“Sốt” máy gặt đập liên hợp

28/02/2013 10:15 GMT+7

Nhiều nông dân ở ĐBSCL phải chịu thiệt thòi khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân, nhưng dịch vụ máy cắt thiếu trầm trọng, giá cả tăng chóng mặt.

Nông dân bị động

Mùa nước nổi vừa rồi nhỏ và rút sớm nên nông dân xuống giống lúa đông xuân sớm hơn mọi năm. Vì vậy, nhiều nơi lúa chín đúng vào Tết Nguyên đán. Ông Ngô Thành Thiện (ở ấp Kênh 4B, xã Tân An, H.Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết: “Trong mấy ngày tết lúa chín đổ rạp, càng để lâu càng khó thu hoạch, tôi phải vội vàng chạy tìm máy cắt. May sao trong ấp có người vừa mua chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) GĐLH hiệu Kubota, họ chấp nhận xuống đồng vào chiều mùng 2 tết. Thế là cả nhà mang bánh trái ra ruộng, vừa ăn tết vừa theo máy gặt chuyển lúa về nhà”. Cũng theo ông Thiện, nhiều hộ phải đợi đến mùng 6, mùng 7 mà vẫn không tìm được máy, đến khi thuê được máy thì lúa đã chín rục ngoài đồng, hao hụt rất nhiều.

  
 Máy GĐLH hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa - Ảnh: Đặng Ngọc

 
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết nếu thu hoạch thủ công thì tỷ lệ hao hụt lên tới 12 - 15%, thu hoạch bằng máy thì thất thoát khoảng 10%. Như vậy, nếu nơi nào thu hoạch trễ thì tỷ lệ thất thoát có thể lên tới 15%.

 Tại các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, tình trạng thiếu máy cắt cũng rất nghiêm trọng. Ông Nguyễn Đình Cảnh (ngụ ấp An Thái, xã An Khánh, H.Châu Thành, Đồng tháp) có hơn 1 ha, nhưng lúa chín 3 ngày rồi mà vẫn không có máy cắt. “Tôi chấp nhận tăng giá 10 - 15% nhưng chủ máy vẫn khoát tay, từ chối. Cuối cùng, tôi phải thuê nhân công gặt lúa bằng tay và thuê máy tuốt lúa, khiến giá thành thu hoạch đội lên gấp 2 - 3 lần so với thuê máy GĐLH”, ông Cảnh nói.

Giá tăng từng ngày

Theo ông Đỗ Anh Tuấn (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang), do ai cũng nóng lòng muốn thu hoạch lúa sớm nên chủ máy được dịp làm giá. Thời điểm trước tết, giá công cắt bao sân (cắt, đóng bao, đưa lúa về đến nhà) chỉ 1,5 triệu đồng/ha thì nay đã tăng lên 2 - 2,5 triệu đồng/ha (tùy lúa đổ ngã nhiều hay ít). Ông Đỗ Văn Hùng, một chủ máy GĐLH ở xã Vĩnh Thạnh Trung, H.Châu Phú (An Giang), nói: “Từ đầu vụ tới nay, 2 chiếc máy GĐLH của tôi phải chạy liên tục ngày đêm. Năm nay lúa chín bị đổ ngã nhiều nên 1 máy GĐLH hoạt động hết công suất cũng chỉ được 3 công/giờ, trong khi bình thường lúa đứng, nền đất khô, bằng phẳng thì là 6 công/giờ. Do vậy khó đáp ứng hết nhu cầu gặt lúa của nông dân”.

Ông Phù Khí Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.300 máy GĐLH, cộng với lượng máy lưu động từ các tỉnh lân cận qua làm dịch vụ cũng chỉ đáp ứng được  60 - 65% nhu cầu gặt lúa. Năm nay do gieo sạ đồng loạt, thời gian thu hoạch ngắn nên tình trạng khan hiếm máy rất nghiêm trọng. Ngay như H.Tân Hiệp, địa phương có số lượng máy GĐLH nhiều nhất tỉnh (khoảng 500 máy), cũng rất khó thuê được máy. Tại các huyện Gò Quao, Châu Thành, Giồng Riềng… nông dân phải chạy đôn chạy đáo thuê máy với mức giá khá cao. Theo ông Nguyên, khi bị thiếu máy gặt thì nông dân chịu nhiều thiệt thòi. Ngoài việc thuê giá cao, còn phải chấp nhận thu hoạch cả ban đêm, lúa bị ướt do sương xuống nhiều dẫn đến tỷ lệ lúa bị thất thoát lớn. Đó là chưa nói đến tình trạng có quá nhiều người kêu nên không ít chủ máy cố tình chạy ẩu, chạy nhanh cho kịp thời gian, lúa bị sót lại ruộng rất nhiều.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, đến nay cả ĐBSCL có trên 7.000 máy GĐLH và trên 3.500 máy gặt xếp dãy. Do vụ đông xuân năm nay bà con trong vùng xuống giống đồng loạt, thu hoạch cùng lúc nên máy gặt chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Dự kiến đến năm 2015, khi số lượng máy GĐLH tăng lên 15.000 chiếc thì toàn bộ diện tích trong vùng sẽ được thu hoạch bằng máy.

Đặng Ngọc

>> Thiếu người điều khiển máy gặt đập liên hợp
>> Hậu Giang: Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp
>> Thất thoát lúa do thiếu máy gặt đập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.