Quà “độc” trong thế giới động vật

18/02/2013 03:25 GMT+7

Không chỉ con người, loài vật cũng biết tặng những món quà độc đáo cho bạn tình trong nỗ lực thắt chặt quan hệ.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Luiz Costa-Schmidt (Brazil), nhện đực thuộc loài Paratrechalea ornata dệt một hóa chất gọi là pheromone vào món quà được gói khéo léo bằng tơ, trong nỗ lực thuyết phục nhện cái đồng ý làm bạn tình. Hành vi sử dụng quà cáp để đảm bảo đối tượng sẽ quan hệ tình dục với mình xảy ra nhan nhản trong thế giới động vật, nhưng thông lệ này rất khác biệt so với nhận thức của con người về hành động ve vãn hoặc tán tỉnh. Dưới đây là những món quà kỳ cục một cách bất thường mà các loài động vật dùng để chiêu dụ đối tượng rơi vào lưới tình.

Quà... đểu

P. ornata không phải loài nhện duy nhất tặng quà gói trong tơ nhện, mà nhện đực Pisaura mirabilis, thường sống trong các đồng cỏ châu u, cũng sử dụng cách thức này. Tuy nhiên, không phải lúc nào các chàng nhện cũng gói các mẩu thức ăn ngon lành cho nhện cái. Bên trong lớp gói thơm nức mũi nhiều khi lại là một món quà đểu, như xác kiến khô đét hoặc thậm chí một mẩu lá chẳng có tí giá trị gì. “Nếu con đực tìm được đối tượng thích hợp nhưng lại chẳng có món gì trong tay, thế là nó vớ đại bất cứ vật gì để làm quà”, BBC dẫn lời giải thích của Pedro Ere Disconzi Brum, một thành viên của nhóm nghiên cứu Brazil. Trong trường hợp đang đói ngấu, nhện đực sẽ đi săn mồi ăn no nê, đồ ăn còn thừa mới gói cho nhện cái. Tiến sĩ Dr Costa-Schmidt cho rằng điểm mấu chốt của món quà không phải là nội dung, mà là mùi tỏa ra từ tơ nhện, làm sao dụ được “nàng” xơi luôn món quà ấy. Khi nhện cái cắn mồi, thừa dịp cô nàng mất cảnh giác, nhện đực lập tức lao vào tấn công tới tấp, đẩy đối tượng vào tình trạng “ván đã đóng thuyền”.

Nhầy nhụa và nặng mùi

Ruồi giấm đực có cách tiếp cận trực tiếp hơn, và gớm ghiếc y như đặc trưng của loài này. Một con ruồi đực loài Drosophila subobscura ói chất dinh dưỡng mới tiêu hóa để tặng các bạn tình tiềm năng. Theo BBC Nature, tiến sĩ Michael Ritchie của Đại học St Andrews (Scotland) đã nghiên cứu sự trao đổi nặng mùi đó và khẳng định rằng khó mà đánh lừa được các nàng qua hành động này. Đối với ruồi cái, chất lượng của món quà có liên hệ trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của ruồi đực.

Gây ấn tượng nhất chính là nhóm động vật không xương sống. Tiến sĩ Karim Vahed của Đại học Derby (Anh) cho hay dế mới là cao thủ số 1 về khoản này. Trong mùa giao phối, con đực tặng cho con cái một cái bó sinh tinh, tức hỗn hợp sền sệt, ăn được, kèm theo túi tinh trùng. Món quà này có công dụng làm con cái xao nhãng trong khi quá trình chuyển giao tinh trùng diễn ra, nhưng vấn đề là đâu phải món quà nào cũng phù hợp với nhu cầu của “nàng”. Kết quả là con đực chọn món quà kém chất một chút, nhưng được thêm thắt mùi vị để làm hài lòng bạn tình. Tiến sĩ Vahed còn phát hiện rằng việc tạo ra những món quà chất lượng có thể làm hao tổn con đực, và do vậy món quà càng lớn thì con đực càng “kén cá chọn canh”.

Trong thế giới của loài chim, bói cá trống được biết như là một trong những kẻ tận tâm nhất khi chọn quà. Để dụ dỗ bói cá mái, chim trống được yêu cầu phải nuốt một con cá và trao tận mặt người đẹp. “Chim mái rất hay kiểu cách”, theo nhà làm phim về sinh vật hoang dã Charlie Hamilton James. Con trống lỡ chọn cá bống biển hoặc cá chạch khó lấy lòng con mái hơn là chọn cá chép, và cá càng nhỏ thì càng bị đối tượng phớt lờ. Những con trống mất kiên nhẫn cũng thuộc vào dạng dễ thất bại, nếu chúng chỉ đợi được chừng 10 phút trước khi bỏ cuộc và nuốt luôn món quà định tặng.

Thịt

Dùng thịt để chiêu dụ tình nhân là chiêu của loài tinh tinh. Hành vi trao quà ở họ hàng gần nhất của loài người luôn là đề tài tranh luận sôi nổi. Giáo sư Jill Pruetz, nhà nhân loại học thuộc Đại học bang Iowa (Mỹ), đã thực hiện cuộc nghiên cứu về tinh tinh thảo nguyên ở Senegal. Nhóm của ông đã quan sát thấy các tinh tinh đực thường chia sẻ quả dại và thịt với tinh tinh cái không có họ hàng, nhưng không phải lúc nào chuyện trao đổi này cũng kết thúc bằng tình dục.

Tương tự như vậy, trong báo cáo vào năm 2010, tiến sĩ Ian Gilby của Đại học Duke (Mỹ) cũng phát hiện tình trạng làm lơ của con cái trước sự rộng lượng của con đực trong loài tinh tinh Đông Phi. Tuy nhiên, nghiên cứu khác của Cristina Gomes và Christophe Boesch cho thấy tinh tinh đực sẵn sàng đầu tư dài hạn. Khi quan sát một nhóm tinh tinh ở khu bảo tồn Rừng Tai tại Bờ Biển Ngà, họ đã thấy những con đực nào càng chia sẻ đồ ăn với con cái càng lâu thì cơ hội làm "chuyện ấy" càng tăng.

Khi đề cập đến chuyện luyến ái trong thế giới động vật, quyền lựa chọn có thể thuộc về con cái, nhưng tất nhiên con đực lúc nào cũng thủ sẵn vài chiêu “độc” phòng trường hợp gặp phải cô nàng khó tính.

Phi Yến

>> Cứu hộ động vật hoang dã: Mỗi tên một số phận
>> Tranh cãi về đồng tính ở động vật
>> Động vật giống như hoa tulip
>> Vì động vật hoang dã
>> Yêu động vật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.