Vụ kiện chống trợ cấp tôm VN tại Mỹ: Người tiêu dùng thiệt nhất!

26/02/2013 16:41 GMT+7

(TNO) Ngày 25.3 là thời hạn cuối để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trả lời bản câu hỏi của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) liên quan đến vụ kiện chống trợ cấp tôm Việt Nam tại Mỹ.

(TNO) Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay sau khi nhận được câu hỏi từ phía Bộ Thương mại Mỹ (DOC), từ sau Tết âm lịch, doanh nghiệp thủy sản cũng như các luật sư nước ngoài đã làm việc gấp rút để kịp thời trả câu hỏi cho DOC đúng hạn ngày 25.3.

“Còn công việc tiếp theo là gì thì bên mình cần dựa vào động thái của phía Mỹ để tính tiếp. Dù kết quả thắng thua thế nào thì khi xảy ra vụ kiện chống trợ cấp, bên thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”, ông Hòe nhấn mạnh với Thanh Niên Online.

Vụ kiện phức tạp

* Trong vụ kiện này, chi phí để doanh nghiệp Việt Nam thuê luật sư nước ngoài như thế nào, thưa ông?

- Doanh nghiệp thuê luật sư từ Mỹ. Đây là các luật sư đã biện hộ cho doanh nghiệp Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá hiện đang còn tiếp diễn. Chi phí thì luật sư ký trực tiếp với các doanh nghiệp là các bị đơn bắt buộc. Các doanh nghiệp thủy sản không phải là bị đơn bắt buộc cũng tham gia nhưng chỉ ở mức độ nào đó thôi.

 
Ngành tôm đang gặp nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ

* Ông đánh giá vụ kiện này có phức tạp so với vụ kiện chống bán phá giá trước đây không?

- Hai vụ kiện này hoàn toàn khác nhau và vụ kiện nào cũng khó khăn, mệt mỏi cả. Trong vụ kiện chống trợ cấp lần này có rất nhiều vấn đề mình cần giải quyết. Chỉ riêng hơn 20 cáo buộc trong vụ kiện có rất nhiều thông tin, rất nhiều vấn đề mà mình phải xử lý và phải đưa ra được những lập luận cụ thể để phản bác.

Theo những thông tin mà luật sư thông báo lại thì vụ kiện chống trợ cấp rất khó, rất phức tạp và không phải vụ kiện chống trợ cấp nào cũng giống nhau. Điều đáng mừng là luật sư của doanh nghiệp Việt Nam trong vụ kiện lần này chính là luật sư trong vụ kiện chống trợ cấp ống thép mà Việt Nam vừa chiến thắng.

Tuy nhiên họ nói rằng hai vụ này không giống nhau mặc dù các vụ kiện chống trợ cấp đều tập trung vào chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Lập luận phản bác phải chắc chắn

* Nghĩa là kiện chống trợ cấp trong các mặt hàng nông nghiệp sẽ nảy sinh nhiều yếu tố khó khăn so với lĩnh vực ống thép?

- Kiện chống trợ cấp mặt hàng ống thép cũng liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, vấn đề mua hay thuê đất… Những cái này thì cũng giống với cáo buộc mặt hàng tôm chứ có khác gì đâu. Nếu lĩnh vực nông nghiệp được Nhà nước trợ giá hay gì khác thì còn có chuyện để nói, đằng này trên thực tế có được ưu tiên gì đâu.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực này muốn xây nhà máy cũng phải đi thuê đất, mua đất với giá thị trường; muốn có vốn thì phải vay ngân hàng với lãi suất giống nhau…

Tuy nhiên, tùy tình hình hay từng thời gian cụ thể thì mức thuế hay chính sách sẽ được áp ở từng mức khác nhau. Thậm chí ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động sẽ có một số chính sách áp dụng cho doanh nghiệp để phù hợp đặc thù của địa phương đó.

Cái cần làm của nhà chức trách và doanh nghiệp Việt Nam là phải đưa ra những số liệu, con số để chứng minh cho phía Mỹ hiểu. Cái khó là ở chỗ đó.

Cho nên ngoài việc làm việc với các cơ quan trung ương, các luật sư phải làm việc với địa phương để đưa ra lập luận chắc chắn phản bác cáo buộc từ phía Mỹ.

* Ông có cho rằng từ vụ kiện chống phá giá đến chống trợ cấp liên quan đến thủy sản là hệ quả tất yếu khi thủy sản Việt Nam tăng trưởng quá nhanh và tạo ra lo sợ từ nước nhập khẩu?

- Cũng không hẳn như vậy vì vụ này có tới 7 nước bị kiện chứ đâu riêng gì Việt Nam. Trong số các nước bị kiện, không phải nước nào cũng xuất khẩu nhiều, nhưng có một điểm chung là đều xuất qua Mỹ. Từ đó cho thấy họ không thể ngăn cản được bằng thuế chống bán phá giá thì giờ quay qua cản bằng vụ kiện chống trợ cấp. Đây là vấn đề cạnh tranh của các nhà sản xuất ở bên Mỹ.

Tuy nhiên, việc kiện được luật pháp Mỹ cho phép nên người ta cứ kiện. Liên minh tôm Miền Nam (SSA) của Mỹ cũng đã kiện chống bán phá giá rồi. Nay có thể Liên minh Công nghiệp tôm vùng vịnh Mỹ (COGSI) cũng muốn tạo thanh thế hay mục đích nào khác bằng việc tạo ra vụ kiện này thì sao? Cái này mình đâu biết được.

Tuy vậy điều ai cũng biết là có phải đóng thuế kiện chống trợ cấp thì phía phải trả chính là người tiêu dùng Mỹ.

* Thông tin vụ kiện chống trợ cấp đã ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Mỹ hay chưa?

- Vụ kiện mới xảy ra, lại đầu năm nên mình cũng chưa có sự thống kê cụ thể về mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên vụ kiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng về mặt tâm lý của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Lựa chọn hai bị đơn bắt buộc

Hai doanh nghiệp được DOC chọn làm bị đơn bắt buộc trong vụ kiện chống trợ cấp  là Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú và Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods. Bản câu hỏi điều tra cũng được DOC gửi cho hai doanh nghiệp này.

Vào ngày 28.12.2012, COGSI đã gửi đơn kiện lên DOC đối với tôm nhập khẩu từ bảy nước, trong đó có Việt Nam, do nghi ngờ ngành tôm của những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ.

Bài, ảnh: Trung Hiếu

>> Vụ kiện chống trợ cấp tôm nhập khẩu: Thu thập chứng cứ bảo vệ DN
>> Phản đối vụ kiện chống trợ cấp tôm từ Việt Nam
>> Thép VN bị kiện phá giá, trợ cấp
>> Việt Nam không trợ cấp cho ngành tôm
>> Mỹ khẳng định sản phẩm mắc áo VN được trợ cấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.