Phải bảo vệ phóng viên tác nghiệp chính đáng

27/02/2013 03:15 GMT+7

Ngày 26.2, tại TP.Cần Thơ, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.Cần Thơ tổ chức hội thảo “nhận diện hành vi cản trở tác nghiệp báo chí”, dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại VN.

Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc RED, cho biết qua khảo sát (thực hiện từ  1.7-15.8.2011) có 12 nhóm hành vi cản trở tác nghiệp báo chí mà các phóng viên, nhà báo đã nhận diện. Trong đó, phổ biến nhất là né tránh cung cấp thông tin (52,60% số người được hỏi xác nhận đã gặp tình trạng này), dẫn đến người bị cản trở không hoàn thành được tác phẩm báo chí (do thiếu thông tin, do thông tin sai lệch, hoặc do không được cung cấp kịp thời trong khi sự kiện cần được phản ánh gấp).

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Pháp luật chính sách Cục Báo chí - Bộ TT-TT, cho biết Nghị định 02/2011 của Chính phủ đã có khung pháp lý quy định về quyền tác nghiệp của nhà báo và quy trình xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở tác nghiệp báo chí cũng như trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, hiện nay do nhận thức xã hội cũng như Nghị định 02/2011 đều cho rằng nhà báo phải là người được cấp thẻ nhà báo (Theo báo cáo tại hội thảo, đến tháng 3.2011 cả nước có gần 17.000 người được cấp thẻ nhà báo và trên 5.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nhưng chưa có thẻ); người chưa/không được cấp thẻ thì không được công nhận là nhà báo nên thực tế có một tỷ lệ rất lớn người bị cản trở trong lúc tác nghiệp báo chí là những người không có thẻ.

Ông Lê Đình Hoan, Chánh thanh tra, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng cần đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi của những phóng viên tác nghiệp báo chí chính đáng, đúng luật pháp mà lại chưa/không có thẻ nhà báo. Do không được thừa nhận nên trong những vụ cản trở tác nghiệp báo chí ở VN nhiều năm qua, có không ít trường hợp nạn nhân là phóng viên, cộng tác viên báo chí đã không nhận được sự chú ý cần thiết của dư luận cũng như sự bảo vệ từ pháp luật. Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ những đối tượng cản trở có tâm lý xem thường và “bắt nạt” những người hành nghề báo chí mà chưa/không có thẻ.

12 nhóm hành vi cản trở tác nghiệp báo chí

Nhóm 1: Né tránh cung cấp thông tin (52,60%)
Nhóm 2: Gây khó dễ (47,66%)
Nhóm 3: Mua chuộc (24,48%)
Nhóm 4: Gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp (33,85%)
Nhóm 5: Thu giữ phương tiện tác nghiệp (20,57%)
Nhóm 6: Phá hoại phương tiện tác nghiệp (12,24%)
Nhóm 7: Đe dọa (18,49%)
Nhóm 8: Giữ người (14,32%)
Nhóm 9: Quấy rối tình dục (4,69%)
Nhóm 10: Vu khống (9,11%)
Nhóm 11: Tấn công, gây thương tích (9,11%)
Nhóm 12: Trả thù (7,55%)

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.