Đại dương mắc ma trên sao Thủy

22/02/2013 14:20 GMT+7

(TNO) Sao Thủy, hành tinh nằm gần mặt trời nhất, có thể từng sở hữu một đại dương mắc ma rộng lớn và cuộn sóng vào buổi đầu sơ khai trong lịch sử 4,5 tỉ năm của nó.

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phân tích bề mặt đầy đá hiện tại của sao Thủy, dựa trên dữ liệu thu thập được từ tàu thăm dò Messenger của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Tàu Messenger quay quanh quỹ đạo sao Thủy từ tháng 3.2011, mang theo sứ mệnh dựng lại lịch sử của hành tinh này.

Các đặc tính kết cấu hóa học của đá trên bề mặt cho thấy từng hiện diện một đại dương mắc ma lỏng khổng lồ trên sao Thủy, xuất hiện khi sao Thủy mới được 1 đến 10 triệu tuổi, theo báo cáo đăng trên chuyên san Earth and Planetary Science Letters.

Messenger đã giúp xác định được 2 kết cấu đặc trưng của bề mặt sao Thủy, và các cuộc thí nghiệm cho thấy những kết cấu này chỉ có thể được giải thích bằng hiện tương: một đại dương mắc ma rộng lớn tạo ra hai lớp tinh thể khác nhau, hóa cứng và dần dần tan chảy vào bể mắc ma này.

“Điều ấn tượng là quá trình đó không xảy ra mới đây. Vỏ sao Thủy có thể đã hơn 4 tỉ năm tuổi, do vậy biển mắc ma này thật sự là một điểm đặc trưng từ thời cổ đại”, theo nhà địa chất học Timothy Grove của MIT.

Hạo Nhiên

>> Phát hiện hành tinh nhỏ nhất
>> Nga muốn lập "lá chắn tiểu hành tinh
>> Tiểu hành tinh lướt ngang Trái đất vào ngày 15.2
>> Dải Ngân hà chứa 17 tỉ hành tinh cỡ Trái đất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.