Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 6: Sống trên “mỏ” cổ vật

23/02/2013 00:30 GMT+7

Trong khi không ít người sục sôi với cổ vật Óc Eo thì những người sinh sống ngay tại các khu di chỉ lại điềm nhiên với những thứ "ngàn năm để lại”.

Trong khi không ít người sục sôi với cổ vật Óc Eo thì những người sinh sống ngay tại các khu di chỉ lại điềm nhiên với những thứ "ngàn năm để lại”.

>> Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 5: Bảo tàng xin cổ vật

Bãi tha ma cổ vật

Nếu không nhìn xuống lớp thảm đất đá nhiều màu cổ vật bị vỡ vụn, khi bước vào khu vườn rợp tán xoài, chúng tôi sẽ không tin rằng địa chỉ này là gò Giồng Cát. Cảnh yên bình đã xóa lấp dấu tích một thời dậy sóng với những đoàn người đi bòn vàng, tìm cổ vật. Bí ẩn của các khu di chỉ đều nằm sâu trong lòng đất. Mọi dấu tích khai quật đều được sắp xếp lại bởi bàn tay của những người về đây trồng cây, nuôi cá.

Năm 1986, trước cảnh lộn xộn của đội quân bòn vàng kéo đến cày xới khu Giồng Cát, một số hộ dân được đưa về đây nhận đất canh tác. Mục đích là để đất có người canh giữ. Gia đình bà Văn Thị Kim Hai từ Giồng Riềng (Kiên Giang) được cấp 2 công tầm cắt. Tại gò Giồng Cát, khi cơn sóng vàng tạm lắng, những gì còn lại là một “bãi tha ma cổ vật”. Bà Hai kể ngày đầu tới đây, bà cảm thấy choáng vì khu đất bị “khoét lỗ như khuôn bánh khọt”. Cả gia đình bà phải ngày đêm ra sức san đất cho bằng phẳng, lên liếp trồng cây.

Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 6: Sống trên “mỏ” cổ vậtSăn cổ vật Óc Eo - Kỳ 6: Sống trên “mỏ” cổ vật 1
Căn nhà đá cổ tại gò Giồng Cát - Ảnh: T.T

Cặp khu đất bà Hai là căn nhà nhỏ được làm bằng những phiến đá cổ xếp chồng nhau. Phía trước nhà có một hố sâu, trong nhà dây leo phủ đầy. Những người ở đây cho biết ông Bảy Long đã bỏ hoang căn nhà này để về Rạch Giá chăm sóc mẹ già hơn năm nay. Khi mới về đây, thấy trong số đất đá bị vứt tứ tung có nhiều phiến đá được người xưa cắt đẽo, ông Long đã dày công gom nhặt đem về, sắp đặt thành căn nhà nhỏ. Bà Hai nói hố đất trước cửa nhà ông Long là dấu tích duy nhất còn lại của thời người ta đến đây bòn vàng. Ngay tại hố đất này, đôi vợ chồng nghèo từ phương xa khi trước đã tìm được 52 lượng vàng. Đến lúc ông Long về đây lập vườn, ông chừa lại hố đất này không lấp để làm kỷ niệm, vừa sử dụng làm giếng nước.

Khi một vài gia đình được cấp đất tại gò Giồng Cát, thiên hạ cứ trầm trồ các hộ dân nghèo này sẽ “hốt bạc”. Chẳng cần phải đi đâu, không vàng cũng cổ vật ngay dưới chân mình. Tuy nhiên, những người về nhận đất ở đây đều lắc đầu khi được hỏi về những vật quý “từ dưới đất chui lên”. “Đó là chuyện của người khác”, bà Hai nói và khẳng định từ khi về đây gia đình bà chưa hề thấy vàng hay cổ vật. Nhưng có một ưu đãi là đất ở đây trồng cây rất tốt. Vườn xoài năm nào cũng trĩu quả. Với gia đình bà, cuộc sống như thế đã là an nhiên rồi.

Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 6: Sống trên “mỏ” cổ vật 2
Anh Khưu Hoàng Vinh, hộ dân sống di chỉ Gò Cây Thị đã được phát lộ

“Mót hôi” vật quý

Mấy tháng trước, khi chuyện buôn bán chuỗi hạt Óc Eo nóng lên thì cánh bòn cổ vật lại ngấp nghé trở lại các di chỉ Óc Eo để “mót hôi” những thứ còn sót lại. Nếu như tại gò Giồng Cát trước đây nổi tiếng với vàng thì tại gò Óc Eo cách đó không xa người ta đã tìm thấy rất nhiều chuỗi hạt. Lại có chuyện “đụng tới chính quyền”. Hai hộ dân đã cho một hộ dân khác thuê lớp đất ruộng để đào bới tìm chuỗi hạt. Ông Nguyễn Hùng Em, Phó chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo, nói những người thuê đất đãi chuỗi hạt chỉ làm trong thời gian ngắn. Xong việc họ sẽ lấp đất lại trả nguyên hiện trạng để chủ đất tiếp tục trồng lúa. Tuy nhiên, gò Óc Eo là khu di chỉ nên việc đào bới tìm cổ vật đều bị cấm. Địa phương đã mời chủ đất đến nhắc nhở và buộc cam kết không được cho thuê đất để đào cổ vật nữa.

Có một điểm chung của những người sở hữu đất tại các di chỉ Óc Eo là họ xem chuyện tìm kiếm cổ vật chẳng liên quan đến mình. Anh Ngô B S có 12 công đất ngay gò Óc Eo, kể thời gian trước, lúc đi làm ruộng ở đây có ngày anh chứng kiến 70 - 80 người kéo đến đào bới gò đất cao để tìm chuỗi hạt. “Thường đó là những người không có công ăn việc làm, chứ đãi chuỗi kiếm được bao nhiêu tiền đâu, thua tui đi làm mướn công nhật”. Chuỗi hạt ngày càng ít đi. Diện tích nhỏ trên gò Óc Eo là “của chung”, có thể đào xới “chui”, còn bước ra khỏi khu vực gò thì đất đã có chủ. Anh B S nói anh không quan tâm chuyện cổ vật. Vì đất ở đây canh tác tốt, mỗi năm trúng 3 vụ lúa, thì “dại gì mình lại đào bới lên cho hại đất”.

“Trước giữ bò ở đây gặp chuỗi hạt, tui đem về cho đám nhỏ đeo chơi, rồi chúng cũng vứt mất hết”, anh Khưu Hoàng Vinh, hộ dân có nhà bên cạnh khu di chỉ gò Cây Thị, kể. Anh cho biết xưa nay “nghe nói” đến cổ vật chứ gia đình anh chưa bao giờ lật tung 20 công đất nhà để tìm thứ gì. Anh Vinh được thuê bảo vệ khi di chỉ gò Cây Thị đã khai quật, đó là điều bận tâm hiếm hoi của anh đối với cổ vật.

Một câu hỏi lặp đi lặp lại khi chúng tôi đến nói chuyện với những người dân sống tại các di chỉ Óc Eo là “đất chừng nào bị giải tỏa?”. Họ không tiếc vì số cổ vật đâu đó trong lòng đất, mà vì một lý do đơn giản: biết còn đất ở đâu tốt hơn ở đây?

Tiến Trình

>> Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 5: Bảo tàng xin cổ vật
>> Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 4: Nghề vá cổ vật
>> Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 3: Bát nháo chuyện buôn cổ vật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.