Và khi tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng chưa thực sự quyết liệt, chính xác để thu giữ gỗ khiến dư luận không khỏi nghi ngờ.

Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, Phó giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Hoàng Hải Vân cho rằng: “Nói chậm là không phải vì khi hai người kia phát hiện ra và lặn vớt lên thì rất khó biết, khu vực đó tập trung đông thuyền bè nên có thấy cũng nghĩ người dân làm ăn bình thường. Sau khi tiếp nhận thông tin, ngay lập tức chúng tôi cũng như lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện... có mặt, phương án đầu tiên là giải tán đám đông, tránh xảy ra tình huống xấu. Hiện mục tiêu chính cũng nhằm ổn định tình hình, về phần lâm sản thì Ban Chỉ đạo các vấn đề cấp bách của tỉnh đã vào cuộc để có hướng xử lý giải quyết vụ việc như theo dõi biến động, chốt chặn các ngả ra vào”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.