Nhà xe tha hồ “chặt chém”

18/02/2013 03:26 GMT+7

Trở lại Hà Nội và TP.HCM sau những ngày nghỉ tết là hành trình gian nan của những người đi xe đò, đặc biệt là trong ngày cao điểm như hôm qua.

Hôm qua 17.2, lượng người đi làm và sinh viên (SV) từ các địa phương quay lại Hà Nội được xem là cao điểm. Khắp các ngả đường dẫn vào các bến xe như đường Giải Phóng, Phạm Hùng… đều trong tình trạng tắc nghẽn chiều vào TP, trong khi chiều ngược lại thông thoáng. Không chỉ bị nhồi nhét khách 60 - 70 người/xe 45 chỗ, hành khách còn bị “chặt chém” giá vé. Với tuyến cao điểm như Thanh Hóa, giá xe khách ra Hà Nội đã tăng 200.000 đồng/ghế, dù ngày bình thường chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng/ghế. Thậm chí, nhiều người đứng dọc đường không bắt được xe do quá đông.

Nhà xe tha hồ “chặt chém” 
Không đón được xe, nhiều người mang ghế ra ngồi chờ đợi - Ảnh: T.Q.N

Theo Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình, lượng khách đổ lên thủ đô sau kỳ nghỉ tết đông hơn ngày thường khoảng 40%. Còn theo số liệu thống kê của Công ty quản lý bến xe Hà Nội, chỉ trong ngày 17.2, tổng số xe đổ về 3 bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm là gần 3.000 lượt xe với gần 50.000 lượt hành khách.

 “Sợ quá không đi nữa”

Lượng người từ các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh đi vào phía nam hôm qua tiếp tục đông; trong đó đa số là SV và công nhân, không ít người lâm cảnh khổ sở vật vờ vì đón nhầm xe.

3 cô gái tên Ngần, Na, Linh quê ở xã Võ Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) đón xe tốc hành đi TP.HCM tại ngã ba Võ Xá với giá 700.000 đồng/người. Nhưng đi được hơn 10 km, cả 3 cô phải yêu cầu tài xế cho xuống xe ở đoạn thuộc địa phận xã Thanh Thủy, H.Lệ Thủy. Khi gặp chúng tôi, 3 cô vẫn còn hoảng hốt, sợ hãi, cúi gằm mặt. Linh kể: “Xe chật kín người, lại toàn những người giống như dân móc túi cướp giật, họ nhìn tụi em với ánh mắt kỳ lạ. Vì thế tụi em nhất quyết xin xuống dù bị nhà xe chặn 200.000 đồng. Giờ em đang điện người nhà lên đón về chứ sợ quá không đi nữa”.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc đón xe đi chặng đường ngắn như từ Hà Tĩnh, Quảng Bình vào Huế, Đà Nẵng rất khó khăn vì xe từ ngoài vào đã kín chỗ. Nhiều người đón cả buổi sáng vẫn không có xe; để đi được, không ít người phải chấp nhận cảnh đi nhiều chặng như vào Huế xong tiếp tục bắt xe đi Đà Nẵng.

Tại Quảng Ngãi, trong lúc tuần tra kiểm soát trên QL1A, lực lượng Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT Quảng Ngãi đã phát hiện HTX vận tải Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) sử dụng xe chạy hợp đồng đón, chở khách vào TP.HCM với giá 800.000 đồng/vé ngồi, vượt 290.000 đồng/vé so với giá vé quy định. Thanh tra giao thông đã đưa xe vi phạm về Bến xe Quảng Ngãi tạm giữ phương tiện để xử lý, buộc chủ xe trả lại toàn bộ số tiền vé đã bán cho hành khách, đồng thời điều động xe khách khác đến đưa số hành khách tiếp tục hành trình vào TP.HCM với giá theo quy định.

Đến chiều tối cùng ngày, nhiều hành khách tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) mua vé của nhà xe Xuân Tùng (tuyến Đà Nẵng - TP.HCM) buộc phải trở về nhà hoặc phải đón xe khác vì bị nhà xe này bỏ rơi. Trước sự vô trách nhiệm của nhà xe, hơn 20 người đặt mua vé đã kéo đến đại lý bán vé (tại ngã tư Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân, TP.Tam Kỳ) đòi trả lại tiền.

Tại Bến xe Cà Mau (Cà Mau), hầu hết các hãng xe chất lượng cao như Phương Trang, Tuấn Hưng… đều hết vé. Nhiều người không mua được vé đành ra ngoài bắt xe “dù” đi TP.HCM, nhưng vẫn không đón được xe vì phần lớn xe “dù” cũng đã hết chỗ.

Tàu hỏa chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu

Ông Trịnh Quang Kỳ, Trưởng ga Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, trung bình mỗi ngày nhà ga bán ra 200 vé (kể cả bán trực tiếp và bán qua mạng). Với lượng vé này, ga Tam Kỳ chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu đi lại của hành khách vào nam sau Tết. Hiện vé tàu vào nam đến ngày 25.2 đã hết. Do không đủ vé tàu nên nhiều người dân phải ra tuyến đường tránh Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ) để đón xe khách. Tuy nhiên, do lượng khách từ tỉnh từ Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… đổ vào Nam khá đông nên nhiều người chầu chực chờ xe mà vẫn không có.

 Thanh Niên

 >> Tăng cường xe khách đi các tỉnh phía nam
>> Bắt xe khách… thích chở quá tải
>> Chầu chực đón xe vào Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.