Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 6: Suồng sã với thần linh

21/02/2013 00:00 GMT+7

Tiền vẫn được ném tại cửa Phật, cửa thánh. Muối và gạo rắc bừa bãi. Hòm công đức được đặt thêm một cách vô lý để tiếp tay cho nếp nghĩ “lo lót thánh thần”.

Cô cháu gái cứ đi hai bước lại dừng một bước để chờ cho bà Cầm cùng leo lên đỉnh gò Đống Đa, Hà Nội - nơi có phiến đá khắc dòng chữ “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Câu nói quật cường tinh thần dân tộc ấy mấy người mà không biết.


Hòm công đức đặt một cách phản cảm dưới chân phiến đá khắc dòng chữ “ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” - Ảnh: Ngọc Thắng 

Nhưng rồi bà sững lại trước phiến đá. Một hòm công đức đã xuất hiện ngay trước đó từ lúc nào. “Trước kia, dưới phiến đá có vài chân nhang chứ không hề có hòm công đức này. Sao lại đặt thùng tiền trước biểu tượng chống ngoại xâm”, bà nói giọng ấm ức. Nhưng xung quanh, không phải ai cũng ấm ức như bà, họ liên tục bỏ tiền vào đó. Dường như họ đã quá quen với việc bày tỏ lòng thành như vậy.

Hòm công đức ở gò Đống Đa chỉ là một trong nhiều hòm công đức được đặt thêm tại các di tích. Dù phản cảm, nó cũng chỉ là một trong nhiều cách để khách hành hương bày tỏ sự kính trọng, hay cầu may. Tại chùa Bái Đính, Ninh Bình tiền được rải khắp mặt trống đồng - như một kiểu hòm công đức mới của khách du xuân.

“Tôi nghĩ người hành hương đang có biến chuyển lạ lùng về cách thức thực hành văn hóa”, một nhà dân tộc học (đề nghị không nêu tên) cho biết. “Càng ngày càng nhiều người nghĩ nên dùng tiền để mua lấy may mắn, công đức. Nhưng cách thức cống hiến món tiền ấy ra sao - “văn hóa chuyển tiền” như thế nào họ lại không quan tâm. Trong khi hành vi văn hóa ấy mới là điều quan trọng. Nếu không, chẳng khác gì lẳng tiền vào mặt thần linh ép mà lo lót”.

 

Càng ngày càng nhiều người nghĩ nên dùng tiền để mua lấy may mắn, công đức. Nhưng cách thức cống hiến món tiền ấy ra sao -  “văn hóa chuyển tiền” như thế nào họ lại không quan tâm. Trong khi hành vi văn hóa ấy mới là điều quan trọng. Nếu không, chẳng khác gì lẳng tiền vào mặt thần linh mà lo lót

Một nhà dân tộc học

Trên thực tế, thói quen “mặc cả với thần linh” không phải bây giờ mới có. Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, người xưa đã có nếp nghĩ dâng lễ để cầu xin thần Phật ban cho mình một điều gì. GS Trần Lâm Biền phân tích rằng người Việt luôn lấy chữ Hòa làm trọng, và do đó muốn hòa với thần linh. “Kèm theo đó là tính thực dụng của nông dân, nên trong nhiều trường hợp đã có quan niệm thần linh là một thứ công cụ tinh thần phải vì con người mà tồn tại. Nên trong lễ hội, mối quan hệ với thần linh vừa là sự kính trọng, vừa mang tính chất giao nhiệm vụ”, ông Biền nói.

Bất kính và hám lợi

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, theo PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, là việc xin cho, dâng lễ vật đã mang màu sắc suồng sã, bất kính, thậm chí hám lợi. Nó thậm chí còn có thể là chỉ báo của sự lan tràn thói quen đổi chác, hoặc muốn cái này phải “lót tay, chạy chọt” cái kia. “Điều buồn nhất là không thấy sự hành lễ đúng nghi thức, đúng văn hóa ở đây. Sự đứt gãy văn hóa này khiến ta phải đặt câu hỏi về trao truyền văn hóa hành lễ”, ông nói.

“Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy việc quản lý chưa nghiêm. Bao nhiêu năm nay, việc xử phạt chưa thấm vào đâu so với vi phạm. Chính vì thế, theo tôi đã đến lúc phải phạt rồi”, ông Quang nói. Thế nhưng, việc xử phạt này không hẳn đã dễ, bởi theo thanh tra Bộ VH-TT-DL nếu không bắt được tận tay thì cũng rất khó phạt. Thêm vào đó, cũng không đủ nhân lực cho việc giám sát trải dài, nhất là vào mùa hội xuân. Tuy nhiên, với trường hợp hòm công đức như ở gò Đống Đa, cơ quan chức năng nên sớm xem xét việc có nên tiếp tục đặt hòm công đức phản cảm dưới chân phiến đá “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” hay không. 

Ngoài việc “phạt nóng”, điều quan trọng hơn theo ông Quang, là phải chữa tận gốc - trị cho được sự thiếu chuẩn mực của thực hành nghi lễ. “Biện pháp tuyên truyền giáo dục cho người đi lễ thì đã nghe nhiều rồi. Nhưng ai tuyên truyền và tuyên truyền ra sao mới quan trọng. Theo tôi, nên để chính những người chủ các địa điểm di tích, các cơ sở thờ tự lên tiếng. Họ là người thu hút được sự chú ý và có thể gây ảnh hưởng tới các phật tử”, ông nói.

Đi lễ thế nào cho đúng ?

PGS-TS Quang cũng cho biết, trên một số trang mạng của đạo Phật đã có những bài viết để giải thích cho phật tử thế nào là công đức, cũng như cách đi lễ đúng chính pháp. Theo đó, người đi lễ không nên mù quáng tin vào rút quẻ, không nên nghĩ mình bỏ tiền ra là đã có công đức. Công đức nằm trong chính sự tu tập, tự nhìn lại, tự tu dưỡng đạo đức của mình.

Nếu những bài viết như thế này được người đứng đầu các cơ sở thờ tự đưa tới cộng đồng, nó sẽ có hiệu quả trong việc chấn chỉnh sự xô bồ của các hòm công đức, cũng như việc ném tiền bừa bãi. Để làm được việc này, theo ông Quang, có lẽ Bộ VH-TT-DL cũng nên sớm có những chương trình tập huấn nhất định với những người đứng đầu các cơ sở thờ tự nói trên.

 T.N

Trinh Nguyễn

>> Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 5: Trần tục hóa
>> Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 4: Rải tiền nơi cửa Phật
>> Đối đầu trong lễ hội
>> Tưng bừng lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa
>> Lễ hội bánh tét ở Đồng Nai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.