Giúp học sinh “bắt nhịp” sau tết

17/02/2013 10:15 GMT+7

(TNO) Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, hầu hết các bậc phụ huynh đều rơi vào tâm trạng lo lắng "làm thế nào để con trở lại trường mà không bị chểnh mảng" bởi dư âm của những ngày được "xả hơi".

(TNO) Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, hầu hết các bậc phụ huynh đều rơi vào tâm trạng lo lắng "làm thế nào để con trở lại trường mà không bị chểnh mảng" bởi dư âm của những ngày được "xả hơi".

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng phụ huynh đừng lo các em quên hết kiến thức và không bắt nhịp được với việc học sau tết. Vì theo ông Tiến, chỉ đạo của ngành GD-ĐT sau mỗi kỳ nghỉ dài là các giáo viên có nhiệm vụ dành những ngày đầu để ôn lại cho học sinh kiến thức cũ chứ chưa dạy ngay bài mới.

Ông Tiến cũng chia sẻ kinh nghiệm, trước khi trẻ đi học khoảng 2-3 ngày, cha mẹ hãy giúp các bé làm quen lại với lịch sinh hoạt trước đây, chẳng hạn như tối đi ngủ sớm và sáng dậy đúng giờ để kịp đi học. Các phụ huynh cũng nên hướng dẫn con ngồi vào bàn soạn sách vở, xem lại những bài đã học hoặc vẽ hay đọc truyện nếu trẻ thích… Mục đích là để con quen với việc sắp tới phải dậy sớm đi học.

Ông Tiến cũng khuyên các phụ huynh hãy chuẩn bị tâm thế cho trẻ rằng còn ít ngày nữa các em sẽ lại đến trường học tập, được tham gia các hoạt động múa hát, được chơi với bạn bè…

"Khi trẻ bắt đầu đi học trở lại, trong một vài ngày đầu, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra bài vở và nhắc nhở con nhiệm vụ học tập, tác động để kéo các bé ra khỏi dư âm của nghỉ tết", ông Tiến nói.

Còn theo bà Nguyễn Quỳnh Như, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót, Q.Thanh Xuân (Hà Nội), đối với trẻ tiểu học, một ngày trước khi đi học, phụ huynh chỉ cần hướng dẫn con soạn sách vở, xem lại bài tập đã học trước đó. Khi đi học, sau 1-2 ngày là cô giáo sẽ hướng dẫn các con nhớ lại bài đã học.

"Đối với những học sinh ở bậc cao hơn, các em đã có ý thức tự học nên có thể để trẻ chủ động trong việc này, không nên bắt ép. Nếu gia đình nào cho con về quê ăn tết thì cho con ra sớm 1-2 hôm để con có thời gian nghỉ ngơi", bà Như nói.

Cô Nguyễn Thị Ly, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung, Q.Đống Đa (Hà Nội) cũng cho hay sau đợt nghỉ tết, việc ổn định nề nếp cho các học sinh ngay khá vất vả. Cô Ly chia sẻ kinh nghiệm là "giáo viên phải nắm bắt tâm lý học sinh, không ép các con vào khuôn khổ ngay, cũng không dạy kiến thức mới hoặc khó vào những tiết học này".

Cũng theo cô Ly, giáo viên nên dành những tiết học đầu tiên khi học sinh trở lại trường để cô trò chúc mừng năm mới nhau, gợi cho các em kể lại những ấn tượng đẹp nhất trong kỳ nghỉ vừa rồi, chia sẻ với các em những chuyện vui của cô khi được sum họp hoặc đi du lịch với gia đình, bày tỏ niềm vui được gặp lại học sinh sau kỳ nghỉ dài…

“Nếu có điều kiện, cô giáo nên chuẩn bị thêm những món quà nhỏ để mừng tuổi học sinh. Tất cả những việc làm đó khiến các con sẽ rất hứng khởi và cảm thấy chuyện trở lại trường cũng vui không kém”, cô Ly nói thêm.

Ở góc độ một phụ huynh, chị Lan Hương (khu tập thể Trung Tự, Q.Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm, những đợt nghỉ lễ dài thì gia đình chị thường dừng mọi việc vui chơi, tiệc tùng vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ.

"Nếu kéo dài không khí “lễ hội” đến tận ngày cuối cùng thì các cháu sẽ rất mệt mỏi, tâm lý uể oải và sáng hôm sau không thể dậy sớm đi học được", chị Hương nói.

Hàng trăm bài tập… vui tết

Một học sinh lớp 11 Trường THPT Nhân Chính, Q.Thanh Xuân (Hà Nội) than thở với Thanh Niên Online "về quê chúc tết ông bà mà vẫn phải “ôm” theo đống bài tập tết. Vì nếu không thì có “vắt chân lên cổ” cũng không làm xong trước ngày đi học trở lại".

Em này cho biết, vì học ban Cơ bản D nên 3 môn toán, văn, tiếng Anh là “được” giao nhiều bài tập nhất, đếm sơ sơ thì môn toán có mấy trăm câu, môn tiếng Anh là “khủng” nhất với một tập dày như ôn thi…

Không riêng gì Trường THPT Nhân Chính, nhiều trường THPT cũng giao rất nhiều bài tập cho học sinh vì thấy nghỉ tết dài, sợ các em mải chơi quên hết kiến thức. Một số giáo viên phân trần "những bài tập này chủ yếu là kiến thức cơ bản và các học sinh không mất nhiều thời gian để hoàn thành".

Một phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Thăng Long, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết năm nào con mình cũng mang về một tập bài cả toán và tiếng Việt, tiếng Anh được in, đóng bìa rất cẩn thận, bên ngoài còn in dòng chữ “bài tập vui tết”.

“Cháu nhà tôi buồn rầu bảo với mẹ, nhiều bài tập thế này thì làm sao mà… vui tết được nữa”, một vị phụ huynh kể.

Tuệ Nguyễn

>> Học sinh TP.HCM nghỉ tết 16 ngày
>> Học sinh được nghỉ Tết dương lịch 4 ngày
>> Học sinh TP.HCM được nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày
>> Đề xuất nghỉ Tết Quý Tỵ 9 ngày

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.