Quản lý kiểu gì ?

16/02/2013 03:00 GMT+7

Sau nhiều năm người dân chấp hành nghiêm quy định về cấm đốt pháo thì một vài năm gần đây tiếng pháo nổ đang trở nên phổ biến hơn. Tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương... năm nay tiếng pháo không còn lẹt đẹt, rải rác mà xác pháo đầy sân, đầy đường.

Nhiều người dân xác nhận, hành vi đốt pháo công khai, gia tăng, chỉ có chính quyền khi được hỏi vẫn cho rằng “năm nay tình trạng đốt pháo rất ít” (Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương trả lời Báo Thanh Niên, ngày 15.2). Nội dung này chưa phản ảnh đúng thực tế diễn ra trên địa bàn, vốn gây nhiều quan ngại.

Cho đến bây giờ, sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo các tranh luận về được, mất của quy định này vẫn chưa dứt. Nhưng khoan bàn đến chuyện nên hay không nên mà chỉ có một nguyên tắc phải tôn trọng, đó là pháp luật điều chỉnh hành vi: hành vi của đối tượng mà chính sách hướng tới và hành vi của chính quyền áp đặt việc thi hành. Trong câu chuyện về pháo nổ, mệnh lệnh về cấm đốt pháo là rất rõ ràng (chế tài đầy đủ) và trên thực tế là người dân đã tuân thủ nó nghiêm túc trong những năm đầu; nhưng khi pháp luật không đủ điều chỉnh hành vi của chính quyền thì chính sự lơ là (hay bất lực?) của chính quyền trước hành vi vi phạm khiến người dân dễ dàng vượt qua lằn ranh giới. Nên sẽ rất dễ hiểu khi tình trạng pháo nổ ngày càng gia tăng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong công điện ngày 30.1.2013, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định, “người đứng đầu chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phức tạp trên địa bàn”, trong đó có việc sử dụng pháo nổ trái phép. Chính quyền đương nhiên phải chịu trách nhiệm, bởi nếu làm hết trách nhiệm sẽ chẳng có quả pháo lậu nào được bán đến tay người dân để mà có pháo nổ. Do đó, giải thích, công an không thể bắt giữ người đốt pháo là do người dân đốt pháo ngoài đường chỉ là cách trả lời thiếu trách nhiệm.

Chuyện này cũng giống như việc một số nơi buông lỏng kiểm soát an toàn thực phẩm, có khi lại đổ lỗi tại người nông dân thiếu trách nhiệm hoặc người kinh doanh vô đạo đức...

Sự buông lỏng của chính quyền trước một hành vi vi phạm nào đó bao giờ cũng dẫn đến những hậu quả xã hội khó lường.

Trách nhiệm của cả xã hội là làm sao để người đốt pháo hoặc kinh doanh thực phẩm mất an toàn biết sợ hãi sự lên án. Trách nhiệm của chính quyền là làm thế nào để những người đó sợ hãi bị trừng phạt. Nhưng trách nhiệm lớn hơn nữa của chính quyền còn là làm sao để người dân không coi việc vi phạm pháp luật là hành vi bình thường.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.